Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

SỨC MẠNH TỪ SỰ THẦN TỐC, QUYẾT CHIẾN


Góp phần quan trọng làm nên chiến thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là sự lãnh đạo hết sức sáng tạo, biết nắm lấy thời cơ của Đảng và quân đội ta. Từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 đã được rút xuống còn một năm, và từ một năm đã rút xuống còn ba tháng…

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Nixon từ chức liên quan đến vụ nghe trộm điện thoại, Hội nghị Bộ Chính trị đã họp vào cuối tháng 9/1974 xác định: Nhiệm vụ cấp bách lúc này là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tiến công và nổi dậy cuối cùng. Sau khi đánh thăm dò và giành chiến thắng lớn trong chiến dịch đường 14, giải phóng toàn tỉnh Phước Long, bên cạnh chiến lược cơ bản 2 năm, Bộ Chính trị còn dự kiến một kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 khi thời cơ chiến lược xuất hiện.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. (Trích Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các Bộ Tư lệnh toàn miền Nam).

Chỉ tính trong vòng 1 năm từ đầu năm 1974-1975, Bộ Tổng tư lệnh đã đưa vào chiến trường miền Nam 410.000 lượt người gồm nhiều quân binh chủng và nhiều quân trang, thiết bị, vật tư, lương thực phục vụ chiến đấu. Ngay sau khi quân ta giành thắng lợi vang dội ở mặt trận Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút quân khỏi Kon Tum, Pleiku, rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chớp lấy thời cơ chiến lược này, quân ta thừa thắng xông lên, truy kích, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận thấy thời cơ có thể giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 như dự kiến. Trên nhiều mặt trận, quân địch liên tục suy yếu.

Sau khi giành thắng lợi tại Đà Nẵng và nhiều chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo và bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Ngày 10/4/1975, bộ chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định quyết định tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp tạo thành thế áp đảo nhanh chóng, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, tạo điều kiện giải phóng miền Nam.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng sài Gòn-Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiều ngày 26/4/1975, từ năm hướng (Bắc, Đông, Đông Nam, Tây, Tây Nam), các cánh quân đồng loạt nổ súng tiến công, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử! Với khí thế tiến công dũng mãnh, áp đảo về lực lượng và thế trận, trưa ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. St

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét