Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) chiếm 3/4 diện tích của cả nước, là nơi sinh sống lâu đời của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), có tiềm lực kinh tế to lớn với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, là những địa bàn “phên dậu”, “cái nôi” của căn cứ địa cách mạng nên có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ thực tiễn và đánh giá cao vị trí của vùng ĐBDTTS&MN và vai trò của ĐBDTTS trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định, ĐBDTTS là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong thời gian hoạt động cách mạng và kháng chiến, Người đã lựa chọn vùng ĐBDTTS&MN làm căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, luôn gắn bó với đồng bào và được đồng bào yêu thương, che chở.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBDTTS&MN, đồng thời tăng cường “đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”(1), ĐBDTTS phải là nòng cốt trong mọi chính sách, trong đó công tác cán bộ và việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đào tạo và cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS, vì họ hiểu rất rõ thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào các dân tộc và là người tiếp thu, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng ĐBDTTS&MN. Theo Người, để phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS thì cần “phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”(2).
Trong công tác đào tạo, cán bộ người DTTS, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đào tạo phải gắn liền với nhiệm vụ thực tế; học tập tốt cả chính trị, văn hóa và phải gắn liền với lao động, sản xuất, không học dông dài. “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau”(3). Theo Người, yêu cầu hàng đầu là phải nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng loại hình trường, lớp phù hợp với vùng ĐBDTTS&MN, “chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm”(4) nhằm mục tiêu “đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động”(5).
Đi cùng với công tác đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải cất nhắc cán bộ là người DTTS. Theo Người, đào tạo cán bộ người DTTS là để sử dụng; muốn sử dụng có kết quả thì phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể, thậm chí là nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn nếu họ thể hiện được phẩm chất và năng lực tốt; đồng thời, phải chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, sát hợp. Đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ là công việc trọng yếu, có quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành chính sách cán bộ, không được coi nhẹ mặt nào, để giúp cán bộ người DTTS đảm đương tốt nhiệm vụ công tác của mình. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải “ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”(6).
Dành sự quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ là người DTTS nên trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã trực tiếp đào tạo, cất nhắc nhiều cán bộ người DTTS vào những vị trí quan trọng, và sau này họ đã trở thành các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung...ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét