Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

NHẬN DIỆN VÀ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ QUÂN ĐỘI CỦA CÁC THỂ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY

 

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 cùng với sự phát triển bùng nổ của intenet, mạng xã hội đã đem lại những lợi ích thiết yếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ, đặc biệt là các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Email, Blog…) coi đây là “mảnh đất mầu mỡ” để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo nguyệt. Vì vậy, cần nhận diện rõ những âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để có biện pháp đấu tranh hiệu quả, là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự phát triển bùng nổ của intenet, mạng xã hội đã đem lại những lợi ích thiết yếu trong đời sống xã hội, tạo ra môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin và thâm nhập vào cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet, mạng xã hội trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống nhân loại, tác động một cách trực tiếp đến nhận thức, hành vi của mỗi con người, cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Song đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động chống phá Quân đội.

Thủ đoạn hiện nay của chúng là triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để tán phát các tài liệu, bài viết, lồng ghép các hình ảnh, tạo các video clip tuyên truyền các thông tin có nội dung xuyên tạc, nói xấu nội bộ, đả kích cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; kích động, xuyên tạc bản chất cách mạng, chức năng, nhiệm vụ quân đội, bôi nhọ lãnh đạo, chỉ huy, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nhằm tác động vào nhận thức, tình cảm, gây hoài nghi trong cán bộ, chiến sĩ về đường lối lãnh đạo của Đảng, vai trò của quân đội hiện nay. Với mục đích làm cho cán bộ, chiến sĩ dao động về tư tưởng, giảm sút niềm tin và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tiến tới thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội. Bên cạnh thủ đoạn trên, các đối tượng còn khai thác việc một số quân nhân có những phát ngôn có nội dung chưa chính xác về những vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, chống phá tạo ra những phản ứng trái chiều, phức tạp trong xã hội, tác động tiêu cực đến lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đáng chú ý, khi các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo chí đưa thông tin về các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của quân nhân, các vấn đề được dư luận quan tâm trên lĩnh vực quốc phòng như: Việc sử dụng đất quốc phòng tại một số đơn vị; những sai phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, chỉ huy quân đội... nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, tác động xấu tới tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và dư luận nhân dân đối với quân đội, làm suy giảm uy tín của quân đội; tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, chống phá.

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch tăng cường chống phá đối với quân đội, tập trung vào một số hoạt động sau:

          Thứ nhất, lợi dụng một số cán bộ Quân đội có biểu hiện thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội để xuyên tạc, chống phá. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chúng lợi dụng việc Bộ Chính trị xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao của quân đội vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước, lợi dụng các thông tin, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến quân đội do báo chí phản ánh để lồng ghép các hình ảnh, bài viết nói xấu, hạ thấp uy tín chỉ huy, tướng lĩnh và cán bộ, chiến sĩ, gây ảnh hưởng tới hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đơn cử như sau khi cơ quan chức năng xử lý sai phạm của một số lãnh đạo Học viện Quân Y và khởi tố bắt tạm giam một số cán bộ lãnh đạo Cảnh sát biển các thế lực thù địch, phần tử xấu và một số báo chí phản động nước ngoài đã phán tán nhiều thông tin, bài xuyên tạc công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, hạ thấp uy tín Quân đội, cho rằng “dù số lượng tướng tá bị Đảng xử lý kỷ luật từ 2016 đến nay sắp đặt mức ba con số nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì tham nhũng trong Quân đội đã cắm rễ sâu, rất khó phát hiện và loại bỏ” (1). Bên cạnh đó một số đối tượng xấu ngoài xã hội giả danh cán bộ cấp cao quân đội, giả mạo tài liệu, con dấu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân; mạo danh cán bộ cấp cao, nhà khoa học của quân đội để vận động thành lập “Ban liên lạc Người có công” nhằm trục lợi về kinh tế bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ, báo chí phản ánh cũng được chúng triệt để lợi dụng để tán phát tài liệu chống phá. Thâm độc hơn, chúng móc nối, chỉ đạo một số đối tượng giả danh cán bộ, chiến sĩ trà trộn vào các cuộc tuần hành, biểu tình của người dân sau đó chụp ảnh, quay video clip tán phát trên không gian mạng, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta, hô hào, lôi kéo người dân biểu tình gây ảnh hưởng tới uy tín của quân đội. 

Thứ hai, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm dễ gây bức xúc trong đời sống xã hội liên quan đến quân đội, các đối tượng tán phát tài liệu trên không gian mạng nói xấu nội bộ, lãnh đạo, chỉ huy quân đội, xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta, gây hoài nghi, bức xúc trong xã hội, tác động xấu tới tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Như lợi dụng sự việc liên quan đến đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội các đối tượng tán phát nhiều tài liệu tuyên truyền xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta, gây bức xúc và hoài nghi trong nhân dân về thực trạng quản lý, sử dụng đất quốc phòng, về vấn đề quân đội làm kinh tế và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội, tác động xấu tới tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Các đối tượng trong nhóm “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, “Câu lạc bộ Phan Tây Hồ” và một số cá nhân đã ký tên vào “Thư ngỏ” gửi Thủ tướng Chính phủ có nội dung xuyên tạc cho rằng trong quân đội có “nhóm lợi ích”, đề nghị Chính phủ tổ chức hội thảo về việc thu hồi sân golf, thu hồi toàn bộ đất quốc phòng sử dụng không đúng mục đích để phục vụ công ích.    

Thứ ba, làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá Quân đội là thủ đoạn được chúng tiến hành khá “bài bản”. Thông tin cũ được lựa chọn để “làm mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thường là những đoạn video clip hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, cán bộ được cho là “hành hung chiến sĩ”, “chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới”, các vấn đề liên quan đến dân chủ trong Quân đội, quan hệ quân dân, do chúng tạo dựng lên. Thủ đoạn của chúng là các vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng đưa ra “làm mới”; hoặc những thông tin mới, mặc dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng nhưng chúng bịa đặt, xuyên tạc, đưa ra những bình luận trái chiều làm sai lệch bản chất của vấn đề. Thời điểm tán phát để “làm mới” hoặc bịa đặt thường là trước mùa tuyển chọn, giao nhận quân, quá trình huấn luyện chiến sĩ mới, trước các sự kiện chính trị của đất nước, Quân đội. Mục đích của việc tán phát các thông tin, hình ảnh, đoạn video clip không thuần túy chỉ là sự phản ánh một vụ việc, một con người cụ thể, mà đằng sau đó là âm mưu và sự toan tính hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Họ muốn đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi trong nhân dân và thanh niên không muốn nhập ngũ vì sợ vào Quân đội sẽ bị “đánh đập tàn bạo”, sẽ trở thành những “quân oan”, hoặc tâm lý chấp nhận “ma cũ bắt nạt ma mới” trong chiến sĩ. Từ đó, gây dư luận trái chiều trong xã hội về bản chất của Quân đội ta, kích động thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, làm giảm sức mạnh chiến đấu, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Quân đội. Qua các thông tin, hình ảnh, video clip tán phát, sẽ gây nghi ngờ, làm mất đi hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm giảm niềm tin của nhân dân về môi trường Quân đội, cuối cùng là thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội. Như trước sự kiện quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê quán: Bắc Ninh) tử vong tại Trường Quân sự Quân khu 1 mặc dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân tử vong nhưng ngay lập tức các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để livestream, đăng tải các bài viết, hình ảnh về khám nghiệm tử thi, cảnh tang thương của gia đình Đô, kèm theo những bình luận phê phán mối đoàn kết, bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội. Đáng chú ý, nhiều ý kiến phân tích, bịa đặt thông tin cho rằng “cái chết của Quân nhân Đô là do bị Đại đội trưởng và đồng đội đánh đập dã mang”, “Quân đội đã bao che cho cấp dưới”; ngay sau khi có sự phản ứng của dư luận “ĐCSVN đã chỉ đạo bịt lắp truyền thông, ngăn cản người dân tố giác tội ác của Đảng, Quân đội lên mạng xã hội”, “Youtube bị nhà cầm quyền CSVN áp lực ngăn chặn một cách bất hợp pháp không cho nhiều video của Việt Tân được xem ở Việt Nam”. Từ đó chúng quy chụp “Quân đội không có tình người, đánh đạp, giết hại tàn nhẫn nhau”, “ma cũ bắt nạt ma mới”, kích động người dân không tin, không theo Đảng, Quân đội, “không cho con em mình gia nhập Quân đội”.

Thứ tư, kích động chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, móc nối, lôi kéo người trong nội bộ quân đội, cán bộ quân đội nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội. Lợi dụng việc xử lý vi phạm kỷ luật một số cán bộ cấp cao trong quân đội vừa qua, chúng chủ ý xuyên tạc công tác quản lý, giáo dục, tạo kẽ hở cho cán bộ vi phạm; dựa trên một số thông tin, tư liệu trong các sự kiện, nhân chứng chưa được làm sáng tỏ để tán phát nhiều tin, bài, video clip, phóng sự, bình luận, suy diễn, áp đặt ý kiến chủ quan gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa cán bộ, sĩ quan quân đội với cựu chiến binh, giữa cựu chiến binh với nhân chứng lịch sử; phát động phong trào đòi xét lại lịch sử dân tộc, quân đội. Tiêu biểu như: Đối tượng Phạm Thị Hoài Thương (nguyên là Nhân viên văn thư thuộc Phòng Tổ chức cán bộ, Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng) đăng tải video xuyên tạc nội dung liên quan đến tình hình chính trị trong nước; kêu gọi “dân oan, quân oan” tụ tập biểu tình ngày 19/5/2020 tại Văn phòng Tiếp công dân Trung ương (Số 1, Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) thông qua mạng xã hội, đồng thời mặc quân phục tại buổi tụ tập. Đáng chú ý, đối tượng thường xuyên đăng tải video mang quân phục nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó các thế lực thù địch còn cài đặt thiết bị thu thập thông tin tại khu vực vành đai an toàn của đơn vị quân đội; phương thức, thủ đoạn, hoạt động của chúng rất táo bạo, lợi dụng đêm tối, khu vực vắng người, xâm nhập vào khu vực vành đai an toàn của đơn vị để cài đặt các thiết bị thu tin, máy quan sát và ngụy trang kín đáo, tinh vi tránh bị phát hiện. 

Thứ năm, lợi dụng vấn đề xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh để xuyên tạc chống phá. Hiện nay, trước tình hình Đảng, Nhà nước ta tập trung xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội theo hướng hiện đại các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá (2). Như trên trang mạnh Facebook, đài Á Châu tự do có đăng bài viết với tựa đề “Sự tồn vong của Việt Nam, hiện đại hóa Quân đội”. Chúng cho rằng “Việt Nam có đầu tư cho Quân đội bao nhiêu đi nữa cũng không chịu đựng được một cuộc tấn công, dẫn tới nguy cơ tồn vong của dân tộc” (4). Đây là bài viết nhằm xuyên tạc chính sách quốc phòng, đường lối quân sự của Đảng, Nhà nước ta, gây tâm lý hoan mang trong cán bộ, chiến sỹ về thực hiện tinh giảm biên chế quân đội.

Thứ sáu, lợi dụng những vấn đề liên quan tình hình thế giới, khu vực, trong nước để kích động, xuyên tạc chống phá. Hiện nay, tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraina đang là tâm điểm của thế giới, là điểm nóng được người dân trên cả thế giới đặc biệt quan tâm, lợi dụng vấn đề này, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí lại cố tình thực hiện chiêu trò “chọc gậy bánh xe”, xuyên tạc chống phá về đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng của nước ta. Điển hình như trên facebook cá nhân của Lê Công Định, được biết đến là luật sư, đã từng bị xử lý về các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước, đã đăng tải thông tin cho rằng “Vì sao Cộng hòa XHCNVN là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, nhưng lại ngần ngại lên án cuộc xâm lược phi pháp của Nga vào Ukraina” hay trang Việt Tân một tổ chức khủng bố cũng đăng tải bài viết “lãnh đạo xứ ta làm nhục đất nước ta” kèm theo hình ảnh để xuyên tạc quan điểm của Việt Nam về chiến sự giữa Nga và Ukraina. Liên quan đến vấn đề này, ngày 12/3/2022 Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng có Công văn số 407/ĐN-CÂu về việc định hướng phát ngôn của Bộ Quốc phòng trong tiếp xúc đối ngoại với các đối tác Nga, Ukraina và với các đối tác khác. Văn bản khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraina. “Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới. Chính sách Quốc phòng của Việt Nam hiện nay luôn kiên định chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” (3)

Trước thực trạng đó, để góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ, tiếp tục giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, phòng chống đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu hoạt động chống phá Quân đội của các thế lực thù địch trên không gian mạng trong tình hình hiện nay đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung biện pháp sau đây.

 Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, Nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, ngày 19-11-2014; Thông tư số 110/2014/TT-BQP, ngày 22-8-2014, của Bộ Quốc phòng về ban hành quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam… Từ đó, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn những thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet. Mục tiêu của công tác tuyên truyền, giáo dục trong thời gian tới là cần tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị và nhất là đội ngũ cán bộ chính trị các cấp về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, những phẩm chất tốt đẹp của hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” thực sự thấm sâu vào mọi quân nhân trong đơn vị, bởi khi đã nhận thức đúng thì dù thông tin sai trái có thâm độc đến mấy cũng khó có thể tác động, lay chuyển được. Ngoài ra, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị thấy rõ và có sức đề kháng trước những âm mưu thủ đoạn, luận điệu sai trái, bới móc, thổi phồng, xuyên tạc, kích động… của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội. Xây dựng cho cán bộ chiến sỹ có lập trường tư tưởng chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt nhiệm vụ được giao, không dao động trước những thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội.

Ba là, luôn đề cao cảnh giác cách mạng cao, tích cực phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tư tưởng và hành động sai trái, xấu, độc trên internet ảnh hưởng tới tư tưởng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Mục đích của nội dung này nhằm hạn chế tối đa những tác hại của thông tin sai trái ảnh hưởng đến nhận thức của bộ đội, đồng thời củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất cao trong đơn vị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó, cần chú ý gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính trong các biện pháp đấu tranh, tạo ra sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội. Cần chú trọng kết hợp hiệu quả vừa cung cấp thông tin có tính định hướng, tính chính thống, vừa cung cấp đậm nét các thông tin mang tính chiến đấu trực diện với các quan điểm sai trái. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nắm chắc dư luận, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh, nhất là trước những vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm nảy sinh trong và ngoài đơn vị.

Bốn là, gắn chặt đấu tranh với xây dựng môi trường văn hóa, củng cố trận địa tư tưởng, chú trọng hình thành và phát triển những trang mạng mang tính truyền thống, tạo sức lôi cuốn ngày càng đông đảo quân nhân trong mỗi đơn vị truy cập, khai thác thông tin. Mục đích nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát huy vai trò của các tổ chức ở đơn vị trong nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sân khấu hóa, trò chơi thanh niên… trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, để mọi quân nhân không còn “khoảng trống” thời gian để tiếp cận những thông tin sai trái trên không gian mạng một cách tiêu cực. Tận dụng tốt việc ứng dụng các tiện ích, kỹ thuật, công nghệ, tiện ích của mạng internet để mỗi đơn vị hình thành và phát triển những trang mạng riêng có “thương hiệu”, từ đó không chỉ mọi quân nhân mà các bạn đọc ở trong và ngoài nước được chia sẻ, comment, thể hiện thái độ phản đối, đấu tranh trước các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch hoặc chia sẻ các thông tin tích cực phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện các nhiệm vụ, công tác, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày… nhằm tạo sức lan tỏa của “dòng chủ lưu” để lấy “thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trong đơn vị mình.

Năm là, xây dựng các quy chế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và đặc biệt là lực lượng nòng cốt tự giác, tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet. Môi trường quân đội có những đặc thù riêng nhất định, do vậy, để thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa nói chung và trên internet nói riêng đòi hỏi sự “chung tay, vào cuộc” không chỉ các lực lượng chuyên trách mà còn là trách nhiệm của tất cả các lực lượng cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới về hình thức, phương pháp đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Trong đó cần đặc biệt chú ý vai trò “nòng cốt” của lực lượng 47, Ban Chỉ đạo 35 các cấp tăng cường các bài viết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các quan điểm nhất quán của Đảng ta về dân chủ, nhân quyền, bảo vệ Tổ quốc... Đồng thời, chú trọng các bài viết có tính phê phán, bác bỏ từng luận điểm sai trái, thù địch. Cung cấp nhiều bài viết thể hiện tính khách quan, tính hai chiều, không né tránh những mặt trái, mặt tiêu cực. Bên cạnh đó, cần động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu trong đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đối với sự nghiệp cách mạng nước ta nói chung và Quân đội nói riêng.

Chúng ta nhận thức rõ rằng, phát triển internet trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0 là một trong những điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo nên những bước tiến đột phá trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử và các lĩnh vực xã hội khác; xây dựng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Tuy nhiên đây cũng là nơi để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Vì vậy đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ cần tỉnh táo, cảnh giác với những âm mưu thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, tiếp cận thông tin có chọn lọc, không hô hào, a dua, cổ súy cho những tư tưởng phản động, sai trái, có lập trường tư tưởng, bãn lĩnh chính trị vững vàng, phân biệt phải trái, đúng sai để có biện pháp đấu tranh, bảo vệ. Kiên quyết chống lại tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thờ ơ, vô cảm. Bằng những việc làm rất nhỏ like, chia sẽ thông tin, bình luận phản biện là góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng hiện nay./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét