Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam

 


Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đan xen, song quá trình thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn.

Song với mục đích, động cơ đen tối, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại luôn tìm mọi cách để phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta. Thủ đoạn chúng thường thực hiện đó là lợi dụng những hạn chế, tiêu cực trong xã hội; những thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật ở từng bộ phận, địa phương, tổ chức, cá nhân, nhất là cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn của một bộ phận nhân dân, những người nghèo, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo; sự phân hóa, chênh lệch giàu nghèo… để xuyên tạc, chống phá. Chúng ra sức tuyên truyền luận điệu vu cáo Đảng, Nhà nước ta không quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân, thậm chí “bỏ mặc” nhân dân, chỉ chăm lo cho lợi ích của Đảng, lợi ích của cán bộ, đảng viên… Từ việc dựng lên một hình ảnh Việt Nam không có “dân chủ”, mất “công bằng”, các thế lực phản động, thù địch không ngừng kêu gọi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, những luận điệu vô căn cứ nói trên xuất phát từ góc nhìn phiến diện, một chiều và động cơ chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản động. Cần khẳng định rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó cũng chính là đường lối, chủ trương xuyên suốt của Đảng, hiện thực sinh động về tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta. Với việc khởi xướng công cuộc đổi mới, Đại hội VI (1986) đã đánh dấu bước đổi mới căn bản tư duy của Đảng ta về xây dựng CNXH, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam. Về bản chất, việc phát triển kinh tế trong CNXH đã hướng đến và bao hàm tiến bộ, công bằng xã hội. Tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu hướng đến, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm để kinh tế phát triển lành mạnh. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”; “không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần” (1). Bám sát thực tiễn, Đảng ta đã kiên trì lãnh đạo thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Đặc biệt, đến nay sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội đã được thực hiện có hiệu quả; tạo cơ sở kích thích, khơi dậy và phát huy tính tích cực, năng động của con người. Nhờ vậy, các giai tầng xã hội và các chủ thể kinh tế tự do, tự chủ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm từ 6,9% của năm 2001 xuống 3,22% năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 35 năm qua đạt khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng hơn 23 lần, từ 159 USD/năm (1985) lên 3.743 USD/năm (2021). Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng từ 2,4 tỷ USD (1990) lên 660 tỷ USD (2021). Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều… Đây là cơ sở, điều kiện có tính quyết định để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trên phạm vi cả nước, an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Chính sách bảo trợ, hỗ trợ xã hội có nhiều tiến bộ. Riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã hỗ trợ nhà ở cho 335,8 nghìn hộ người có công; hỗ trợ nhà ở cho hơn 181,4 nghìn hộ nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị bão lụt; xây dựng hơn 6 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân các khu công nghiệp. Mới đây nhất, trong đại dịch COVID-19, Nhà nước dành nhiều nguồn lực, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng...

Nhất quán chủ trương thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 chiếm 99%; số trẻ đi học và hoàn thành tiểu học sau 5 năm chiếm trên 92% (thuộc nhóm đầu của ASEAN). Hiện có 95% số người lớn biết đọc, biết viết; đã phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010. Hệ thống y tế được tổ chức đến tận cơ sở thôn, bản không những phát huy tốt hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà trong nhiều lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật khám, điều trị, chữa bệnh đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới, nhất là kỹ thuật ghép chi, ghép tạng và sản xuất vắc-xin... Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu nổi bật nêu trên, vẫn “có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa;... bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù” (2).

Khách quan nhìn nhận, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là vấn đề phức tạp; vừa phụ thuộc vào các điều kiện khách quan, nhất là trình độ kinh tế, vừa phục thuộc vào năng lực chủ quan của các chủ thể xã hội. Ở nước ta, chủ trương của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên đã tạo điều kiện để các giai cấp, tầng lớp nhân dân với đặc điểm, nhu cầu đa dạng, phong phú đều có cơ hội đóng góp cho đất nước; đồng thời, được thụ hưởng xứng đáng, phù hợp với thành quả phát triển từ các chính sách kinh tế, xã hội của đất nước.

Rõ ràng, với quan điểm xuyên suốt, nhất quán, Đảng và Nhà nước đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới. Những kết quả tích cực, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội đã không chỉ khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa do Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng; mà còn là những minh chứng sinh động để đập tan các âm mưu, luận điệu phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam.

Mọi âm mưu, hành động xuyên tạc, phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua sẽ không thể đánh lừa được dư luận trong nước và quốc tế. Trực tiếp thụ hưởng thành quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, mọi người dân Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

V3.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét