Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã, nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này. Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, Bộ Nội vụ đề xuất chính sách "khá mạnh tay" để có thể thực hiện ngay việc sắp xếp.
Đề xuất tăng thêm biên chế cán bộ, công chức cấp xã
Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc xây dựng 3 nghị định này liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây.
Đồng thời khẳng định, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho nên cần phải chuẩn bị đầy đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện.
Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã, nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế phải tích hợp một số nghị định liên quan đến chính sách tinh giản biên chế.
Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo nghị định đưa ra chính sách "khá mạnh tay" để có thể thực hiện ngay việc sắp xếp.
Về dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là nghị định rất khó, mang tính chính trị cao.
Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai, cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Về dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, gồm 3 chương, 15 điều. Cần sớm trình Chính phủ ban hành để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhằm thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị.
Về đối tượng áp dụng, có hai loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; ý kiến thứ hai, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (kể cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
Về nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ, có 5 nguyên tắc: (1) Khuyến khích mọi cán bộ năng động, sáng tạo trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; (2) Phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; (3) Phải bảo đảm không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng; (4) Khi thực hiện mà xảy ra thiệt hại thì phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, được xem xét miễn xử lý trách nhiệm; (5) Trường hợp lợi dụng chủ trương thì bị xử lý nghiêm.
Về dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 1-12-2020), gồm 5 chương và 25 điều.
Dự thảo đã đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung về đối tượng áp dụng, các trường hợp tinh giản biên chế, các chính sách tinh giản biên chế, chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 nghỉ ngay trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền.
Về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố (thay thế các Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP), gồm 4 chương và 40 điều.
Dự thảo đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung về quy định chức danh, số lượng, tiêu chuẩn (khung năng lực) và nhiệm vụ cụ thể (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, phụ cấp kiêm nhiệm,.../.
Báo QDND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét