Những con số đó được đưa ra tại hội nghị giao ban ngành nội chính Đảng và ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh, thành phố cho thấy quyết tâm, nỗ lực trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà trở thành hành động thực tế từ Trung ương tới cơ sở.
Rõ ràng, cuộc chiến PCTNTC chỉ thực sự thành công khi “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, không chỉ ở Trung ương mà cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, cơ sở. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một thời gian dài, ở không ít nơi vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Không đâu nắm rõ tình hình địa phương hơn cấp ủy, chính quyền, những người đứng đầu tại cơ sở, nhưng nghịch lý ở chỗ nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lại không được phát hiện từ đây... Nguyên nhân của thực trạng đó được thực tiễn đưa ra câu trả lời, bởi một số cấp ủy, người đứng đầu e dè, nể nang, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên cấp trên; sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng yếu kém, còn hình thức trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Chính bởi tồn tại nêu trên nên khi chủ trương thành lập ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban chỉ đạo) được thực thi, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng vào cuộc đấu tranh này sẽ tạo nên một “vòng tròn khép kín” từ Trung ương tới cơ sở. Kể từ khi thành lập đến nay, các ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt được một số kết quả tích cực, nhất là đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động của các BCĐ cũng xuất hiện những tồn tại, hạn chế. Một số địa phương chưa quán triệt nghiêm quy định của Ban Bí thư về thành phần tham gia, bố trí nhân sự BCĐ chưa bảo đảm cơ cấu, thành phần. Một số BCĐ chậm ban hành quy chế làm việc, chương trình công tác, chưa cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy lúng túng về phương pháp, cách làm trong tham mưu, phục vụ hoạt động của BCĐ...
Dư luận bày tỏ sự thấu hiểu trước những tồn tại, hạn chế bởi các BCĐ đi vào hoạt động chưa đầy một năm, đang trong quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm. Thế nhưng, vấn đề được đông đảo người dân mong mỏi là tính bền vững xuyên suốt, tránh tình trạng hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ, lúc ra mắt thì rầm rộ nhưng sau đó thì hoạt động thưa thớt dần. Muốn thế, các BCĐ cần có chương trình, kế hoạch, quy chế công tác một cách bài bản, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao. Mỗi thành viên cần hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào.
Cùng với nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, “đúng vai, thuộc bài", không làm thay, lấn sân sang cơ quan khác, các BCĐ cần kiên quyết loại bỏ “mắt xích” yếu, bảo đảm bộ máy vận hành và công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở tiến hành thông suốt, tránh “trước nóng, sau lạnh”.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét