Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Đổi mới mô hình truyền thông chính sách mới

 

 


Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, vấn đề truyền thông chính sách cần thay đổi nhanh chóng cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Trước hết cần thống nhất nhận thức rằng chu trình chính sách cần huy động, phát huy vai trò thể chế báo chí-truyền thông vào việc phản biện xã hội nhằm mục đích hoàn thiện chính sách và phát huy vai trò giám sát xã hội của báo chí-truyền thông-dư luận xã hội trong thực thi chính sách. Có như vậy mới bảo đảm chống, hạn chế lợi ích nhóm và lạm dụng quyền lực, bảo đảm đồng thuận xã hội và phát triển bền vững. Thứ hai, cần chuyển đổi mô hình truyền thông chính sách từ chủ yếu tuyên truyền sang truyền thông; từ chủ yếu "soạn thảo chính sách trong nội bộ" sang huy động nguồn lực trí tuệ, cảm xúc xã hội, nhân dân tham gia phản biện xã hội, giám sát xã hội thông qua thiết chế báo chí truyền thông. Bởi vì chỉ có thể tạo dựng được đồng thuận xã hội cao khi đông đảo nhân dân, nhất là nhóm đối tượng chịu tác động chính sách được dễ dàng tham gia phản biện xã hội trong thiết kế chính sách. Chỉ có thể gia tăng niềm tin của nhân dân vào thể chế, khi nhân dân được tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi cho giám sát xã hội đối với thực thi chính sách.

Thiết nghĩ mô hình truyền thông chính sách cho các bộ ngành là cần thành lập trung tâm truyền thông theo mô hình truyền thông Chính phủ trong đó có bộ phận tham mưu còn lại chủ yếu làm dịch vụ truyền thông và quan hệ công chúng. Song song với đó là tổ chức đào tạo lại và tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự của các trung tâm truyền thông bảo đảm cho đội ngũ này có quan điểm, thái độ đạo đức kỹ năng làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu tổ chức bộ máy… Truyền thông chính sách, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc rất khó, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng của nhà báo, của cơ quan thông tin báo chí. Nhiều khi vấn đề đặt ra không chỉ là chính sách “đúng hay sai” so với các quy định của pháp luật, mà quan trọng hơn là chính sách có khả thi, có hợp lý, có cần thiết và có hiệu quả không. Hơn thế nữa, những người làm công tác truyền thông chính sách cũng có khả năng xung đột với các cơ quan quản lý khác khau. Tất cả những điều này đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm vững được những vấn đề chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh không ngại va chạm. Thực tế nói trên đòi hỏi các cơ quan báo chí cần phải đầu tư hơn cho nội dung này thì mới có nhiều hơn những tác phẩm truyền thông chính sách có chất lượng cao và sức tác động, lan tỏa ngày càng lớn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét