Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay

 Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS trong chiến lược đoàn kết các dân tộc và phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS&MN, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng ta luôn coi “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”(7). Trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS(8). Ngoài ra, chủ trương về đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS còn được đề ra trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng, các nghị quyết chuyên đề ở những cấp độ khác nhau.

Quán triệt chủ trương của Đảng về đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS(9). Đây là những cơ sở căn bản, quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể và tiến hành cử cán bộ DTTS đi học tại các học viện, nhà trường bằng nhiều loại hình đào tạo khác nhau nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương còn cử cán bộ đi học tại chức, chuyên tu đại học, sau đại học... ở các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ và dần từng bước đạt chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Nhờ triển khai thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ người DTTS, nên công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3-6-2022, của Ủy ban Dân tộc, về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc”, tính đến năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 3.952.225 người. Trong đó, một số bộ, ngành quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS trên 5% tổng số biên chế, số lượng người được giao, như Ủy ban Dân tộc (25,4%), Bộ Tư pháp (7,2%), Bộ Quốc phòng (6,69%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (5,45%), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (5,64%),... Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc thực hiện đã đạt được mục tiêu tỷ lệ đề ra theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10% đến trên 70% tổng dân số của tỉnh đã thực hiện theo đúng hoặc vượt mức tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chiếm từ 5%, 10%, 15%, 20% tổng số biên chế được giao. Cũng theo Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10-6-2021, của Ủy ban Dân tộc, về “Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”, có 50.696 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; 222.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc.

Cùng với công tác đào tạo, việc cất nhắc, bố trí cán bộ người DTTS trong những năm qua cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. “Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%; ủy viên ban thường vụ là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số có 6 đồng chí, đạt 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%”(10).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Báo cáo số 855/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc chỉ rõ, số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài các bộ, ngành kể trên, như Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng,... nhiều bộ, ngành có số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS rất thấp (có 12 bộ, ngành có tỷ lệ dưới 1%). Nhiều địa bàn có tỷ lệ ĐBDTTS cao trong cơ cấu dân cư, nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị vẫn chưa tương xứng.

Những hạn chế, yếu kém trên được xác định do nhiều nguyên nhân; đó là: Vùng ĐBDTTS&MN có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí vùng ĐBDTTS&MN còn một số hạn chế; sự ảnh hưởng của các yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán lạc hậu... Bên cạnh đó, các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành quy định và hướng dẫn thi hành về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS được ban hành còn chậm, thiếu thống nhất, chưa cụ thể, chi tiết, nhất là về số lượng và tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cho đối tượng là người DTTS, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách đào tạo. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế; chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với  ĐBDTTS rất ít người. Việc đào tạo cán bộ ở nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, chưa phù hợp với cán bộ người DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét