Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Nhận diện biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận

 Lâu nay, trên các diễn đàn học thuật, hoạt động nghiên cứu lý luận và công tác tư tưởng, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta ít hoặc hầu như không đề cập đến vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận. Phải chăng biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ này chưa đến mức báo động; hay chúng ta sợ động chạm, là “vạch áo cho người xem lưng” để lảng tránh; hoặc chưa đủ căn cứ để xác định một số cán bộ lý luận của Đảng đã hay chưa rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”? Với phương châm “không có vùng cấm”, công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói chung và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận hiện nay nói riêng cũng không phải là ngoại lệ; đồng thời, là vấn đề có tính cấp bách hiện nay.

Đội ngũ cán bộ lý luận là một bộ phận rất quan trọng trong toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, bao gồm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống các trường Đảng các cấp, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và cán bộ làm công tác lý luận chuyên trách trong toàn quốc có nhiệm vụ nghiên cứu, truyền bá các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đội ngũ cán bộ lý luận, một người có thể vừa là cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, cán bộ làm công tác tuyên truyền, vừa là trí thức cả đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ lý luận, cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình khẳng định: “Đội ngũ cán bộ lý luận của ta nói chung có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Mấy năm nay, đội ngũ này được bổ sung khá nhiều bằng những lực lượng trẻ, được đào tạo khá hệ thống. Tuy nhiên, tình trạng vẫn là đông nhưng không mạnh... Hệ thống tổ chức nghiên cứu và quản lý công tác nghiên cứu vừa phân tán, vừa trùng lặp, thiếu sự phân công và phối hợp; chưa chú ý đến xây dựng các ngành khoa học trọng điểm và đội ngũ cán bộ đầu đàn; thiếu sự chỉ đạo tập trung thống nhất. Kinh phí đầu tư cho khoa học xã hội và nghiên cứu lý luận còn ít”(1).

Biểu hiện “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ lý luận rất phức tạp, cần được phân tích, nhận diện chính xác. Đánh giá không chính xác thì có thể đẩy người của ta sang phía hàng ngũ kẻ thù, rất nguy hiểm. Đối chiếu với 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” ở đối tượng đặc thù là cán bộ lý luận chính trị, bước đầu chúng ta có thể nhận diện như sau:

Rơi vào xét lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong nghiên cứu lý luận, nhân danh nghiên cứu đề xuất, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới, một số cán bộ nghiên cứu lý luận cả đương chức lẫn nghỉ hưu cố tình tuyệt đối hóa những luận điểm đơn lẻ của các nhà kinh điển vốn đúng ở thời điểm lịch sử đó, nhưng đến nay không còn phù hợp, bị thực tiễn vượt qua; hoặc khi nghiên cứu các tác phẩm kinh điển có những luận điểm, tư tưởng được các nhà kinh điển trích dẫn lời của người khác (thường là kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin) để quy chụp là sai lầm... Từ đó, từng bước xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng từng luận điểm đến xuyên tạc, phủ nhận từng bộ phận tiến tới toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số cán bộ lý luận được Đảng và Nhà nước cử đi đào tạo, tham quan, nghiên cứu ở nước ngoài, thay vì trau dồi kiến thức, lại bị tác động bởi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; ca ngợi, tán dương một chiều hình mẫu chủ nghĩa tư bản, tự do tư sản; đồng thời, xuyên tạc, bịa đặt, áp đặt ý chí chủ quan khi đánh giá về Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng; bi quan và dao động với mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong giảng dạy lý luận chính trị, cố ý lồng ghép quan điểm cá nhân trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; phụ họa theo các quan điểm sai trái, thù địch của những phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước; cố tình thổi phồng các khuyết điểm, sai lầm của Đảng trước đổi mới, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên để phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng đối với toàn xã hội tới các thế hệ sinh viên, học viên. Lợi dụng Đảng và Nhà nước ta phát huy dân chủ trong toàn xã hội, một bộ phận trí thức, trong đó có người từng là cán bộ lý luận nhân danh cái gọi là “nhà dân chủ” trong các hội nhóm phản động tung hàng loạt “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư” với âm mưu đen tối như: Đòi Đảng, Quốc hội sửa đổi Hiến pháp theo hướng bỏ Điều 4, thực hiện “tam quyền phân lập”, đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân, lực lượng vũ trang phải “trung lập”; kích động các tầng lớp xã hội đấu tranh đòi thay đổi thể chế chính trị; lợi dụng những vấn đề nhạy cảm liên quan tới chủ quyền biển - đảo để xuyên tạc, phân hóa nội bộ và kích động chống phá quan hệ hữu nghị với một số nước láng giềng; phủ nhận công cuộc đổi mới đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, mưu toan hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Thậm chí, có nhóm đã tiến hành soạn thảo và tán phát dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh” trên cơ sở nền tảng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), nhưng cắt bỏ tất cả những gì đề cập đến việc xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ hết các cụm từ “chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, “chủ nghĩa xã hội” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đảng ta đã tổ chức Đại hội XIII thành công và nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”(2). Trong khi đó, một số báo chí cho đăng tải những bài viết có xu hướng xét lại lịch sử. Xu hướng đáng báo động là một số cơ quan báo chí và truyền thông hùa theo các quan điểm sai trái, cho đăng tải với tần suất ngày càng nhiều các bài nói, bài viết, hình ảnh của những phần tử cơ hội chính trị, các quan điểm của học giả tư sản trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta.

Có thể nói, nhận biết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một con người hay trong một tổ chức không đơn giản chỉ dựa trên một vài biểu hiện bề ngoài. Vì thực tế hiện tượng bề ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh bản chất bên trong. Vì thế, việc kết luận một trường hợp nào đó có vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải thận trọng, khách quan trên cơ sở phân tích, tổng hợp các dấu hiệu diễn ra có tính hệ thống trong một quá trình nhất định.CST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét