Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023
Thổi phồng hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong giáo dục, đào tạo-Âm mưu chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch
Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, các chính phủ đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, đây cũng là lĩnh vực các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách tác động theo mục đích của “diễn biến hòa bình”.
Thời gian qua, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng các chiêu trò chống phá “hèn hạ” của mình, để thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong ngành giáo dục, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý, việc lên án này không được quy chụp cho cả hệ thống giáo dục, không được xuyên tạc từ một vài hiện tượng cá biệt mà bị bóp méo, quy chụp đi đến kết luận về bản chất một cách thiếu khách quan.
Có thể thấy, các đối tượng chống phá đang ra sức lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục từ đó đưa ra cái phiến diện nhằm phủ nhận những thành tựu của ngành giáo dục. Và âm mưu sâu xa của chúng là sử dụng những điều thiếu sót trong ngành giáo dục để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bọn chúng làm mọi cách, sử dụng mọi lý lẽ xuyên tạc để người dân hiểu sai vấn đề, mâu thuẫn với ngành giáo dục và chính quyền. Lo ngại hơn, một số người dân do không hiểu mức độ nguy hại của việc đưa những thông tin sai, xấu, độc nhằm câu like, a dua cho thêm vài tình tiết,... làm tăng thêm vẻ hiếu kỳ, vô tình “góp dầu” thổi bùng lên ngọn lửa tuyên truyền không công cho địch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của quốc gia, dân tộc.
Ảnh: Tổ chức khủng bố “Việt Tân” xuyên tạc ngành giáo dục.
Đánh giá một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận rằng những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay ở nước Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. Tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xử lý một số tiêu cực kéo dài, gây bức xúc xã hội như: Loại bỏ các tiêu chuẩn, tiêu chí có chứa đựng bệnh thành tích; có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm về “bệnh thành tích” trong giáo dục; việc khen thưởng đúng đối tượng, đúng người, đúng việc, thành tích tới đâu khen thưởng tới đó để tạo được hiệu ứng tốt; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; tình trạng lạm thu trong các trường phổ thông; tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, giáo viên trong các nhà trường... Hay để chấm dứt hiện tượng bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy định tăng cường quản lý, giáo dục toàn diện học sinh sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu các vụ việc học sinh đánh nhau trong các nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm nền nếp, kỷ cương, dân chủ trường học; phát huy trách nhiệm thủ trưởng cơ sở giáo dục, vai trò nêu gương của cán bộ - nhà giáo trong Chỉ thị năm học và các hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các đơn vị thuộc Bộ. Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đã hình thành được một hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và đa dạng với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo.
Theo số liệu từ Niên giám thống kê 2019, Việt Nam có trên 15,4 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, 27,7 nghìn cơ sở giáo dục phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, phổ thông cơ sở, trung học), 237 trường đại học chính quy và trên 3 nghìn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm học 2019-2020, quy mô học sinh, sinh viên cả nước có trên 5,3 triệu trẻ học giáo dục mầm non, 17 triệu học sinh tham gia học giáo dục phổ thông, trên 1,5 triệu sinh viên theo học ở các trường đại học chính quy và khoảng 2,2 nghìn học sinh sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chưa bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng do Bộ giáo dục và Đào tạo quản lý cùng số học sinh, sinh viên theo học tại các trường này và hệ thống các trung tâm giáo dục, trung tâm ngoại ngữ trên cả nước.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục nước ta đã có bước chuyển ngoạn mục trong tổ chức dạy học online, kịp thời ban hành các văn bản về thời gian cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và đi học lại để phòng chống dịch bệnh; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch;… Đồng thời, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập để tự ôn tập, làm bài tập trong thời gian nghỉ học. Có thể nói đó là quãng thời gian khó khăn của ngành giáo dục nhưng với những chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng, ngành Giáo dục vẫn cơ bản đảm bảo được chương trình dạy học và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông an toàn, thành công trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh của nền kinh tế mở cửa tại Việt Nam, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu đã tạo cơ hội thuận lợi để ngành này tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển. Đồng thời, bối cảnh cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành Giáo dục và đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là việc tận dụng thời cơ phát triển nguồn lực con người trong giai đoạn dân số vàng. Không giống như các lĩnh vực khác, nguồn lợi từ đầu tư giáo dục bao gồm cả các giá trị kinh tế và phi kinh tế; có nguồn lợi có thể thu được ngay nhưng cũng có những nguồn lợi có thể thu được sau một khoảng thời gian dài về sau. Vấn đề chú trọng đầu tư cho giáo dục không chỉ là quan tâm đến một ngành mà còn là đầu tư cho phát triển đất nước, điều này thường được nhấn mạnh trong các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các chính sách đầu tư, đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục từ 20% trở lên trong tổng ngân sách nhà nước. Cùng với sự tăng trưởng không ngừng của kinh tế xã hội, đầu tư cho giáo dục từ nguồn ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục đã tăng trên 32,2%. Năm 2016, ngân sách nhà nước được phân bổ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 195,6 nghìn tỷ đồng (trong đó 34,6 nghìn tỷ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và 161 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách địa phương). Đến năm 2020, con số dự toán chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 258,7 nghìn tỷ đồng (trong đó 30,2 nghìn tỷ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và 228,5 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách địa phương). Thậm chí, chi tiêu công cho giáo dục/GDP của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới (4% năm 2019), kể cả so với một số nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn trong khu vực (Singapore 3,2% năm 2010, Thái Lan 3,8%).
Đặc biệt, đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Trong đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nhân lực có trình độ để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả nước nói chung…
Có thể khẳng định rằng, nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Tuy nhiên thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, ngành giáo dục nước ta cần nâng cao chú trọng về chất lượng giảng dạy, công tác tuyển sinh, thu phí người học; hoàn thành quy hoạch mạng lưới, cơ cấu ngành nghề đào tạo, giáo dục đại học, dạy nghề. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đối với giáo dục phổ thông; nhìn nhận thẳng thắn những điểm yếu còn hạn chế không để những phần tử phản động có cơ hội lợi dụng, lên án hay quy chụp cho cả hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, mỗi người dân Việt Nam cần thật sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, không để những thông tin xấu, độc lợi, thừa nước đục thả câu để thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóa