Ðây là đánh giá của Nhật báo Vienna (Wienerzeitung) trong bài viết đăng ngày 15/4 nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg từ ngày 16-18/4. Truyền thông Áo bày tỏ kỳ vọng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của một bộ trưởng ngoại giao Áo sau 28 năm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế.
Nhật báo Vienna đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Schallenberg là nhằm thúc đẩy sự tham gia của Áo vào quá trình phát triển ở Việt Nam, cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì những rủi ro địa chính trị.
Theo bài viết, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường và Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế và các tập đoàn lớn.
Bài báo cho biết, Áo muốn tham gia vào sự phát triển bùng nổ ở Việt Nam, tận dụng các cơ hội rất tham vọng mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại, trong đó thuế quan dần được loại bỏ và các công ty đang kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với những điều kiện khung thuận lợi và hiện tại quốc gia 100 triệu dân này đang có các thỏa thuận thương mại tự do với rất nhiều nước.
TTXVN dẫn bài viết trên tờ Kronen Zeitung, nhật báo ra đời từ năm 1900 và có lượng phát hành lớn nhất ở Áo cho biết, với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1,6 tỷ euro, Việt Nam hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Áo trong khu vực ASEAN.
Hiện 60 công ty Áo có văn phòng hoặc chi nhánh tại Việt Nam. Nhật báo Kronen Zeitung dẫn lời Ðại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết, Áo và Việt Nam bổ sung cho nhau về mặt kinh tế, trong đó Việt Nam có thể đẩy mạnh hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ và máy móc từ Áo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Áo cũng có thể giúp thúc đẩy ngành du lịch ở Việt Nam với công nghệ cáp treo của Áo. Ngoài ra, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề.
Trang Vienna.at của thủ đô Vienna cũng đăng bài viết đánh giá Áo và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về chính sách đối ngoại. Hai nước sẽ hợp tác thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế và giải trừ quân bị, trong đó Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Bài báo dẫn lời Ðại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh cam kết đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, khẳng định Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông theo các điều ước quốc tế, như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét