Các đối tượng xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay về cơ
bản là những lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây, lực lượng cực hữu
người Việt ở nước ngoài và những cá nhân người Việt trong nước bị các thế lực
cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ
chính trị - xã hội tại Việt Nam. Các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về
nhân quyền ở Việt Nam hiện nay thường tập trung vào hoạt động tuyên truyền
xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận, thực tiễn về dân chủ, nhân quyền.
Trong bản Báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2021, Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ một lần nữa lại xuyên tạc sự thật về tình hình Việt Nam. Bản báo
cáo dài 48 trang đã đề cập đến nhiều nội dung thiếu chính xác và khách quan,
không phản ánh đúng thực tế về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong báo
cáo, Việt Nam được nêu như là một quốc gia độc tài, độc đảng và "cuộc bầu
cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng". Báo cáo cũng đề cập đến
tình trạng giết người bất hợp pháp và tuỳ tiện của Chính phủ; tra tấn và đối xử
và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ;
bắt giữ và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự trả thù có động cơ chính trị
đối với các cá nhân ở quốc gia khác…
Hay trong một bản báo cáo công bố vào ngày 17/02/2022, tổ chức
Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch (HRW) đã cáo buộc chính quyền Việt Nam
“cản trở một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị
và nhân quyền”. Trong báo cáo, HRW đã vu cáo chính quyền Việt Nam áp dụng các
biện pháp nhằm giam lỏng, hoặc cản trở việc đi lại của những nhà hoạt động nhân
quyền, hay những người bất đồng chính kiến cũng như chu kỳ diễn ra của những sự
vi phạm quyền tự do đi lại này. Tuy nhiên, mọi cáo buộc được đưa ra trong báo
cáo của HWR là vô căn cứ và không mang tính khách quan. Thông tin mà tổ chức
HRW dựa vào để đưa ra cáo buộc lại là từ những kẻ mà chúng gọi là “các nhà hoạt
động”, mà bản chất lại là những kẻ chống phá chính quyền, thường xuyên có những
hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Các “nhà hoạt động” này tự nghĩ rằng mình
bị ngăn cấm, cản trở đi lại và lỗi này đều do chính quyền gây ra, tuy nhiên
chẳng có cơ quan, cá nhân, tổ chức nào cản trở quyền tự do đi lại cả; tại Việt
Nam chưa hề diễn ra sự bắt bớt công dân một cách trái pháp luật. Thực chất HWR
đang lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế
can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, hướng lái theo ý đồ của họ. Chưa dừng
lại ở đó, khi Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 thành công, bảo vệ
sức khỏe, tính mạng người dân cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền; HRW cho rằng
“Việt Nam tự xưng đã thành công trong việc chống dịch Covid-19 trong năm 2020
và năm tháng đầu năm 2021. Nhưng khi biến thể Delta tràn vào khu vực, tính đến
đầu tháng Mười một đã có hơn 939.000 ca dương tính và hơn 22.000 người chết.
Các lực lượng thực thi pháp luật đã vi phạm nhân quyền khi sử dụng vũ lực
quá mức để cưỡng chế người dân xét nghiệm Covid-19 hay đi cách ly bắt
buộc, và để ép buộc thi hành lệnh phong tỏa”.
Gần đây, trên các diễn đàn thông tin của VOA, FRA, Việt Tân đăng
tải nội dung “Tờ trình của liên minh Châu Âu (EU) trước đối thoại nhân quyền EU
- Việt Nam” trong khuôn khổ hoạt động đối thoại thường niên về nhân quyền năm
2022. Trong đó đưa ra các luận điểm: “Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ,
chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phụng, cúng
lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tuỳ tiện cho là đi ngược với “lợi
ích quốc gia”, “trật tự xã hội”, hay “khối đoàn kết dân tộc”. Chính quyền dán nhãn
“tà đạo” đối với Tin Lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm
tôn giáo khác”. Tổ chức Việt Tân đề cập đến nội dung “Việt Nam được Liên Âu gọi
là “chế độ đàn áp” trong báo cáo nhân quyền, với nội dung “Báo cáo cho rằng ở
Việt Nam những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát ngặt
nghèo, và thành quả mà Châu Âu đạt được trong lĩnh vực nhân quyền ở đây là
không đồng nhất” hay “Khi cần Châu Âu và Hoa Kỳ giúp đỡ thì chính quyền sẽ nới
lỏng sự kiểm soát, nhưng khi đã đạt được mục đích thì sẽ quay ngoắt và tăng
cường đàn áp trở lại, đó là bản chất xảo trá của ĐCSVN”. Tuy nhiên, phải nói
rằng, toàn bộ nội dung của “Tờ trình” chỉ được đăng tải trên các trang thông
tin của các tổ chức phản động, chống phá Đảng, Nhà nước. Tính đến thời điểm
hiện tại, Chính phủ Việt Nam chưa ghi nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào
từ phía EU trong năm 2022.
Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về
nhân quyền, như các bản phúc trình toàn cầu về nhân quyền của HRW và các báo
cáo của Mỹ đều dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt
xén rời rạc, mang động cơ chính trị thực dụng nên phiến diện và không phản ánh
đúng thực tiễn nhân quyền tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã từng rất
nhiều lần phản hồi thông tin sai sự thật, phản bác các thông tin sai trái,
khẳng định lại sự thật khách quan về tình hình tại Việt Nam, đặc biệt là những
vấn đề liên quan đến nhân quyền. Trong tất cả những lần đó, các tổ chức cáo
buộc Việt Nam đều không hề có ý kiến phản hồi cũng như không đưa ra được bất cứ
tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc Việt Nam có dấu hiệu hay hành động xâm
phạm đến quyền con người.
Nhìn nhận một cách khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt
Nam, công tác bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới ở nước ta đã thu
được nhiều thành tựu nổi bật. Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương
nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong Bản
Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn
xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy
quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Trái với
những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn về nhân quyền, thực tế Việt Nam đã
và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân
quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Trong
thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt
chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ ban hành nhằm bảo
đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt
là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu
trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm
thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y
tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm
của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để
lại ai ở phía sau” trong đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động, tích cực đóng góp vào việc
tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế
giới ghi nhận như việc thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận
rất cao trong những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền và ủy viên không
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam
được thể hiện qua vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban
liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Từ những nỗ lực chung trong thúc
đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành
viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN
làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là
những đòn đả kích mạnh mẽ nhằm vào các đối tượng vu cáo Việt Nam về vi phạm
nhân quyền.
Thực tế nhân quyền ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, tiêu
biểu là nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát, du khách đến
Việt Nam cảm nhận, đánh giá. Chẳng hạn nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á
David Hutt phát biểu trên đài BBC News rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành
động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu. Còn trang
liberationnews.org (Mỹ) thì thừa nhận: Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người
dân lên trên lợi ích kinh tế... Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát
triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Việt Nam
ứng phó thành công đại dịch Covid-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng, trong
đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành
công. Trang Times of India thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ
người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về
dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người, nhờ
thế đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh toàn dân
trong cuộc chiến chống dịch. (1)
Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt
Nam trong việc đảm bảo quyền con người chính là một trong những minh chứng cụ
thể nhất để bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi
phạm nhân quyền. Việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những luận điệu sai
trái, xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam là thủ đoạn thâm độc
của các thế lực thù nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chống
đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, mỗi cán bộ,
đảng viên và quần chúng Nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết
đấu tranh với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét