Công nghệ cho phép các tổ chức tôn giáo kết nối và mở rộng ảnh hưởng với tín đồ hiện có và tiềm năng. Tuy nhiên, môi trường internet cũng đang là mảnh đất màu mỡ cho tà đạo cũng như tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp. Bởi vậy, cần nghiên cứu có giải pháp tăng cường quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng.
Mảnh đất màu mỡ của tà đạo
Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư diễn ra mạnh mẽ, hoạt động tôn giáo trên mạng xã hội ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh hoạt động của các tổ chức, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đã xuất hiện không ít cá nhân, tổ chức hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp; mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá những nội dung vi phạm cả về pháp lý và đạo lý, các nguyên tắc cơ bản của khoa học, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, xúc phạm truyền thống văn hóa, đạo đức, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, làm ô nhiễm môi trường văn hóa của nhân dân.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng nhận định: môi trường internet và nền tảng mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức tà đạo. Các đối tượng này xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn, hội nhóm, phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, Telegram, Tiktok, Zoom…
Chẳng hạn, nhóm “Hội thánh Đức chúa trời mẹ”, sau khi bị phát giác, xóa bỏ các tụ điểm sinh hoạt tập trung, đã chuyển hướng sang truyền giáo trực tuyến trên mạng xã hội, sử dụng một số ứng dụng như Zoom, Skype… hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên. Hoặc nhóm "Năng lượng gốc Trống Đồng" tổ chức những buổi livestream quảng bá việc truyền năng lượng gốc như một giải pháp chữa bệnh thần kỳ, chia sẻ những yếu tố tâm linh, ma mị, định hướng con người đi ngược lại với chính sách pháp luật của Nhà nước. Hay tại Lâm Đồng vừa qua, nhóm tự xưng “Trừ quỷ Bảo Lộc” đã đưa lên mạng xã hội hàng trăm video clip với nội dung không đúng sự thật để tuyên truyền giáo lý, chữa bệnh online... nhằm lôi kéo nhiều người tham gia...
Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo tại địa phương do các tổ chức tôn giáo được cấp phép đảm nhiệm, thực hiện dưới sự giám sát, tạo điều kiện của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng có thẩm quyền và sự tham gia của người dân. Vì vậy, hoạt động tôn giáo trái phép dễ dàng bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. "Tuy nhiên, khi các hành vi tuyên truyền tà đạo diễn ra trên môi trường mạng, việc kiểm soát khó khăn hơn" - TS. Phạm Tiến Dũng nhận định.
Phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo chính thống
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Lợi - Viện Tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự biến đổi lớn nhất, sâu sắc nhất trong đời sống tôn giáo ở nước ta thời gian qua là phương thức truyền giáo và lối sống đạo nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, thứ 4 đem lại. Công nghệ thông tin và internet trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để các tôn giáo giới thiệu, phổ biến và quảng bá hình ảnh của mình đối với xã hội. Phương thức truyền đạo thay đổi cả về nội dung, hình thức và phương tiện đòi hỏi có cách thức mới quản lý hoạt động tôn giáo.
Trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo - Khoản 4, Điều 6 - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người quy định: chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Luật An ninh mạng, tại Khoản 1, Điều 8, cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, như: sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc (Điểm c), phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điểm đ)...
Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng hiện nay thiếu đồng bộ, chưa rõ chế tài xử lý vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng chưa chặt chẽ; việc ngăn chặn, đấu tranh với các tôn giáo và hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên không gian mạng còn bị động, xử lý thiếu kịp thời; việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về tôn giáo trên không gian mạng chưa được chú trọng đúng mức...
Thực tế hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên internet đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những vấn đề mới, đòi hỏi phải có lộ trình và chiến lược để giải quyết. Theo đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng.
Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10.1.2018 của Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng. Đồng thời tăng cường kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các các nhân, tổ chức trên các trang mạng xã hội. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật trên không gian mạng.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tôn giáo, tuyên truyền để người dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, từ đó có “sức đề kháng”, không tin theo tà đạo, đạo lạ, không bị các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp hoạt động trên không gian mạng kích động, lôi kéo.
Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo chính thống, vai trò của chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tham gia tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những hoạt động lợi dụng, mượn danh tín ngưỡng, tôn giáo để phát tán những quan điểm, nội dung lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa./.
ST
bài viết rất hay
Trả lờiXóa