Những năm gần đây, các phần tử có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan ở trong và ngoài nước đã lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa của Liên hợp quốc để vận động các quốc gia phương Tây, các tổ chức quốc tế công nhận ở Việt Nam có “dân tộc bản địa”. Đồng thời, kích động các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm, Khơme và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đòi quyền tự quyết. Bài viết phản bác quan điểm “ở Việt Nam có dân tộc bản địa”, đồng thời làm rõ về “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”, từ đó đề xuất giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Thiếu nữ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hòa mình trong không gian lễ hội Hoa Ban, tỉnh Điện Biên - Ảnh: chinhphu.vn
1. Ở Việt Nam không có “dân tộc bản địa”
Ngày 13-9-2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 61/295: Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa, với 46 điều.
Cụm từ “dân tộc bản địa” được dịch từ văn bản gốc của Liên hợp quốc là Indigenous peoples (dân tộc bản địa hay dân tộc bản xứ). Thuật ngữ “dân tộc bản địa” xuất hiện cùng với quá trình tìm kiếm thị trường, truyền bá tôn giáo và xâm lược thuộc địa từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của các nước tư bản châu Âu đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
Ví dụ, những người thổ dân ở châu Úc đã sinh sống lâu đời trước khi người Anh xâm lược; những người Mỹ gốc thổ dân thường được gọi là người da đỏ (hay Anh điêng) bởi đó là những người đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Hoa Kỳ trước khi người châu Âu đến chiếm đóng. Khu vực Mỹ Latinh trước kia là lãnh thổ của các bộ lạc da đỏ. Nghị quyết 61/295 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính là đề cập tới các nhóm thổ dân này.
Không phủ nhận rằng, trong lịch sử hình thành các quốc gia - dân tộc, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh, sau mỗi cuộc chiến tranh xâm lược, quá trình di dân từ “chính quốc” đến thuộc địa đã hình thành những quốc gia - dân tộc mới. Ngay từ khi mới hình thành, ở những quốc gia này vẫn luôn tồn tại hai nhóm xã hội: nhóm người di cư và nhóm người bản xứ. Những nhóm xã hội này thường vẫn muốn duy trì phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lối sống riêng của mình. Có thể xem Hoa Kỳ, Canađa và Ôxtrâylia là những ví dụ. Trong những quốc gia này, khái niệm “người bản địa” vẫn tồn tại và còn có những ý nghĩa nhất định(1).
Sau khi Nghị quyết 61/295 của Liên hợp quốc ra đời, ngày 22-9-2012, tại North Carolina, Hoa Kỳ, ba tổ chức phản động lưu vong là: Hội đồng Dân tộc Thượng, Hội đồng tối cao Campuchia - Krom, Hội đồng phát triển văn hóa xã hội Chămpa đã thống nhất thành lập một liên minh đấu tranh của các dân tộc bản địa Việt Nam với tên gọi là “Hội đồng tối cao các dân tộc bản địa Việt Nam ngày nay” (tên tiếng Anh là The Supreme Council of Indigenous Peoples of Today’s Vietnam, hay SCIP-TVN). SCIP-TVN thể hiện rõ âm mưu qua việc xác định ba mục tiêu chính là: 1) “Kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải công nhận dân tộc Thượng, Campuchia - Krom và Chăm là dân tộc bản địa”; 2) “Yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thực thi những điều khoản nêu trong Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc bản địa mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết”; 3) “Kêu gọi các tổ chức của Liên hợp quốc đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động đấu tranh của SCIP-TVN phù hợp với Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc bản địa của Liên hợp quốc”(2).
Như vậy, có thể thấy rõ, âm mưu của các tổ chức phản động lưu vong đòi chính phủ Việt Nam công nhận các dân tộc Chăm, Khơme và các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên là “dân tộc bản địa”, không xuất phát từ lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà xuất phát từ mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết của các dân tộc, chia cắt sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, Việt - Mường và một bộ phận của nhóm Tày - Thái được cho là phát triển từ các nhóm người cổ đại hình thành ở Việt Nam và các khu vực khác của Đông Nam Á. Các dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, Hán, Tạng - Miến, một bộ phận của nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và Mã Lai - Đa Đảo được xác định là di cư từ phía Nam Trung Quốc hoặc từ vùng hải đảo tới từ hàng nghìn năm đến hàng trăm năm trước.
Mặc dù có nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán riêng, cư trú ở Việt Nam vào những thời gian khác nhau, nhưng các dân tộc đã chung sống hài hòa và phân bố rộng khắp từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo, các dân tộc cư trú xen kẽ, không có dân tộc nào hoàn toàn tách riêng về mặt địa lý. Ðiều này đã làm cho sự hòa hợp trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc, dù đa số hay thiểu số, cùng phát triển trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, tương trợ, giúp đỡ nhau.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “dân tộc bản địa” gắn liền với các thời kỳ nước ta bị đô hộ, xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc, tên nước Việt Nam bị xóa trên bản đồ thế giới, bị chia cắt thành ba kỳ trong xứ Đông Dương thuộc Pháp; thuật ngữ “người bản xứ” (hoặc “người bản địa”) được dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam (kể cả người Kinh và các dân tộc thiểu số). Khi ấy, người dân nước ta không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu hay nghèo, trí thức hay lao động chân tay đều bị gọi chung bằng tên gọi miệt thị “Annammit”.
Như vậy là, khái niệm “người bản xứ” (hoặc “người bản địa”) chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và nó chỉ tồn tại với chế độ đó.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, không còn là “dân bản địa” hay “bản xứ” nữa. Thay vào đó là khái niệm “quyền công dân” - là quyền của tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, Điều 6 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa”.
2. Nhận diện các thủ đoạn lợi dụng, đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”
Ở Việt Nam, vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số” thường bị các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, lôi kéo, kích động ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết của dân tộc - quốc gia” với quyền của “dân tộc - tộc người”.
Các thế lực thù địch thường đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các “quốc gia - dân tộc” (nation-state) với quyền của “dân tộc - tộc người” (ethnic groups) nhằm kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai tự trị trong vùng dân tộc thiểu số, như kích động thành lập “nhà nước Hmông tự trị” ở vùng Tây Bắc, “nhà nước Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên, “nhà nước Khơme - Krom” ở Tây Nam Bộ.
Trong Hiến chương Liên hợp quốc, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc. Khoản 2, Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”(3).
Ngày 14-12-1960, Đại Hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết số 1514 (XV) thông qua Tuyên bố về “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”, trong đó, tại Điều 2, Nghị quyết khẳng định: “Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết, xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”(4).
Công ước quốc tế về “Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16-12-1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc), Điều 2 quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”(5).
Như vậy, trên bình diện quốc tế, quyền dân tộc tự quyết là việc một quốc gia - dân tộc có quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền quyết định về thể chế chính trị và con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Dân tộc tự quyết còn thể hiện ở quyền tách ra thành một quốc gia độc lập, hay quyền liên hiệp với dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của dân tộc ấy.
Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận tại Điều 27 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966): “Ở những quốc gia tồn tại các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, những người thuộc các nhóm thiểu số đó sẽ không bị từ chối quyền, trong cộng đồng với các thành viên khác trong nhóm của họ, được hưởng nền văn hóa của họ, tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ, hoặc sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”(6).
Có thể thấy, chủ thể của quyền dân tộc tự quyết là quốc gia - dân tộc chứ không phải là một dân tộc thiểu số trong quốc gia - dân tộc đó. Pháp luật quốc tế không công nhận một dân tộc thiểu số ở một quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó(7).
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số, với tỷ lệ 85,3% dân số; 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số(8). Điều 4, khoản 2 Nghị định về Công tác dân tộc, quy định: “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; khoản 3 quy định: “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia”; khoản 4 quy định: “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(9). Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc là nhất quán: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...”(10).
Hiến pháp năm 2013, Điều 5 quy định: “1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”(11).
Thứ hai, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự khác biệt và phát triển không đồng đều giữa các dân tộc nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kích động tư tưởng ly khai, tự trị.
Ở Việt Nam, các dân tộc - tộc người, mặc dù có nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán khác nhau, cư trú ở Việt Nam vào những thời điểm khác nhau, nhưng các tộc người đều chịu chung sự tác động của hoàn cảnh lịch sử, nên đã sớm có ý thức tự giác chung sống đoàn kết trong một quốc gia, dân tộc. Truyền thống đoàn kết được hình thành dựa trên hai yếu tố cơ bản: chinh phục tự nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm.
Một đặc điểm nổi bật về bức tranh phân bố dân cư của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hình thái cư trú phân tán, xen kẽ làm cho các dân tộc ở Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng. Vì vậy, không có một dân tộc nào ở Việt Nam cư trú tập trung và duy nhất trên một địa bàn. Tình hình cư trú phân tán, xen kẽ của các tộc người gắn liền với quá trình phát triển lâu dài của đất nước.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều thể hiện giữa các vùng, và giữa các tộc người. Sự phát triển không đều này do những nguyên nhân của lịch sử, do điều kiện tự nhiên, không gian sinh tồn, đặc điểm văn hóa truyền thống... Do đó, khắc phục sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các tộc người là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(12).
3. Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc, tôn giáo. Mỗi cấp ủy đảng, theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và cấp ủy cấp dưới thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Đối với cấp xã, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cần linh hoạt các phương thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm về ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện tự nhiên của địa phương, của cộng đồng các dân tộc thiểu số(13).
Thứ hai, quan tâm đầu tư, hỗ trợ các dân tộc thiểu số, tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả chính sách dân tộc, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và từng dân tộc thiểu số. Kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở; phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín; phân công cán bộ hiểu biết phong tục tập quán đồng bào về công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Công tác nghiên cứu lý luận về vấn đề tôn giáo; điều tra cơ bản, tổng kết thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo có vai trò hết sức quan trọng và cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Qua tổng kết thực tiễn, phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách địa phương, từ đó có những đề xuất với Trung ương và các cơ quan chuyên trách điều chỉnh, bổ sung chính sách. Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, các cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo nói riêng, toàn hệ thống chính trị nói chung cần tăng cường công tác nắm tình hình, từ đó đề ra các phương thức đấu tranh ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng dân tộc, tôn giáo, kích động gây mất đoàn kết dân tộc và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao trong các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Chủ động lồng ghép các nội dung vận động, đấu tranh về dân tộc, tôn giáo trong công tác đối ngoại, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao quy mô lớn và trong lộ trình thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, các tổ chức quốc tế.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chính sách, pháp luật và thành tựu của Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; vừa kiên quyết đấu tranh, vừa bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước. Chủ động đưa nội dung dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vào nội dung làm việc của lãnh đạo cấp cao của nước ta khi đi thăm các nước hoặc trong dịp đón lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, qua đó giúp quốc tế hiểu rõ các thành tựu bảo đảm quyền con người và chủ động đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo(14).
Thứ năm, tiếp tục thể chế hóa các quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, trước hết cần tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược, cơ bản và lâu dài. Việt Nam luôn tích cực tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người thông qua việc cụ thể hóa các quyền này trong quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, ở Việt Nam không có dân tộc bản địa. Sự hình thành, tồn tại, thống nhất và phát triển của quốc gia gắn liền với sự tồn tại và phát triển trong sự đa dạng và phong phú của các dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, xu hướng chủ đạo, hợp quy luật là hòa hợp, thống nhất, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc. Đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, việc làm có ý nghĩa quyết định là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước bền vững theo định hướng XHCN.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)
Ngày nhận: 30-01-2023; Ngày bình duyệt: 15-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.
(1) Bắc Hà: “Ở nước cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam không tồn tại “Quyền của người bản địa”, https://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/o-nuoc-chxhcn-viet-nam-khong-ton-tai-quyen-cua-nguoi-ban-dia-1993, ngày 21-9-2008.
(2) Xem: Phan Văn Hùng: Luận cứ phê phán quan điểm: vấn đề quyền của dân tộc bản địa, https://khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/file/2014/Thang5/10Luan%20cu%20phe%20phan%20quan%20diem%20%20Van%20de%20Quyen%20vau%20dan%20toc%20ban%20dia.pdf.
(3) Hiến chương Liên hợp quốc, ngày 26-6-1945.
(4) Đại Hội đồng Liên hợp quốc: Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa (Được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc), ngày 1-4-1960.
(5) Đại Hội đồng Liên hợp quốc: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16-12-1966.
(6) Bản gốc: “In those States in which ethnic, religious or linguistic minorities exist, persons belonging to such minorities shall not be denied the right, in community with the other members of their group, to enjoy their own culture, to profess and practise their own religion, or to use their own language”.
(7) Quốc An: Không thể đánh đồng quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/khong-the-danh-dong-quyen-dan-toc-tu-quyet-va-quyen-cua-dan-toc-thieu-so-535752, ngày 09-04-2018.
(8) Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019.
(9) Chính phủ: Nghị định về Công tác dân tộc, số 05/2011/NĐ-CP, Hà Nội, ngày 14-01-2011.
(10), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.170, 170-171.
(11) Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013.
(13) Vũ Trường Giang: Nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, Tạp chí Dân tộc, số 249, tháng 12-2021, tr.13.
(14) Hoàng Nam: Tăng cường công tác đối ngoại, đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 10-11-2020.
Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.
Trả lờiXóa