Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Không tham gia liên minh quân sự - bất biến trong vạn biến


Câu chuyện về liên minh hay không liên minh quân sự (LMQS), chọn bên hay không chọn bên lâu nay vẫn là chủ đề mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xác định là một trong những trọng điểm chống phá cách mạng Việt Nam nhằm tạo ra sự ngộ nhận, mơ hồ, mất cảnh giác trong nhân dân, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta về đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng “4 không” của Đảng, Nhà nước ta. Song, Việt Nam luôn giữ vững lập trường chọn chính nghĩa và chủ trương không tham gia LMQS đã trở thành phương châm chỉ đạo của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Âm mưu chống phá và sự ngộ nhận, mơ hồ
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam: “LMQS là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. LMQS có thể tổ chức thành khối quân sự hoặc chỉ là đơn vị chiến đấu chung. Tùy thuộc vào mục đích chính trị, LMQS có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược”. LMQS xuất hiện và tồn tại trong lịch sử xã hội loài người từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp, tuy nhiên, đó tuyệt đối không phải là tất yếu đối với mọi quốc gia-dân tộc. Tham gia LMQS hay không tham gia LMQS phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu được quyết định bởi mục đích chính trị, lợi ích quốc gia-dân tộc, đường lối quân sự, quốc phòng, đối ngoại, khả năng độc lập, tự chủ và cả yếu tố lịch sử của mỗi nước.
Vấn đề không tham gia LMQS đã được Việt Nam nhiều lần khẳng định, đặc biệt, trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ một cách cởi mở, minh bạch. Tuy nhiên, do tầm quan trọng và tính nhạy cảm của vấn đề, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục xuyên tạc, chống phá với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Đáng chú ý, cùng với các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc trực tiếp, chúng đã triệt để lợi dụng tình hình phức tạp của thế giới, khu vực để núp dưới chiêu bài “hiến kế”, “góp ý”, “phản biện”... với Đảng, Nhà nước ta nhằm phủ nhận chính sách không tham gia LMQS của Việt Nam, gây hoang mang, ngộ nhận, mơ hồ trong nhân dân, phá hoại “thế trận lòng dân” trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc của ta. Có thể nhận diện các thủ đoạn tuyên truyền, chống phá như đánh tráo khái niệm, khẳng định tham gia LMQS là tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa, từ đó trực tiếp phủ định hoặc ẩn ý chính sách không tham gia LMQS của Đảng, Nhà nước ta là lạc hậu, đi ngược xu thế thời đại. Trong bối cảnh cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, thậm chí đối đầu, các thế lực phản động, cơ hội chính trị dưới danh nghĩa lo cho lợi ích quốc gia-dân tộc ra sức cổ vũ, “góp ý”, thậm chí là đòi hỏi Việt Nam phải chọn bên, thiết lập và tham gia LMQS với nước ngoài. Lợi dụng mối quan tâm chung của toàn dân và cả tâm lý e ngại, lo lắng của một bộ phận nhân dân trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông, họ ra sức tuyên truyền xuyên tạc tình hình, “hiến kế”, “khuyến nghị”, “phản biện” với Đảng, Nhà nước ta cần tham gia LMQS, dựa vào nước này đối phó với nước kia để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine thúc đẩy một số nước đẩy mạnh tiến trình gia nhập các LMQS. Và theo đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị “té nước theo mưa” để hô hào, cổ xúy, “kêu gọi” tham gia LMQS đối với Việt Nam. Thậm chí, họ còn lớn giọng khẳng định không tham gia LMQS là “đường lối sai lầm”, “đối sách nhu nhược”, sự “lệ thuộc” của Việt Nam vào nước lớn... Tuy nhiên, về thực chất đây không phải là hiến kế mà là mưu kế nguy hiểm, không phải là ý kiến phản biện mà là sự ngụy biện để thực hiện mưu đồ chống phá.
Bản chất, âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về vấn đề này nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta; kích động Việt Nam “chọn bên”; lôi kéo Việt Nam vào xu hướng liên kết, LMQS ở châu Á-Thái Bình Dương trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay với nhiều toan tính chính trị gây hại tới lợi ích của sự nghiệp cách mạng và lợi ích quốc gia-dân tộc của nước ta. Với thủ đoạn triệt để lợi dụng không gian mạng để đẩy mạnh tuyên truyền chống phá nên có những người ngộ nhận, mơ hồ, vô tình hoặc cố ý cổ xúy, tiếp tay cho các thế lực thù địch. Đây là vấn đề rất nguy hại và phải có biện pháp đấu tranh, phản bác hiệu quả nhằm giữ vững “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Bài học lịch sử và vấn đề đương đại
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng, Nhà nước ta nhất quán không tham gia LMQS. Đây là sự tổng kết sâu sắc bài học lịch sử quý báu của dân tộc và tầm nhìn chiến lược, trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng ta trước những vấn đề gay gắt, phức tạp của thế giới đương đại.
Từ thuở Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã phải đương đầu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Và xuyên suốt lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ tham gia LMQS để đứng về bên này chống lại bên kia. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bè bạn, nhưng Việt Nam cũng không tham gia LMQS. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chính nghĩa, tinh thần yêu nước, hòa hiếu, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là những yếu tố xuyên suốt tạo thành sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc ta. Đó là truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên ta, đã được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, phát huy trong thời đại mới để cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại. Bài học lịch sử được đúc rút từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước là: Tham gia LMQS không phải là phương thức bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hợp tác, trao đổi về quân sự, quốc phòng, tuy nhiên, nó không thúc đẩy một nước này tất yếu phải thiết lập LMQS với nước khác. Với sự gia tăng mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của các khu vực, quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, chính quá trình toàn cầu hóa lại đặt ra rào cản đối với một quốc gia trước vấn đề tham gia LMQS. Trên bình diện quốc tế hiện nay, lợi ích quốc gia-dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu, vì vậy, tất nhiên Việt Nam không ảo tưởng, ngộ nhận việc dựa vào LMQS để bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc mình. Trong bối cảnh các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết, ra sức lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thỏa hiệp vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác, việc tham gia LMQS đồng nghĩa với chọn bên là bớt bạn, thêm thù, vừa mất độc lập, tự chủ, lệ thuộc cả về quân sự, chính trị, kinh tế với một nước khác, vừa đồng thời trở thành kẻ thù của nước khác. Bài học lớn từ các cuộc xung đột quân sự hiện nay và với sự thấu hiểu sâu sắc những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra thì đường lối đối ngoại không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sâu sắc trách nhiệm quốc tế, lương tri, phẩm giá của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trải qua gần 40 năm, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có nhiều nước là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam có quan hệ từ cấp độ đối tác chiến lược với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là thế và lực, vị thế của Việt Nam trong thế giới đương đại, khẳng định đường lối lãnh đạo, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam đủ sức mạnh, tiềm lực quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Dĩ bất biến ứng vạn biến
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định: Thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia-dân tộc là bất biến; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược. Không tham gia LMQS nhưng Việt Nam cũng xác định: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”(*). Không tham gia LMQS nhưng Việt Nam cũng không tự cô lập, tự trói tay mình mà kiên trì tăng cường hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh.
Thực tế trong những năm qua, đối ngoại quốc phòng đã trở thành một kênh quan trọng, góp phần củng cố và phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức, khu vực trên thế giới. Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế, diễn đàn quốc phòng, quân sự đa phương khu vực, quốc tế và có đóng góp tích cực, quan trọng vào các cơ chế, diễn đàn này. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thiết lập tùy viên quốc phòng tại hơn 30 nước và đã có hơn 40 nước thiết lập tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Riêng trong năm 2023, chúng ta đã ký kết 25 văn bản, thỏa thuận hợp tác với 15 đối tác; tổ chức thành công 15 cuộc đối thoại chính sách/chiến lược quốc phòng; phối hợp với Lào và Campuchia tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất... Qua đó khẳng định vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Để giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, thời gian tới cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về chính sách quốc phòng không tham gia LMQS; xây dựng “thế trận lòng dân”, không ngừng nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại mới; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khơi thông, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, ngăn ngừa nguy cơ phụ thuộc kinh tế vào nước ngoài. Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đủ khả năng răn đe mọi âm mưu, đánh bại mọi hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, khẳng định vai trò là bộ phận quan trọng của 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng “4 không” của Đảng, Nhà nước ta.
QĐND
Có thể là hình ảnh về 8 người
Tất cả cảm xúc:
4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét