Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Vấn đề dân tộc trong mưu đồ hiểm độc của các thế lực thù địch chống Việt Nam

 

Trong đời sống xã hội, dân tộc và tôn giáo là những vấn đề tự thân vốn đã chứa đựng những phức tạp. Đặc biệt là vấn đề dân tộc trong bối cảnh những năm gần đây, trên thế giới mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc ngày càng tăng, trở thành nhân tố gây mất ổn định ở nhiều quốc gia. Sự từ bỏ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, thực hiện đa nguyên, đa đảng, dân chủ một chiều ở một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng là điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phục hồi và phát triển mà đỉnh cao là sự bùng nổ trào lưu ly khai, tự trị và các cuộc xung đột vũ trang. Lợi dụng ngay điều đó, các thế lực thù địch quốc tế đứng đầu là Mỹ đã triệt để lợi dụng và khai thác vấn đề dân tộc để thực hiện ý đồ toàn cầu hoá chính trị của mình. Cụ thể khi chiến tranh lạnh kết thúc, những người cầm đầu nhà trắng đưa ra hàng loạt các chiến lược và thực thi “Diễn biến hoà bình”, thực hiện ý tưởng đóng vai trò đứng đầu thế giới, xây dựng một nền kinh tế thị trường tư bản thuần khiết, xây dựng một định chế dân chủ kiểu Mỹ trên toàn cầu, xoá bỏ các quốc gia cộng sản, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt Hoa Kỳ khoét sâu góc độ nhân quyền trong vấn đề dân tộc, coi đây là một cửa đột phá quan trọng để thực hiện mưu đồ của mình.

“Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ XXI” của Mỹ (tháng 1 năm 2000) đã xác định: “Xung đột sắc tộc… là thách thức lớn lao đối với các giá trị về an ninh của Mỹ”. Đây là một “hình thức vi phạm nhân quyền” mà Mỹ có thể “hành động quân sự tập thể” và dùng “áp lực đồng thời kinh tế - chính trị kết hợp với ngoại giao” để chặn đứng ở bất cứ quốc gia nào. Đối với Việt Nam, Mỹ xác định “cũng không làm ngơ” trước những “người miền núi anh em” (dân tộc thiểu số) đã từng “giúp đỡ Mỹ” trong chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương trước đây. Các “Báo cáo tình hình nhân quyền” hàng năm, mới đây nhất là “Báo có tình hình nhân quyền năm 2005” do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về vấn đề dân tộc, tôn giáo của nhiều quốc gia, trong đó trắng trợ vu cáo Việt Nam “không có nhân quyền”, “đối xử không bình đẳng với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, vu cáo “Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo”. Thâm độc hơn chính quyền Mỹ còn hỗ trợ cho các lực lượng phản động người dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài mà tập trung ở Mỹ, Pháp, Canađa để chống phá Nhà nước Việt Nam.

Chính quyền Mỹ thường xuyên đẩy mạnh hoạt động gây ảnh hưởng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam ở Mỹ thông qua các hoạt động văn hoá, xã hội, tôn giáo. Nước Mỹ là nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ, lễ hội mang tính quốc tế của người Mông. Tổng thống Mỹ thường xuyên gửi thư chúc mừng các lễ hội này. Chính quyền Mỹ còn trực tiếp cử người điều hành “Trung tâm nghiên cứu Thái học Mỹ” do Bạc Thị Siểng cầm đầu. Nhiều chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức ở Mỹ và các nước khác đều do Mỹ chi phối. Mặt khác Mỹ tích cực hỗ trợ hình thành các hội nhóm của người dân tộc, hướng hoạt động cộng đồng dân tộc thiểu số lưu vong theo quỹ đạo của Mỹ. Sử dụng các tổ chức này tác động, kích động gây mất ổn định trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện có khoảng 100 tổ chức của người dân tộc thiểu số Việt Nam ở nước ngoài. Riêng ở Mỹ có 11 tổ chức của người Mông, 5 tổ chức của người Thái, 1 tổ chức của người Dao, 3 tổ chức của người Thượng Tây Nguyên. Đáng lưu ý là các tổ chức: “Trung tâm nghiên cứu văn hoá Mông”; “Trung tâm nghiên cứu Thái học Mỹ”;

“Nhóm hoạt động tôn giáo Tin Lành khởi xướng vấn đề Vua Vàng Chứ trong người Mông” ở át-lan-ta Mỹ: “Hội người Thái tị nạn tại Pháp” do Đèo Nạng Tọi, con gái Đèo Văn Long cầm đầu… Chính quyền Mỹ và một số thế lực ở Mỹ ngoài việc sử dụng đài VOA, đài “Châu á tự do” còn hỗ trợ ngân sách thành lập đài phát thanh, in ấn báo chí bằng tiếng dân tộc cho các tổ chức này để chống phá Việt Nam về mặt tư tưởng.

Với thủ đoạn vừa chia rẽ lôi kéo, tập hợp lực lượng trong dân tộc thiểu số, vừa âm mưu quốc tế hoá để can thiệp vào vấn đề dân tộc ở nước ta, chúng đã triệt để lợi dụng những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại nhằm khởi dậy những mâu thuẫn, hận thù dân tộc, kích động tư tưởng đòi tự trị đồng thời lợi dụng những thiếu sót của Nhà nước ta trong việc thực hiện chính sách dân tộc cùng những khó khăn trong đời sống hiện tại của đồng bào dân tộc thiểu số để xuyên tạc, gây hoài nghi, làm mất lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Bằng nhiều con đường khác nhau các thế lực thù địch chống Việt Nam tìm mọi cách nâng đỡ, tung hô những kẻ mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai; lôi kéo những người có ảnh hưởng trong đồng bào dân tộc để nắm quần chúng, tạo dựng “ngọn cờ”. Trước đây trong chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ lựa chọn trong tầng lớp trên, thì nay họ lại tập trung vào số người có uy tín là trí thức do cách mạng đào tạo. Đó là nét mới đáng lưu ý.

Nham hiểm hơn, các thế lực thù địch bằng phương thức tạo ra các xu hướng và lực lượng đối lập từ bên trong, làm điểm tựa để hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động chống phá. Mặt khác chúng còn sử dụng khả năng quốc tế hoá vấn đề dân tộc để chống phá Việt Nam ở mức độ khác nhau như vấn đề Fulro ở Tây Nguyên với “Nhà nước Đề-ga”; vấn đề Khmer Nam Bộ, vấn đề người Mông. Từ đó cho thấy trong vấn đề dân tộc, sự câu kết giữa bọn phản động trong nước và ngoài nước ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, chặt chẽ và tinh vi hơn, thích ứng với tình hình mới. Phân tích vấn đề “Nhà nước Đềga” ở Tây Nguyên ta càng thấy rõ điều đó.

Chính sách “chia để trị” nằm trong âm mưu thôn tính Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. ý đồ thành lập “Tây Nguyên tự trị” được chúng thực thi triệt để. Ngày 20/9/1964 lực lượng quân sự Fulro ra đời để phục vụ cho mưu đồ này.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Fulro bị tan rã, một số quan chức cầm đầu chạy ra nước ngoài, số tàn quân thì ẩn náu trong rừng. Ta đã tập trung giải quyết. Tháng 10/1992, số Fulro còn lại trên đất Campuchia chính thức đầu hàng lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc - UnTac (tại tỉnh Monđônkiri - Campuchia) chấp nhận định cư tại California - Mỹ. Số Fulro di tản này đã tụ tập thành nhiều hội nhóm khác nhau. Sau này tập hợp lại để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga” lưu vong ở Mỹ vào cuối năm 1999 do Ksor Kok cầm đầu. Mục tiêu của cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” là đấu tranh đòi lại “đất nước Đề-ga” Tây Nguyên. Ksor Kok còn hoạch định phương thức, thủ đoạn đấu tranh của “Nhà nước Đề-ga tự trị” là đấu tranh chính trị bên ngoài để quốc tế thừa nhận giúp đỡ, kết hợp tuyên truyền tác động vào trong nước, chuyển hoá từng bước thành đấu tranh vũ trang để công khai hoá, hợp pháp hoá “Nhà nước Đề-ga” tại Tây Nguyên, kích động tụ tập đông người, tạo cớ gây sức ép, gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng. Ksor Kok điên cuồng đề ra phương châm khoét sâu hận thù dân tộc, từng bước đòi đất đai, đòi tự do tôn giáo, tách Tin lành người Thượng ra khỏi Tin lành người Kinh, lập tổ chức Tin lành người Đề-ga, tiến tới đòi dân tộc tự trị, thành lập “Nhà nước Đề-ga”. Mặt khác để thực hiện mưu đồ đen tối của mình Ksor Kok còn tìm những tên cầm đầu Fulro cũ có nợ máu với cách mạng giao giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chống phá cách mạng của hắn như: Y Bhi KBuar, Ksor Bútt, Y Pưng B’Nơr…

Trước âm mưu thâm độc lợi dụng vấn đề dân tộc của chính quyền Mỹ và các thế lực thù địch quốc tế, các quốc gia đều rất cảnh giác. Với nước ta, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc của một quốc gia có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Tạo sự bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung đầu tư phát triển vùng miền núi, dân tộc, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ tri thức người dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể thấy quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã cơ bản được thực hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội. Những thành tựu trong 20 năm đổi mới ở vùng miền núi, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống đã khẳng định điều đó. Hiện nay các tỉnh miền núi, dân tộc tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Nông nghiệp và các cây công nghiệp thế mạnh phát triển mạnh. Có 60-70% diện tích nông nghiệp được tưới tiêu. 95% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đời sống của người dân được cải thiện.

Mạng lưới y tế có hầu hết ở các xã, 90% trẻ em được tiêm chủng phòng bệnh. 90% địa bàn có đồng bào dân tộc được phủ sóng phát thanh và 70% số vùng được phủ sóng truyền hình. Hệ thống chính sách giáo dục được hoàn thiện. Chế độ cử tuyển ở bậc đại học, cao đẳng, trung học được thực hiện với hàng ngàn sinh viên, học sinh. Hàng trăm trường dân tộc nội trú do ngân sách quốc gia cấp hoạt động hiệu quả. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Thực tế đó khẳng định: Trong khi vấn đề dân tộc ở nhiều nước trên thế giới diễn biến phức tạp đã và đang gặp nhiều khó khăn, thì kết quả thực hiện công tác dân tộc cùng những đổi thay to lớn trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam là một minh chứng trước cộng đồng thế giới về sự đúng đắn trong đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét