Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

NGĂN CHẶN VIỆC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI NHƯ MỘT CÔNG CỤ KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ, CHIA RẼ ĐOÀN KẾT

 Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, Internet và mạng xã hội đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta không phủ nhận những tiện ích to lớn mà mạng xã hội đem lại cho cộng đồng. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng những ưu thế mà mạng xã hội đem lại để tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Hàng nghìn trang mạng xã hội, blog,… được các thế lực thù địch, phản động lập ra để sử dụng như một công cụ chủ lực trong tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt nhằm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

​Từ những trang mạng xã hội có địa chỉ ở nước ngoài, rất nhiều thông tin, tài liệu bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc được lan truyền gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng cư dân mạng. Những sự kiện “nóng”, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp các thế lực thù địch, phản động tập trung thời gian gần đây là: mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, đặc biệt phản ứng của Việt Nam trước các sự kiện quốc tế, trong đó có cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; tình hình ở Biển Đông; những vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nội dung các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam…Chẳng hạn như xung quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trên mạng xã hội họ bịa chuyện cho rằng nước này, nước kia “rất thất vọng” khi Việt Nam bỏ phiếu trắng. Họ trích dẫn ý kiến cá nhân của người này, người kia trên mạng xã hội từ đó suy diễn cho rằng Việt Nam bị “gây sức ép” khi bỏ phiếu tại Liên hợp quốc. Rồi họ quy kết: Vấn đề chính là Việt Nam không thể tự chủ trong đường lối đối ngoại cũng như phải nhìn “sắc mặt” của các cường quốc để ứng xử. Cũng chính từ đây họ hoài nghi đặt câu hỏi: Có hay không việc Việt Nam ủng hộ dùng vũ lực để giải quyết những bất đồng giữa Nga và Ukraine?... nhằm lợi dụng sự kiện ở Ukraine để chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
​Còn nhiều nữa những dẫn chứng có thể chỉ ra cho thấy mạng xã hội đang bị các đối tượng thù địch, tư tưởng phản động triệt để khai thác biến thành công cụ tuyên truyền kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế. Cần khẳng định rằng, những hành động đó không chỉ trái pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm công ước quốc tế. “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” năm 1966 quy định rất rõ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khoản 2, Điều 19 của Công ước quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, những quyền ấy không phải là quyền tuyệt đối, quyền lợi phải gắn với trách nhiệm và phải có ràng buộc: Khoản 3, Điều 19 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” năm 1966 ghi rõ: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
​Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, không một quốc gia nào dung túng, bao che cho những hành động sử dụng Internet, mạng xã hội làm công cụ xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet trên cơ sở tuân thủ Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn chủ động phối hợp, tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, phát triển Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại. Nhưng Việt Nam cũng làm hết sức mình để ngăn chặn thông tin xấu, độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn chung tay với các nước, các tổ chức quốc tế xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn, hữu ích ở Việt Nam và toàn cầu. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam lên án mạnh mẽ, đấu tranh kiên quyết, không cho phép bất kỳ ai được lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet để tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, những luận điệu thù hận, phỉ báng, kích động có thể gây căng thẳng, gây chia rẽ đoàn kết và đưa đến xung đột. Mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực sử dụng Internet, mạng xã hội và phương tiện truyền thông đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật./.
ST


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét