Trong cuộc sống, ai cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự quan tâm, chia sẻ của đồng chí, đồng đội. Sự quan tâm, sẻ chia ấy không nhất thiết phải là vật chất mà có khi chỉ bằng hành động, lời nói chân tình cũng đủ giúp nhau vượt lên nghịch cảnh.
Những năm đầu thế kỷ 21, các bộ môn, trung tâm Việt Nam học của nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã rất quan tâm, đi tìm nguyên nhân vì sao Việt Nam có thể chiến thắng những đế quốc lớn. Hầu như có chung một lý giải: Địa bàn cư trú, lịch sử, lối canh tác, tập quán đã hình thành một hằng số văn hóa mang đậm bản sắc Việt là tình thương, làm cơ sở cho lòng yêu nước sâu sắc, bền bỉ; cho sự đoàn kết để tạo ra một sức mạnh tinh thần lớn lao. Cũng nhờ vậy mà dù bị ngoại bang đô hộ hàng ngàn năm nhưng nhân dân Việt Nam không bị đồng hóa... Họ đã nói đúng!
Người Việt có câu “Thương người như thể thương thân”, xét đến cùng, có gì quý giá hơn thân thể mình đâu, như thế tức là họ thương quý con người trên tất cả. Người Việt đều coi nhau như anh em ruột thịt nên xưng hô theo nguyên tắc gia đình. Tính cách quy định lối ứng xử. Trọng giá trị tinh thần nên với họ, “Cách cho quý hơn của cho” nhưng cũng rất thực tế “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”... Một ngạn ngữ Việt đi vào lời hát để rồi ai cũng thuộc: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...”. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, một cách rất tự nhiên, người trẻ ra tiền tuyến sẵn sàng hy sinh thân mình giữ nước. Một cách rất vô tư, người ở hậu phương sẵn sàng tận hiến tài sản cuối cùng quý giá nhất là nhà cửa cho việc quân binh thuận tiện. Sức mạnh Việt Nam là ở đó!
Tình người san sẻ tình người sẽ được nhân lên gấp bội phần. Ngày trước, cha ông đánh giặc bằng tình đoàn kết “Tướng sĩ một lòng phụ tử...”. Sau này đuổi thực dân, đế quốc, những người lính Cụ Hồ cũng lấy tình người, tình đồng chí làm điểm tựa sức mạnh: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/ Đồng chí!” ("Đồng chí"-Chính Hữu). Tình đồng chí biểu hiện ra bên ngoài bằng hành động “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”. Chỉ bằng hành động giản dị, đời thường “Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa” ("Nhớ"-Hồng Nguyên) nhưng trong bối cảnh cực kỳ thiếu thốn, vất vả, gian nan lại nói được rất nhiều về tình đồng chí cao cả, thiêng liêng.
Phải đối mặt với những vấn nạn như chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm môi sinh... bằng xu hướng đi sâu vào bản thể nhân cách, triết học, con người của thế giới đương đại đã tìm ra 3 “nẻo đường giải thoát” là quan tâm tới người khác, hành động vì người khác, chia sẻ cùng người khác. Người khác được hiểu rộng hơn, không chỉ với người, với cộng đồng mà còn với cả môi trường tự nhiên. Một cuốn sách viết theo hướng này đang bán rất chạy có tên tiếng Anh là “The Power of Giving” (được dịch ở Việt Nam có tên “Sức mạnh của sự chia sẻ”) của các tác giả Azim Jamal và Harvey McKinnon. Theo các tác giả, sự chia sẻ bắt đầu từ mỗi cá nhân, lắng nghe mình, yêu thương và trách nhiệm với chính mình rồi tới gia đình và lan ra ngoài xã hội. Nhờ chia sẻ mà con người mạnh mẽ, giàu có hơn bởi sẽ tạo nên những mối quan hệ mới; kiến tạo những giá trị mới; phát huy, giải phóng những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Soi những nội dung này vào tục ngữ, thơ ca Việt Nam về tình người, tình đồng chí như đã dẫn ở trên thì hầu như phù hợp. Nếu soi vào tiểu thuyết “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) sẽ càng hiểu hành động “chia lửa” của chị Út Tịch cùng “đồng chí chồng” vừa là biểu hiện tình yêu gia đình (vợ chồng), vừa là tình yêu Tổ quốc (đồng chí); rất Việt Nam, truyền thống và rất nhân loại, hiện đại. Triết lý, tư tưởng và hành động Việt Nam vì đất nước; vì đạo lý, chính nghĩa; vì con người đã mang tầm nhân loại, đi cùng nhân loại!
Là người lính trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người viết bài này từng “chia lửa” với đồng đội theo đúng nghĩa đen, từng chia nhau những giọt nước cuối cùng trong bi-đông, từng được đồng đội che chắn trước mũi tên, hòn đạn... nên thấm thía tình đồng chí vô tư, trong sáng hơn tất thảy. Từ một binh nhất nhút nhát, đặc nhà quê lam lũ, quen cày cuốc, được sự quan tâm, chỉ bảo của lãnh đạo, của anh em đồng chí mà trưởng thành. Nhờ sự để ý, quan sát mà tiểu đội trưởng, trung đội trưởng biết có năng khiếu viết báo nên kiến nghị cấp trên cho đi học sĩ quan chính trị. Nhờ sự giãi bày, chia sẻ tâm tư của đồng đội mà thấu hiểu, thấu cảm được nhiều cảnh đời, nhiều số phận để có vốn liếng viết văn. Khi là chỉ huy, lại được cấp dưới góp ý về những tật xấu-dù nhỏ-để rút kinh nghiệm mà phấn đấu vươn lên. Thì ra quan tâm, chia sẻ không hề là ban phát, không là độc quyền của riêng ai mà chung với tất cả mọi người, bình đẳng, tự nhiên. Hạnh phúc không hề phân biệt chức quyền, cấp trên, cấp dưới. Như thứ nước hoa thơm thảo, khi chia sẻ hạnh phúc cho người khác thì mình cũng được hưởng mùi hương. Thế nên, vì người khác, điều cơ bản nhất là chân thành, là thành thực với mình, với đồng chí, với công việc.
Ai từng là lính đều thấy tình đồng chí là một trong những thứ tài sản đáng quý nhất trong cuộc đời. Có đặc thù là đều xa gia đình, trong môi trường quân ngũ chính quy nên tất cả đều sinh hoạt trong đơn vị. Đơn vị cũng là một gia đình. Không chỉ cấp trên mới quan tâm đến cấp dưới mà cấp dưới cũng có thể chia sẻ với cấp trên. Như anh em ruột thịt, ai cũng có thể nói và lắng nghe nhau những điều nhỏ nhất từ trái tim mỗi người. Đó là nền tảng tạo nên nhân cách mỗi người, cũng là nền tảng tạo nên sức mạnh của Quân đội ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét