Nôm na, có thể nói uy tín là danh từ chỉ sự tín nhiệm và mến phục được mọi người công nhận. Cái oai, cái uy thì thường có từ những người có chức vụ, có quyền lực. Vì vậy, có người khi có chức vụ thì ngộ nhận mình là người có uy tín, thực chất đó là cái quyền uy do chức vụ tạo nên.
Người có uy tín là người rèn luyện được những phẩm chất, tính cách của con người, được xã hội nể trọng thông qua những tư duy, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ đối với công việc cũng như với mọi người.
Cha ông ta có câu “một lần bất tín, vạn lần bất tin” cho thấy cái uy tín trong cuộc sống của mỗi con người là rất quan trọng. Khi người ta không tin mình thì thật là một bi kịch. Điều này lại càng quan trọng đối với những người cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ, có chức quyền.
Người có uy tín trước hết thường là những người đã đạt được nhiều thành tựu trong công việc và cuộc sống. Họ có năng lực chuyên môn vững vàng; đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn, luôn nghiêm túc với bản thân mình. Do nắm chắc được quy luật, công việc, tình hình nên họ thường có tầm nhìn xa, trông rộng, có tính quyết đoán. Họ cũng là người có phẩm chất, nhân cách và đạo đức tốt, luôn có ý thức lan tỏa cái hay, cái đúng, cái tốt, giúp mọi người cùng tiến bộ.
Người có uy tín rất thận trọng với lời hứa của mình. Từ những cái đơn giản như hẹn giờ đến những nội dung cam kết, đã hứa là họ quan tâm thực hiện bằng được theo đúng lời hứa của mình. Những cái không chắc, họ không hứa hão, không “đánh trống bỏ dùi”. Khi có những đột xuất, không thực hiện được lời hứa họ thông báo cụ thể, đầy đủ cho đối tác để không bị lỡ việc. Vì sự chân thành, lại có thói quen giữ chữ tín nên họ là những người luôn luôn tự tin với bản thân mình.
Quyền chỉ có uy khi người lãnh đạo biết quyền biến, khôn ngoan, cương - nhu, quyết đoán - mềm dẻo hài hòa. Uy quyền có được là do khí chất thiên bẩm của người lãnh đạo có tầm, do rèn luyện, nhưng trên hết vẫn là do con người có tâm, có tấm lòng trong sáng, thấu hiểu lòng người. Khi người cầm quyền có thực đức, thực tài, công bằng, quang minh chính đại, muôn việc đều vì lợi ích chung, thì khi đó, tự quyền lực có sức hút thu phục lòng người, nhân tâm đồng thuận, một lời nói ra sức mạnh uy phong, tiền hô hậu ủng, làm theo.
Đáng tiếc, trong đội ngũ cán bộ chúng ta, nhiều người, kể cả cán bộ ở cấp cao, kể cả những vị trí rất quan trọng nhận thức chưa đúng, thực hành chưa nghiêm. Đó là những người có chức vụ - “nói ai cũng phải nghe, đe ai cũng phải sợ...” thì họ nhầm tưởng mình là người có uy tín. Không phải khi ngồi ghế cao, đầy uy quyền là đã có tín. Khi không có tín, thì cho dù uy to mấy, cũng dễ nhạt nhòa. Những người trọng tín, biết giữ gìn, xây đắp chữ tín, cho dù chức nhỏ, quyền ít, nhưng cái uy vẫn thanh cao.
Có người xuất hiện trước công chúng, người dân khâm phục, nể trọng nhìn mặt, tin tưởng vì họ có bản lĩnh, vô tư, không vụ lợi, đã nói là làm, đã làm là đến nơi đến chốn! Nhưng cũng có người nói thì hay “nổ”, người dân lại cười, buồn: Nói thì hay, nhưng... Cũng có người nói như hát hay, nhưng lòng dạ đen tối, tham lam, núp bóng “sân sau” bám víu, cài cắm vợ con, người thân, nên “há miệng mắc quai”, chỉ dám nói nửa vời!
Lâu nay, người ta than phiền nhiều về “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ,...”. Vì nhiều cái “ệ” mà khi đạt được mục đích thì người ta cũng rất giỏi đánh bóng tên tuổi, chui sâu, leo cao, vụ lợi, “trái chín lẫn trái xanh, vàng thau lẫn lộn”. Những người sính uy, khoái quyền thì rất dễ quên đi chữ tín. Họ làm xấu đi hình ảnh người công bộc của dân. Người nêu cao danh dự, biết trọng chữ tín, biết ký thác cả danh dự cá nhân trong hành động, việc làm, trong trọng trách được giao, thì chữ tín sẽ làm sáng đẹp lên cái của người uy công bộc, được dư luận, người đời kính nể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều đến “nêu gương”, “làm gương”. Hiện nay, Đảng ta cũng xác định nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Cán bộ càng giữ trọng trách cao càng phải nêu gương sáng. Không chỉ tự nêu gương chính mình mà còn là sự nêu gương của vợ con gia đình, người thân. Đó là danh dự, trách nhiệm, là liêm sỉ. Cái uy, cái tín có hay không, cũng đều nằm cả trong sự tự nêu gương ấy.
Muốn thực sự có uy tín, phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Chẳng có ai lại đặt chữ tín vào một người năng lực kém, làm không được việc. Phải biết rèn luyện các “kỹ năng mềm” như tổ chức, quản lý, viết lách, diễn thuyết, điều hành, xử lý công việc, văn hóa, thể thao... Phải biết xây dựng mối quan hệ trong công tác, cởi mở trong sinh hoạt, lan tỏa những phẩm chất tốt để được mọi người tin tưởng. Phải biết luôn giữ lời hứa và cam kết của mình với người khác.
Dân trí ngày càng cao, càng ngày, người Dân càng đặt niềm tin vào những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có năng lực nổi trội. Lòng dân trân trọng ghi nhận những tấm gương vì nước, vì dân, “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Lòng dân cũng vô cùng oán hận với những kẻ sâu dân mọt nước, tham lam, ích kỷ, chỉ vì những lợi ích của mình./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét