Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Quyết liệt tinh giản nghị quyết

 

Khảo sát tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, địa phương này đã, đang và tiếp tục tập trung lãnh đạo đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng sát, đúng với cơ sở và nghị quyết chỉ được ban hành khi thực tiễn đòi hỏi phải có chủ trương lãnh đạo thì hoạt động của hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, để có những nghị quyết cấp thiết, cần kíp thì khâu xác định nội dung, xây dựng, ban hành phải chuẩn bị hết sức chu đáo. Tinh thần chung của các cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái là nghị quyết được ban hành phải có nội dung thật sát, đúng với thực tiễn. Khảo sát 4 đảng bộ địa phương và 3 đảng bộ cơ quan (ban, sở, ngành) trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, bài học thấm thía là: Để có nghị quyết đúng, trúng thì cấp ủy đảng phải nắm, hiểu và biết rõ thực tiễn (nhất là cơ sở) đang thiếu gì, đang cần gì, muốn có gì; lòng dân có thuận không; điều kiện hiện thực nghị quyết có bảo đảm không. Vì vậy, cần nhất quán kết hợp chặt chẽ giữa cặp phạm trù “ý Đảng, lòng dân” với “lòng dân, ý Đảng” trong hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo. Thậm chí, trong nhiều trường hợp phải đặt “lòng dân” lên trên “ý Đảng”, lấy “lòng dân” làm căn cứ xác lập “ý Đảng”.

Lý giải về vấn đề này, đồng chí Hoàng Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều nghị quyết, văn bản có nội dung khá chung chung, chỉ là sự cộng gộp của những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có tính chất logic (văn bản) mà thiếu chất liệu thực tiễn, do đó khi triển khai, tổ chức cơ sở đảng gặp không ít khó khăn vì giữa nội dung nghị quyết với thực tế cuộc sống còn một khoảng cách quá lớn, quá xa!

Tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức đảng các cấp nơi đây đang nhất quán tinh thần “ban hành càng ít nghị quyết càng tốt”. Kết quả khảo sát cho thấy, ở cấp đảng bộ huyện, thành phố, ban chấp hành, ban thường vụ huyện ủy chỉ ban hành từ 2 đến 4 nghị quyết nhiệm kỳ có tính chất chuyên đề. Đối với các nghị quyết do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành, các đảng bộ từ cấp huyện, thành phố trở xuống chỉ xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo tổ chức thực hiện; triệt để khắc phục tình trạng “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, hoặc ban hành "nghị quyết chồng lên nghị quyết". Ở cấp đảng bộ xã, phường, thị trấn hạn chế tối đa việc ban hành nghị quyết; cấp chi bộ thôn, xóm, khu dân cư chỉ có kết luận hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết cấp trên...

Để giải bài toán cùng lúc cơ sở phải quán triệt, triển khai nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau, một số đảng bộ cấp huyện, thị xã, thành phố có cách làm khá mới là tiến hành “lược hóa” nghị quyết. Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương rồi “lược hóa” nghị quyết thành những nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện; hoặc kết hợp tinh thần của một số nghị quyết vào một “nghị quyết dùng chung” (hay văn bản cụ thể) để tổ chức đảng cấp xã, phường, thị trấn... dễ quán triệt, triển khai, vận dụng. Tất nhiên, phần việc này đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự dấn thân của cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố... nếu không muốn tinh thần nghị quyết bị méo mó, nội dung bị rơi rớt, thiếu toàn diện.

Để lượng hóa nghị quyết các cấp, đảng bộ nhiều huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có xu hướng quy con số phần trăm (%) về con số cụ thể trên thực tế gắn với địa bàn. Ví dụ như nghị quyết Trung ương hoặc cấp tỉnh xác định phải giảm 5% hộ nghèo/năm thì về đến cấp huyện, cấp xã phải cụ thể 5% ấy tương ứng với bao nhiêu hộ trên địa bàn; thực hiện số lượng ấy bằng cách nào; giao những người nào phụ trách, đầu mối nào thực hiện để bảo đảm mọi chỉ tiêu được hoàn thành. Thực tế cho thấy, đây là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cấp dễ quán triệt, vận dụng, biết rõ đầu việc cần tập trung sức lãnh đạo. Đây cũng là lời giải khắc phục tình trạng “trăm chủ trương đổ đầu cơ sở”, gây lúng túng và làm giảm hiệu lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.

Từ kết quả khảo sát ở nhiều đảng bộ địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở kiến nghị các cấp chỉ nên ban hành nghị quyết khi thật sự cấp thiết, cấp bách; cần quyết liệt đấu tranh, khắc phục triệt để hiện tượng “nghị quyết chồng lên nghị quyết”, “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, ban hành “nghị quyết 0 đồng”; đẩy lùi các hiện tượng học tập nghị quyết thiếu thực chất, đối phó, học vẹt... Cùng với đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian tới cần được cơ quan chức năng Trung ương, nhất là các ban đảng tập trung tháo gỡ cho bằng được “điểm nghẽn” khi có quá nhiều nghị quyết cùng lúc triển khai về cơ sở, gây ách tắc, chồng lấn hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức đảng.

Tất cả những vấn đề đó cần được chuẩn hóa, triển khai thống nhất trong toàn Đảng mới có thể tạo bước chuyển biến thực chất, hiệu quả trong việc ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết. Đây cũng là giải pháp đúng đắn để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét