Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

SỨC MẠNH CỦA LÒNG NHÂN ÁI VÀ TÌNH NGƯỜI

 Trong hành trình chữa trị của những người bệnh nghèo không chỉ có đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế hết lòng vì người bệnh, mà còn có sự đồng hành, chia sẻ của những người “nối vòng tay-trao yêu thương” đến người bệnh.

1. Trong căn nhà treo kín giấy khen về thành tích học tập và rèn luyện của hai con trai, chị Phạm Thị Huệ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang có một cuộc sống hạnh phúc, đầy ắp niềm vui bên người chồng hết lòng yêu thương vợ và hai cậu con trai chăm ngoan, học giỏi. “Ngày ấy, nếu em không qua khỏi, thì không biết ba bố con sẽ sống thế nào? Mọi người đã cứu cả nhà em, ơn nghĩa này, em không bao giờ quên”, chị Huệ chia sẻ.
Tháng 7/2015, chị Phạm Thị Huệ được người nhà đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn nhận thức. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bác sĩ cho biết, chị bị mắc huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch, là một bệnh hiếm gặp, phải được điều trị tích cực liên tục từ 2-3 tuần mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Chi phí điều trị mỗi ngày là 20 triệu đồng, trong khi chị Huệ không có bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình phải tự chi trả hoàn toàn.
Để có tiền điều trị, anh Nguyễn Xuân Hoa, chồng chị đã phải bán căn nhà gia đình đang ở, vay mượn anh em, họ hàng, bà con lối xóm, rồi vay cả ngân hàng, được 300 triệu đồng. Nhưng từng đó cũng chỉ đủ chi phí cho 13 ngày điều trị. Hai ngày tiếp theo, anh phải xin bệnh viện tạm ứng thuốc và dịch truyền. Trong người không còn đồng nào, cũng không còn tài sản gì có giá trị để bán, anh bất lực ngồi bên giường bệnh nhìn vợ mê man.
Trong lúc anh Hoa đang hoang mang không biết phải làm gì để cứu vợ thì bất ngờ thấy có nhiều người đến tận bệnh viện thăm hỏi, động viên và đóng viện phí cho chị Huệ. Số tiền ủng hộ, giúp đỡ chị Huệ ngày càng nhiều thêm.
“Khi nhận được thông tin về gia cảnh khó khăn của chị Huệ, chúng tôi đã liên hệ với báo chí đề nghị đăng bài để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Ngay sau khi báo đăng, anh Hoa đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của rất nhiều nhà hảo tâm, cả trong nước và ngoài nước. Nhờ vậy, sau 19 ngày điều trị tích cực, chị Huệ đã tỉnh lại và sau 35 ngày, chị được xuất viện trở về gia đình. Số tiền hơn 500 triệu đồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ không chỉ giúp chị Huệ vượt qua bạo bệnh mà còn giúp gia đình chị trả được các món nợ trước đó và ổn định cuộc sống.”-Chị Nguyễn Thị Hạ, Tổ trưởng Tổ Trợ giúp người bệnh - Phòng Công tác xã hội (CTXH) - Bệnh viện Bạch Mai nhớ lại.
2. Tháng 7/2016, chị Nguyễn Thị An, 20 tuổi, quê xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An phải nhập Viện Tim mạch- Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy tim rất nặng vì biến chứng. Các bác sĩ chẩn đoán, chị bị thông liên thất biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, gây thủng van động mạch chủ, suy tim rất nặng. Thời gian đó, chị An đang là công nhân của một công ty may ở Nghệ An, thu nhập chỉ 4 triệu đồng/tháng. Khi vào viện, chị không có thẻ BHYT vì trước đó đã bị công ty thu lại. Để có tiền đi viện, gia đình chị An phải bán lúa non nhưng cũng chỉ gom góp được 8 triệu đồng. Trong khi, với phẫu thuật vá thông liên thất, thay van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên, nếu không có BHYT, gia đình phải chi trả toàn bộ số tiền khoảng hơn 400 triệu đồng.
Nhận thông tin về hoàn cảnh của chị An, Phòng CTXH đã liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương, công ty may nơi chị An làm việc để đòi lại thẻ BHYT cho chị. Mặt khác, các nhân viên y tế phối hợp với phóng viên viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mổ tim cho chị An. Nhờ số tiền quyên góp được hơn 500 triệu đồng từ những tấm lòng nhân ái, ca mổ tim tiến hành kịp thời đã cứu chị An thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Một năm sau, chị An vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân da giày, lấy chồng và hiện nay có hai con (một trai và một gái) khỏe mạnh, cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
3. Tháng 10/2019, Khoa Cấp cứu A9-Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Bùi Thị Trang, 22 tuổi, ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước trong tình trạng hôn mê, thở máy, được chuyển tuyến từ Bệnh viện đa khoa Hà Đông, với chẩn đoán phù phổi cấp, suy thận, không có người thân, không giấy tờ tùy thân, tài sản chỉ có vỏn vẹn 37.000 đồng. Trước đó, chị Trang bị lên cơn khó thở khi đang đi xe buýt từ thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, được người dân đưa vào bệnh viện. Nhân viên y tế cấp cứu chỉ kịp hỏi và biết được tên tuổi, quê quán của chị Trang, sau đó chị rơi vào hôn mê.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Trang được các bác sĩ hết lòng cứu chữa. Cùng thời điểm đó, các nhân viên Phòng CTXH cũng nhanh chóng thiết lập kênh thông tin tìm kiếm người thân cho chị Trang.
“Tôi lập tức liên hệ với Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) đề nghị xác minh thông tin về người nhà bệnh nhân Bùi Thị Trang, tuy nhiên phía công an cho biết phải sau vài ngày mới có kết quả.
Chợt nghĩ, nếu phải chờ lâu, rất có thể tình trạng của bệnh nhân sẽ diễn biến xấu, tôi vào mạng tra số điện thoại của cán bộ thị xã Đồng Xoài, rồi liên hệ với chị Bùi Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị xã. Dù lúc đó mới là 8 giờ sáng và đang bận họp nhưng chị Thúy vẫn nhiệt tình lắng nghe, nhắc tôi gửi thêm thông tin, hình ảnh bệnh nhân Trang, để chị báo mọi người đi tìm. Chỉ hai tiếng sau, chị Thúy gọi lại báo tin đã tìm được gia đình bệnh nhân Trang. Lúc đó, tôi vui như tìm được chính người thân của mình vậy”- chị Hạ kể.
Chị Bùi Thị Trang là con út trong gia đình có bốn anh em. Bố mẹ đã già yếu, chỉ làm công việc bán vé số, mỗi ngày kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Khi nhìn thấy bức ảnh chụp chị Trang đang nằm trên giường bệnh cấp cứu với máy thở và nhiều dây dợ chằng chịt chung quanh, bác Bùi Văn Kính vẫn nhận ra ngay con gái mình. Ông bật khóc vì suốt hai năm qua, gia đình đi tìm con nhưng vẫn biệt vô âm tín, nghĩ rằng chị Trang đã bị bán ra nước ngoài.
Sốt sắng muốn ra ngay Hà Nội với con gái, nhưng vợ chồng bác Kính không biết phải làm thế nào để có đủ tiền đi lại, chăm sóc và đón con về. Trước tình cảnh ấy, chị Thúy cùng các cán bộ thị xã Đồng Xoài đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ gia đình bác Kính thuê một chuyến xe cấp cứu ra Hà Nội, trên xe có cả một cán bộ y tế đi cùng…
Sau hơn hai năm thất lạc, nhờ công tác tìm kiếm và kết nối hiệu quả của Phòng CTXH-Bệnh viện Bạch Mai và cán bộ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, sự tận tâm của các bác sĩ, nhân viên y tế, chị Bùi Thị Trang đã vượt qua lằn ranh sinh tử, trở về với gia đình. Bệnh viện Bạch Mai cũng miễn toàn bộ chi phí gần 34 triệu đồng tiền điều trị cho chị Trang. Chứng kiến hoàn cảnh của chị Trang, nhiều người nhà bệnh nhân cũng chung tay chia sẻ từ: Bỉm, sữa, đồ ăn, đồ dùng cá nhân để hỗ trợ gia đình đưa chị vượt qua chặng đường dài hơn 1.500 km về quê nhà.
4. Công tác tại Phòng CTXH kể từ khi thành lập (năm 2015) đến nay đã hơn 8 năm, chị Nguyễn Thị Hạ không nhớ hết mình đã trực tiếp hỗ trợ, đồng hành cùng bao nhiêu người bệnh khó khăn, cần sự giúp đỡ, chia sẻ. Ngồi lật giở cuốn sổ công tác dày mấy trăm trang, chị nhớ lại:
Tháng 11/2015, chị Thào Thị Chú, sinh năm 1989, ở Lào Cai, nhập viện với chẩn đoán bệnh tắc mật, rối loạn đông máu, u bóng vater. Không có tiền, không có đồ ăn, hai vợ chồng còn mang theo cả con nhỏ. Các nhân viên y tế và người nhà người bệnh đã ủng hộ gia đình chị quần áo, đồ ăn, đồ dùng thiết yếu và tiền.
Phòng CTXH đã hỗ trợ lập tài khoản ngân hàng cho chị để nhận tiền tài trợ của các nhà hảo tâm. Tổng số tiền chị được hỗ trợ là hơn 130 triệu đồng, giúp chị đủ tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống sau khi xuất viện.
Tháng 10/2016, chị Lê Thị Xuân Thu ở Thanh Oai, Hà Nội là mẹ đơn thân, làm nghề khâu nón, bị mắc bệnh tim, nhập viện cấp cứu, cần phẫu thuật gấp. Không có thẻ BHYT, không có tiền phẫu thuật, chị nằng nặc xin ra viện. Ngay ngày hôm sau, qua báo chí, nhiều nhà hảo tâm biết được gia cảnh của chị đã gửi tiền giúp đỡ. Tuy nhiên, chị Thu vẫn nhất định không chịu phẫu thuật tim. Phải sau hai ngày kiên trì thuyết phục suốt nhiều giờ đồng hồ, chị Thu mới đồng ý phẫu thuật. Ca mổ thành công. Số tiền được các nhà hảo tâm hỗ trợ không những giúp chị Thu chi trả các khoản viện phí mà còn tiền để chăm sóc sức khỏe sau khi ra viện.
Tháng 7/2019, chị Phạm Thị Chào, sinh năm 1982, ở xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được gia đình đưa ra Hà Nội nhập viện Khoa Hồi sức tích cực-Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhược cơ nặng, không thể đi lại. Biết được hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Chào rất khó khăn, không có đủ tiền chữa trị, Phòng CTXH đã kêu gọi các nhà hảo tâm, quyên góp được 320 triệu đồng giúp chị Chào chữa khỏi bệnh.
Đêm 14/8/2022, Trung tâm Cấp cứu A9 tiếp nhận một bệnh nhân nam bị tàu hỏa đâm trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê, nguy cơ cao tử vong. Bệnh nhân không có người nhà đi cùng, cũng không có giấy tờ tùy thân. Cùng với các bác sĩ, nhân viên y tế khẩn trương hồi sức cấp cứu, các nhân viên Phòng CTXH cũng khẩn trương xác minh thông tin về người bệnh và tìm người nhà cho người bệnh, đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Bệnh nhân được xác định là Trần Nhật, sinh năm 1993, quê ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, từ nhỏ sống với bà nội và chú ruột. Ba tháng trước khi bị tai nạn, anh Nhật ra Hà Nội làm thuê và ở trọ. Sau năm ngày được cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc và nói chuyện được với mọi người. Bên cạnh việc điều trị, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện còn kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm giúp đỡ anh Nhật chi phí điều trị.
Tổng số tiền anh Nhật nhận được là 68 triệu đồng. Theo nguyện vọng của gia đình, ngày 18/8, anh Nhật được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị để tiện cho việc chăm sóc.
“Gần đây, Nhật gọi điện cho tôi báo tin đã hoàn toàn bình phục, đi làm và mong muốn được ra Hà Nội để cảm ơn mọi người đã cứu sống mình. Tôi cảm thấy thật vui và có thêm động lực để tiếp tục làm tốt công việc của mình, dẫu có nhiều vất vả”- chị Hạ nói.
Trong những giây phút khó khăn nhất, tình người, lòng nhân ái, sự sẻ chia luôn là nguồn sức mạnh lớn lao để mỗi chúng ta vượt qua. Đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nếu không có sự sẻ chia, giúp đỡ từ đội ngũ nhân viên y tế và công tác xã hội, sự chung tay của các nhà hảo tâm và cộng đồng thì rất có thể người bệnh không được cứu chữa kịp thời. Tình người ở bệnh viện không chỉ giúp người bệnh vơi đi nỗi lo lắng, buồn phiền, an tâm điều trị, mà như một liều thuốc tinh thần kỳ diệu, mang đến sự sống, niềm tin, hy vọng và bình yên cho người bệnh./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét