Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, quyết tâm triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS; trong đó, đẩy mạnh triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ban hành ngày 25-11-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc cán bộ người DTTS phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là: Các dân tộc bình đẳng, trong đó có sự bình đẳng về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ người DTTS; đồng thời, cần có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với ĐBDTTS rất ít người, nhóm DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS.
Hai là, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách trong công tác đào tạo cán bộ người DTTS; gắn đào tạo với tiêu chuẩn trong điều kiện tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ cán bộ người DTTS. Thực tế cho thấy, cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đang trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận là con em đồng bào các DTTS, nhất là hệ thống trường chuyên biệt, Học viện Dân tộc và các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS; đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý cho con em đồng bào các DTTS hiện đang theo học tại các cơ sở đào tạo.
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo để tạo nguồn cán bộ người DTTS, bảo đảm sự tiếp nối vững vàng giữa các thế hệ. Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng theo các nghị quyết, quyết định, đề án đã được ban hành; đặc biệt, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội, về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ người DTTS; tăng cường phối hợp giữa cơ quan sử dụng cán bộ với các cơ sở đào tạo nhằm xác định rõ nhu cầu đào tạo đối với từng loại cán bộ để có kế hoạch đào tạo thật cụ thể.
Bốn là, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, vì hiện nay, tình trạng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong các cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng giảm; nhiều bộ, ngành và địa phương (nhất là cấp tỉnh) chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn tồn tại tình trạng mất cân đối về đội ngũ cán bộ giữa các nhóm người DTTS, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số). Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng khác là cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Năm là, quan tâm quy hoạch, sắp xếp, cất nhắc và sử dụng những người có năng lực, tài năng nhằm “Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số”(11). Việc quan tâm quy hoạch, cất nhắc đối với cán bộ người DTTS sẽ động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi, nâng cao năng lực về mọi mặt. Một yêu cầu quan trọng khác là cần có cơ chế, chính sách tiếp nhận, tuyển dụng đối với con em đồng bào thuộc các dân tộc rất ít người. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp mang tính hệ thống, hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ người DTTS, phù hợp với từng bộ, ngành và địa phương ở vùng ĐBDTTS&MN.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vùng ĐBDTTS&MN, mà còn thể hiện tư duy chính trị tiến bộ và tinh thần nhân văn cao cả. Trên nền tảng tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và đã đạt được những thành tựu to lớn. Việc đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS đã tạo nên sự cân bằng, hài hòa về chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị; đồng thời, giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS&MN đã thực sự đi vào cuộc sống của ĐBDTTS, phát huy tiềm năng, khơi dậy ý thức, nội lực của các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được tăng cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các dân tộc.
Thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương có đông ĐBDTTS cần quyết tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS để đưa vùng ĐBDTTS&MN phát triển toàn diện, nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nhất là chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để sớm đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng./.ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét