Đầu tháng 3-2024, Công ty TNHH Hòa Hiệp tiến hành hợp long cầu Xuân Dương 2 cao nhất trên tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và cầu Hưng Đức dài nhất dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; trước đó, tháng 10-2023, nhánh phải hầm Thần Vũ với điều kiện, kỹ thuật thi công rất phức tạp cũng đã được thông xe...
Ít ai biết, một trong những người quyết định quan trọng đến những thành công đó là Cựu chiến binh (CCB) Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An.
Lính thợ năng động
Một buổi chiều tại văn phòng Công ty TNHH Hòa Hiệp (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Giám đốc Phạm Đình Hạnh bị gián đoạn bởi các bên đối tác, đội thi công, phòng kế toán đến gặp để giải quyết công việc liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam mà Công ty của ông đang đảm nhận. Rồi chốc lát, câu chuyện ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại quan trọng xin ý kiến của Giám đốc về việc này, việc nọ.
Người đàn ông cao lớn, khuôn mặt vuông vức, lông mày rậm, thoạt nhìn tưởng khó gần nhưng khi trò chuyện, giọng nói trầm ấm, điệu cười hào sảng khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, tin cậy. Mở đầu câu chuyện, CCB Phạm Đình Hạnh nói: “Tôi được Quân đội đào tạo, rèn luyện và trưởng thành".
Năm 1971, Phạm Đình Hạnh nhập ngũ, là chiến sĩ thuộc Đoàn 22A, Quân khu 4. Trong thời gian huấn luyện, chiến sĩ Phạm Đình Hạnh có kỹ năng và đạt thành tích bắn súng giỏi, được chuyển về khung huấn luyện rồi vào chiến trường Trị - Thiên chiến đấu. Sau ngày đất nước thống nhất, ông thi vào Trường Trung cấp Xe - Xăng (nay là Trường Trung cấp Kỹ thuật Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng), rồi sau đó về công tác tại Xưởng 467, Quân khu 4. Gắn bó với ngành kỹ thuật, Phạm Đình Hạnh sớm bộc lộ năng khiếu cùng đam mê với các loại máy móc, động cơ... Làm nghề mới 6 năm thì ông đã đạt thợ bậc 7/7, hai lần đạt thợ giỏi hội thi toàn quân.
Đất nước thống nhất, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ vào tỉnh Thừa Thiên Huế thu dung, phục hồi, sửa chữa các loại xe pháo, máy móc mà địch bỏ lại. Hồi đó, kỹ thuật cơ khí của nước ta còn hạn chế, trong khi trang bị của địch để lại đều tân tiến, hiện đại, từ các loại ô tô, máy phát điện, xe tăng, pháo, súng... nên gặp nhiều khó khăn trong công tác sửa chữa.
Có tay nghề giỏi, đọc bản vẽ vanh vách, lại rất đam mê công việc, Phạm Đình Hạnh làm việc quên thời gian. Nhiều ngày, công việc chồng chất, ông cặm cụi làm đến 3-4 giờ sáng. Những hôm trời rét buốt, ông mặc cả áo mưa giúp giữ ấm để làm xuyên đêm. Thời gian đó quả thực rất vất vả, nhưng cũng nhờ thế mà trình độ cơ khí của ông được nâng cao. Các loại động cơ, máy móc mới, ông đều tìm mọi cách nghiên cứu nguyên lý và làm chủ.
Công tác tại Xưởng 467, ông Phạm Đình Hạnh được Ban giám đốc tin tưởng giao làm dịch vụ kỹ thuật như một hình thức “tăng gia” cho đơn vị. Ngoài giờ làm việc, Phạm Đình Hạnh năng động đi liên hệ với các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn để nhận máy móc, thiết bị về sửa chữa. Và cũng từ đó, ông luôn trăn trở cách làm kinh tế.
Năm 1993, ông Phạm Đình Hạnh nghỉ hưu với cấp bậc đại úy. Ngay sau đó, ông quyết định mở doanh nghiệp chuyên sửa chữa máy móc, xe ô tô, buôn bán phụ tùng, thiết bị công trình. Thời gian đầu, ông kinh doanh theo kiểu “bán hàng xén”, ai cần thì bán, ai bán cũng mua, thu gom máy móc cũ, tu sửa lại để bán cho những khách hàng có nhu cầu. Trong giấy phép kinh doanh, ông đăng ký rất nhiều danh mục để có thể nhận được nhiều việc. Nhờ tay nghề cơ khí giỏi, uy tín nên Công ty của ông ngày một đông khách, lúc nào cũng có việc làm.
Một thời gian sau, doanh nghiệp của CCB Phạm Đình Hạnh mở rộng quy mô, tổ chức nhập khẩu, kinh doanh thiết bị công trình. Vừa buôn bán vừa sửa chữa, sẵn máy móc, ông nhận làm nhà thầu phụ cho các đơn vị trên địa bàn, thi công các công trình xây dựng nhỏ lẻ. Là giám đốc, ông kiêm cả việc làm thầy giáo “cầm tay chỉ việc” đào tạo cán bộ kỹ thuật, thợ máy, công nhân. Chỉ cần nghe tiếng máy, ông đã phán đoán tình trạng, hỏng hóc ở đâu để chỉ đạo anh em bảo dưỡng, khắc phục, sửa chữa. Gần một nửa cán bộ kỹ thuật hiện nay của Công ty TNHH Hòa Hiệp là do ông thu nạp từ khi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, rồi trong quá trình vừa làm, vừa chỉ dạy.
Dám đương đầu với khó khăn
Khi đã có đội ngũ nhân viên, máy móc, thiết bị khá hùng hậu, CCB Phạm Đình Hạnh bắt đầu thử thách với những công trình lớn. Hầu như những dự án khó, phức tạp ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều nhà thầu từ chối, doanh nhân Phạm Đình Hạnh đều nhận. Công ty của ông được UBND tỉnh Nghệ An “chọn mặt gửi vàng” để thi công dự án làm đường vào khu công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn dài gần 1km trong vòng một tuần phục vụ cuộc gặp mặt các nhà đầu tư vào đầu xuân 2014.
Đức tính cương quyết, dám làm những việc khó của doanh nhân Phạm Đình Hạnh được thể hiện rõ nét trong thi công Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong việc lấy nước từ sông Lam để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho các đơn vị và người dân khu vực phía Nam tỉnh Nghệ An. Lúc đầu, tham gia dự án này có 7 nhà thầu. Tuy nhiên, sau khi triển khai, do địa chất nơi đây rất phức tạp, cả vùng như một túi bùn khổng lồ, các nhà thầu không đủ năng lực đã phải rút lui. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đành phải chỉ định Công ty của ông Phạm Đình Hạnh tiếp tục thi công.
Giai đoạn 2016-2020, giá cả vật liệu công trình tăng cao, cùng với đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Nghệ An siết chặt khai thác các mỏ đá. Ông Hạnh đầu tư dây chuyền sản xuất đá xây dựng, chế tạo, điều chỉnh thành các cỡ công suất, kích thước khác nhau. Ông thu mua đá hộc từ các nơi về xay thành đá cấp phối, đá trải thảm, đá dăm, mạt đá.
Các máy móc sử dụng cho xây dựng công trình được ông Hạnh “nội địa hóa”, chỉ nhập khẩu động cơ mà trong nước không thể sản xuất, còn các bộ phận khác ông mua bản vẽ về để tự chế tạo, dồn dịch và lắp ráp nhằm tiết kiệm chi phí. Với cách làm này, Công ty của ông chủ động được nguồn vật liệu, giảm chi phí, đứng vững trước biến động của thị trường trong khi rất nhiều đơn vị khác thời điểm đó phải tạm ngừng hoạt động.
Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Hòa Hiệp của CCB Phạm Đình Hạnh đã phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh, gồm xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng; cho thuê thiết bị xây dựng; sửa chữa, mua bán ô tô, xe có động cơ và thiết bị xây dựng; vận tải hàng hóa đường bộ... Cho đến nay, tổng tài sản của Công ty đạt hơn 2.400 tỷ đồng; hơn 600 chủng loại xe-máy phục vụ thi công và hơn 600 cán bộ, nhân viên.
Công ty TNHH Hòa Hiệp vươn lên thành một điểm sáng trong ngành xây dựng, liên tục trúng thầu và triển khai các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Bước ngoặt đánh dấu chuyển vị thế của Công ty từ nhà thầu sang nhà đầu tư là khi đứng đầu liên danh thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hai dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Tham gia thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, Công ty TNHH Hòa Hiệp dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Đình Hạnh tổ chức sắp xếp vốn đầu tư, nội dung hợp đồng do không được điều chỉnh, trong khi giá cả tăng cao, đội vốn nhiều so với dự toán và nhiều khó khăn khác, tiếp tục thi công. Thêm đó, dự án này có các công trình chính đặt trên nền địa chất yếu, tính chất kỹ thuật phức tạp.
Điển hình như hầm Thần Vũ nằm ở lưng chừng núi, đá phong hóa mạnh; cầu Xuân Dương 2 là cây cầu cao nhất tuyến với chiều cao trụ 55m, tương đương với tòa nhà 15 tầng bắc qua hồ Xuân Dương (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ở tuổi 70, tham gia vào một dự án lớn, khối lượng công việc nhiều, khó khăn chồng chất nhưng Giám đốc Phạm Đình Hạnh đã bám sát công trường, áp dụng kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Áo, chỉ đạo các kíp thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy khởi đầu có chút không thuận lợi, nhưng đến nay tình hình đã ổn định, gói thầu cao tốc Bắc - Nam do Công ty TNHH Hòa Hiệp đảm nhận sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-2024.
Trở thành doanh nhân thành đạt, CCB Phạm Đình Hạnh đã có nhiều hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng. Ông quan niệm, trước hết phải giúp đỡ những người xung quanh mình. Cán bộ, nhân viên xây nhà ở, ông hỗ trợ máy móc, vật liệu. Người lao động có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp hằng tháng.
Trên cương vị là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An, ông tích cực đóng góp nhiều cho các hoạt động trong trào, công tác hội cũng như những hoạt động từ thiện, giúp đỡ đồng đội. Giai đoạn 2017-2022, ông cùng các thành viên trong Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An phát động phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, nộp ngân sách nhà nước hơn 3.500 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động. Riêng Công ty TNHH Hòa Hiệp ủng hộ gia đình hội viên CCB gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Trong căn phòng làm việc của Giám đốc Phạm Đình Hạnh, ảnh chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bức ảnh bên các đồng đội được ông treo ở nơi trang trọng nhất. Ông tâm sự: “Khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ, nhưng chính những ngày tháng trong Quân đội đã rèn cho tôi phẩm chất kiên trì; trong công việc, kinh doanh luôn đề cao chữ tín, chịu khó học hỏi, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách”.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét