“48 năm đã qua, những cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chúng tôi giờ chỉ còn Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, 93 tuổi, là khỏe mạnh và minh mẫn.
Đó là một con người rất đặc biệt, tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc. Chúng tôi tự hào vì có những ngày chung chiến hào với anh”-Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cho biết.
Mở “cánh cửa thép” phía Đông
Ngày ấy, trên cương vị Phó tư lệnh Sư đoàn 325, Trung tá Nguyễn Đức Huy được giao phụ trách sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn, còn sở chỉ huy cơ bản đóng ở Đông Bình Sơn. Ông cho biết: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 đảm nhiệm tiến công trên hướng Đông Nam của Sài Gòn. Sư đoàn 325 chúng tôi phụ trách cánh trái-hướng tiến công thứ yếu của Quân đoàn, đồng thời là hướng vu hồi của chiến dịch.
Nhiệm vụ trước mắt là tiến công tiêu diệt địch trên khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ; đồng thời mở đường đưa pháo tầm xa của Quân đoàn vào Nhơn Trạch, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, khống chế các hoạt động đường không của địch. Tiếp theo, Sư đoàn tổ chức vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái và phát triển tiến công vào nội đô Sài Gòn”.
Khi Đảng ủy Bộ tư lệnh Sư đoàn 325 họp ra quyết tâm chiến đấu, đồng chí Nguyễn Đức Huy đã đề xuất nhiều phương án quan trọng, trong đó có việc sử dụng Trung đoàn 101 phụ trách hướng chủ yếu. Theo lời kể của ông, khu vực tác chiến của Sư đoàn 325 có địa hình phức tạp. Trong khi đó, lực lượng phòng thủ ở khu vực này gồm Lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến mới thành lập, 7 tiểu đoàn lính bảo an, một số đơn vị pháo binh và xe tăng cùng đội tàu xuồng chiến đấu của quân ngụy...
Phương án tác chiến được Bộ tư lệnh Sư đoàn thông qua là sử dụng một tiểu đoàn của Trung đoàn 18 đánh chiếm hành lang cho Trung đoàn 101 cơ động vào vị trí triển khai tiến công quận lỵ Long Thành. Trung đoàn 46 đánh chiếm và chốt giữ Đường 15, chia cắt Biên Hòa, Long Thành, Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ động vào vị trí sẵn sàng luồn sâu tiến công ở Chi khu Nhơn Trạch để phối hợp với Trung đoàn 101, sau đó làm lực lượng dự bị cho Sư đoàn tiến công vào Sài Gòn.
Trận tiến công tiêu diệt cụm quân địch đã diễn ra quyết liệt. Nhất là khi đánh vào quận lỵ Long Thành sáng 27-4-1975 đã có tình huống ngoài dự kiến xảy ra. “Sau khi đánh chiếm một số điểm tựa phòng ngự ngoan cố của địch, trời mù sương, rất khó quan sát, ở cả hai hướng, xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến công của ta đều đi lạc đường, cách xa bộ binh khoảng 2km. Một số xe tăng và xe thiết giáp của ta bị địch bắn cháy và hư hỏng; nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 Nguyễn Ánh Dương. Kế hoạch giải phóng Long Thành trong ngày 27-4 của Trung đoàn không hoàn thành.
Sáng 28-4, chúng tôi tổ chức bộ phận đi trinh sát thì phát hiện ổ súng máy 14,5mm của địch đặt trên tháp nước quận lỵ Long Thành. Trong khi đó, tên quận trưởng mặc dù đã bị thương nhưng vẫn nằm ở sở chỉ huy, ngoan cố kháng cự. Chúng tôi nhanh chóng tổ chức lại đội hình tiến công, gọi 3 xe tăng đang tạm dừng ở hướng Bà Rịa-Vũng Tàu quay trở lại theo trục Đường 15. 12 giờ trưa, xe tới ngã ba Phước Thiềng, hiệp đồng cùng bộ binh tiến công quận lỵ Long Thành. Một xe tăng xử lý xong vật cản trên tháp pháo phối hợp cùng Tiểu đoàn 2 dẫn dắt chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công. Đồng thời qua điện đàm, chúng tôi đề nghị Sư đoàn tăng cường hỏa lực pháo binh bắn tập trung áp chế vào sở chỉ huy của tên quận trưởng...”-Anh hùng Nguyễn Văn Nuôi kể.
Theo Anh hùng Nguyễn Văn Nuôi, cấp trên đã hoàn toàn chính xác khi giao cho đồng chí Nguyễn Đức Huy chỉ huy Trung đoàn 46 (của Quân khu 3 vào thay Trung đoàn 95 đi Chiến dịch Tây Nguyên), một đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường mới. Khi thủ trưởng Quân đoàn lệnh cho đơn vị phải giải quyết Nhơn Trạch, Long Thành trong ngày 28-4, đồng chí Nguyễn Đức Huy điều ngay 1 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 46 lên, trực tiếp tham gia chiến đấu cùng lực lượng tăng cường. Pháo bắn chuẩn bị-áp chế 15 phút, sau đó chuyển làn bắn vào các mục tiêu sâu bên trong quận lỵ Long Thành. Trong khoảng hai giờ đồng hồ, Trung đoàn 101 cùng các đơn vị tăng cường phối thuộc của
Sư đoàn và LLVT địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Long Thành. 18 giờ cùng ngày, pháo tầm xa của Quân đoàn 2 đã chiếm lĩnh trận địa ở Nhơn Trạch. Sau đó ta đánh tiếp vào thành Tuy Hạ. Đến 14 giờ ngày 29-4, ta giải quyết xong tổng kho vũ khí hỏa lực lớn của địch ở đây, thu được nhiều chiến lợi phẩm.
Vượt sông bằng sức mạnh
“Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã được mở, Sư đoàn 325 nhanh chóng phát triển xuống khu bờ bắc phà Cát Lái. Bến phà này nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai, một bên là Bà Rịa, Long Khánh, một bên là thành phố Sài Gòn, khoảng cách giữa hai bờ là gần 1.000m. Ngoài các cầu lớn trên xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn, bến phà Cát Lái được ngụy quân Sài Gòn chọn làm nơi cố thủ. Chúng lợi dụng vật cản thiên nhiên như sông rộng, nước sâu, hai bên bờ trống trải, bố trí lực lượng và vũ khí, trang bị để ngăn chặn một mũi tiến công của ta.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại: “Các tổ trinh sát vượt sông Ðồng Nai trên chiếc xuồng nhỏ của dân chài địa phương để nắm tình hình địch, trở về báo cáo, kế hoạch vượt sông được Đảng ủy, chỉ huy và cơ quan tham mưu Sư đoàn xác định nhanh chóng, tổ chức triển khai thực hiện ngay. 12 giờ đêm 29-4-1975, các lực lượng của Quân đoàn 2 được lệnh bí mật vượt sông bằng sức mạnh hiệp đồng quân binh chủng”.
Theo lệnh của chỉ huy Sư đoàn 325, lực lượng pháo mặt đất nhanh chóng chiếm lĩnh, bố trí trận địa ngắm bắn trực tiếp ngay trên bờ sông. Xe tăng T54 cơ động vào hai bên bến vượt chuẩn bị phần tử bắn. Các phân đội pháo cao xạ triển khai trận địa bảo vệ sở chỉ huy và các lực lượng tập kết vượt sông trước khi trời sáng. Rạng sáng 30-4-1975, các khí tài của Tiểu đoàn 5 (Lữ đoàn 219 công binh)-có nhiệm vụ bảo đảm cho Sư đoàn 325 vượt sông-được lệnh hạ thủy dưới tầm hỏa lực của địch từ bờ Nam bắn sang khống chế. Ta chủ trương dùng xe PAV lội nước tiến sang bờ Nam thăm dò phản ứng của địch. Phát hiện xe ta trên mặt sông, tàu địch liền tập trung bắn xối xả. Xe lội nước của ta tăng tốc độ, vượt lên nhả đạn đánh trả tàu địch.
“Cuộc chiến đấu trên mặt sông diễn ra rất ác liệt. Trên xe PAV, các chiến sĩ trinh sát đã hết đạn, đồng chí mũi trưởng trinh sát hy sinh, một số đồng chí bị thương. Tình thế vô cùng gay go. Trên bờ, chúng tôi quyết định vào nhà dân mượn xuồng máy để chi viện cho tổ trinh sát, đồng thời hiệp đồng với hỏa lực của các trận địa bố trí ở bờ Bắc bến phà, kịp thời phát huy hỏa lực bắn tàu địch. Địch vẫn điên cuồng chống trả, nhưng các trận địa hỏa lực của ta sau khi đã xác định chính xác mục tiêu, đồng loạt nhả đạn dồn dập sang bờ Nam. Căn cứ Cát Lái chìm trong khói lửa. Đoàn tàu địch bị trúng đạn, khiến lính thủy địch tranh nhau nhảy ào xuống nước, những chiếc còn lại vội vã quay đầu tháo chạy”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.
Trong trí nhớ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi đó, bộ phận hỏa lực mới sang đến bờ Nam, còn phần lớn lực lượng của Sư đoàn vẫn chưa vượt sông do không có phương tiện vận chuyển. Vì vậy, ngay khi đã tiếp cận được bờ Nam, ta cử người tìm thêm phương tiện vượt sông. Tại đây, khoang phà nhiều, nhưng thuyền máy, ca nô không có. Do đó, ta phải mượn tàu của dân để sử dụng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng-chiến sĩ lái ca nô cùng đồng đội có sáng kiến dùng ngay những khoang thuyền 100 tấn ghép chặt vào các khoang phà để chuyển về bờ Bắc. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngư dân Cát Lái, đơn vị đã kịp thời tổ chức thiết kế bến vượt nhẹ bằng các loại phương tiện tàu xuồng, bè mảng, nhanh chóng chở các chiến sĩ Trung đoàn 101 tiến sang bờ Nam, đánh thẳng vào căn cứ hải quân Cát Lái, đánh chiếm bàn đạp bến vượt, bảo đảm cho lực lượng kỹ thuật, bộ binh tiếp tục vượt sông truy kích địch.
“Ngay trong đêm, địa phương đã huy động hàng trăm tàu thuyền đưa lực lượng của ta vượt sông an toàn. Để đi đến Chiến thắng 30-4-1975, nếu không có sự đồng lòng giúp đỡ của nhân dân, chúng ta không thể làm được”-cả hai vị tướng trận mạc cùng khẳng định.
Cuộc vượt sông bằng sức mạnh của Sư đoàn 325, nòng cốt là Trung đoàn 101 được thực hiện, thành công hơn mong đợi. Cũng chính lúc này, lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn được các cánh quân nhất loạt thi hành. Trung đoàn 101 và Trung đoàn 18 đã tiến vào nội đô Sài Gòn chiếm giữ quận 9, quận 4, hợp điểm cùng cánh quân Sư đoàn 304, Lữ đoàn Xe tăng 203 trên hướng chủ yếu của Quân đoàn tại Dinh Độc Lập trong giờ phút lịch sử của dân tộc./.
ST
cảm ơn những người đã xả thân vì nước
Trả lờiXóa