Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Nhận thức về quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong tác phẩm của Tổng Bí thư

 Trên cơ sở tổng kết lý luận thời kỳ đổi mới, bằng ngôn ngữ khoa học, giàu hình ảnh, cách diễn đạt dung dị, gần gũi, dễ hiểu, tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xung quanh quan điểm về hội nhập quốc tế, tác phẩm đã làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; khái quát và xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, phương hướng và nhiệm vụ cơ bản nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng ta về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình mới.

Về cơ sở lý luận, thực tiễn của quan điểm, theo Tổng Bí thư, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống ngoại giao của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và kinh nghiệm, thực tiễn hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam(1).

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đối với quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng nói chung, quan điểm về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng.

Với tư tưởng “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới”(2), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ rằng, hội nhập với thế giới, với phong trào cách mạng trên thế giới là một trong những nhân tố làm nên thành công của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo quốc tế, gắn cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới. Hợp tác quốc tế, theo Người, chính là đoàn kết quốc tế, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(3); tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc đấu tranh giành và củng cố độc lập dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Hội nhập quốc tế phải trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Khẳng định “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”, tác phẩm đã khái quát, hệ thống hóa một cách sâu sắc nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và hội nhập quốc tế, qua đó nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn; luôn luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”(4). Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đã tạo nền tảng lý luận cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng và trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tổng Bí thư đã khái quát, phân tích quá trình phát triển tư duy lý luận, thành tựu và kinh nghiệm hoạt động hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới, coi đó là cơ sở quan trọng, trực tiếp xác định chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong giai đoạn hiện nay.

Hội nhập quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng, được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng cả về phạm vi, cấp độ và tâm thế qua mỗi kỳ Đại hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước và bối cảnh thế giới. Từ khởi đầu bằng cách tiếp cận mới về chủ trương tham gia phân công lao động quốc tế (Đại hội VI của Đảng), mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại (Đại hội VII), tới chủ trương từng bước hội nhập kinh tế khu vực, lấy hội nhập khu vực làm tiền đề để hội nhập thế giới (Đại hội XIII); không chỉ xác định “chủ động” mà còn “tích cực” hội nhập quốc tế (Đại hội X); từ việc lấy lĩnh vực kinh tế làm trọng tâm đến chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực (XI), từ hội nhập quốc tế ở mức độ thấp đến hội nhập toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả (Đại hội XIII).

Định hướng chiến lược về hội nhập quốc tế được xác định rõ trong Đại hội XII của Đảng (năm 2016): “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; tiếp tục khẳng định và mở rộng phạm vi, lĩnh vực và tính chất hội nhập quốc tế của nước ta, đó là hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa đạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước. “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(5). Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), yếu tố toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả trong hội nhập quốc tế đã được xác định rõ hơn: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(6).

Tính toàn diện thể hiện ở lĩnh vực, địa bàn, phương thức, chủ thể; trong đó gắn kết nhuần nhuyễn giữa hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập chính trị, hội nhập quốc phòng - an ninh, hội nhập văn hóa - xã hội. Tính sâu rộng thể hiện ở mức độ tham gia hội nhập, đa dạng hóa lợi ích. Tính sâu rộng còn có nghĩa  khi tiến vào trong quỹ đạo hội nhập, phải chấp nhận, cam kết tuân thủ “luật chơi”, đan xen lợi ích chặt chẽ nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các thành viên. Hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng là hội nhập đầy đủ, bao trùm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác; các tầng nấc khác nhau với các cấp độ, các hình thức; tất cả các chủ thể tham gia, hướng tới đóng góp thực chất hơn, cam kết và đan xen lợi ích cao hơn, gắn kết ngày càng chặt chẽ quốc gia với cộng đồng quốc tế. Trong đó, kinh tế là lĩnh vực đi đầu, là trọng tâm và là cơ sở vững chắc cho hội nhập trong các lĩnh vực khác, đồng thời, hội nhập trong các lĩnh vực cũng tạo ra một môi trường thuận lợi thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, sự toàn diện và sâu rộng không có nghĩa là dàn trải, thiếu nguyên tắc, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc, định hướng cụ thể, mà là có định hướng, lựa chọn, có nguyên tắc, ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, là sự kết hợp giữa bề rộng và chiều sâu, giữa lượng và chất, giữa cái chung và cái riêng; cũng không phải là sự cứng nhắc, rập khuôn, máy móc mà là sự sáng tạo, linh hoạt.

Hiện nay, Việt Nam đã tiến rất sâu vào quỹ đạo hội nhập quốc tế. Quan hệ với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, cân bằng, hài hòa, thông qua xác lập những khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược; tham gia ký kết các hiệp định song phương, đa phương không chỉ trong khu vực mà còn trên bình diện toàn cầu, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chủ động tham gia vào định hình các luật chơi, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập và phát triển trên thế giới; vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày một gia tăng, góp phần tạo lập, giữ vững, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định để phát triển của đất nước. Điều đó cho thấy, hội nhập quốc tế là một quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, phát triển, hoàn thiện cả về tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng qua từng thời kỳ.  

Từ thực tiễn phát triển tư duy lý luận cũng như thực hiện hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới, Tổng Bí thư khái quát: “Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(7), đạt được những kết quả quan trọng.

Những vấn đề lý luận, thực tiễn trên đây chính là cơ sở quan trọng để “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại…, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(8) theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Về nội hàm quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tác phẩm đã đề cập ở nhiều chiều cạnh: Hội nhập quốc tế vừa là một xu thế khách quan trong thời đại toàn cầu hóa, đang “tiếp tục tiến triển, nhưng cũng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt”(9), vừa là yếu tố tác động mạnh mẽ, xuyên suốt đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời là một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam - một “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(10).

Tuy nhiên, cách tiếp cận xuyên suốt, bao trùm trong tác phẩm là coi chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là một chủ trương, định hướng chiến lược lớn của Đảng, nhằm góp phần trả lời cho vấn đề mà Tổng Bí thư đã đặt ra ngay trong phần đầu của tác phẩm: Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Theo Tổng Bí thư, để thực hiện được mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngoài việc thực hiện thắng lợi các định hướng lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh…, chúng ta phải “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(11). Đây là một quá trình tất yếu khách quan, bởi trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, “sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó”. Hơn nữa, tính bất định, khó dự báo của cục diện thế giới và khu vực cùng với những xu thế mới đang manh nha hình thành; sự bấp bênh của môi trường kinh tế toàn cầu, sự phức tạp trong quan hệ nước lớn, sự đảo chiều, khó đoán định của những tập hợp lực lượng, với các mô hình liên minh ba bên, bốn bên… là những nhân tố mà chúng ta phải tính đến, phải thể hiện tính chủ động, tích cực khi tham gia hội nhập quốc tế.

Thực chất, tính chủ động, tích cực hội nhập quốc tế phản ánh khả năng, mức độ sẵn sàng và sự chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị các nguồn lực vật chất, tinh thần phục vụ quá trình hội nhập một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Thực tiễn hội nhập quốc tế trong những năm qua cho thấy, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, từng bước tham gia tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội quốc tế, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm, có vị trí, vai trò và ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới. Đó không chỉ là minh chứng cho sự hội nhập toàn diện, sâu rộng của Việt Nam vào đời sống quốc tế, mà còn cho thấy Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của sự hội nhập với việc bước đầu định vị vị trí của mình trong dòng chảy của tiến trình hội nhập, trở thành một bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới; xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của Việt Nam luôn phù hợp với xu thế lớn đó của thời đại. Mặt khác, giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập cũng đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, tích cực hơn.

Đối với yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tác phẩm đề cập toàn diện cả “bề rộng” và “chiều sâu” của hội nhập quốc tế, bao gồm phạm vi, mức độ tham gia và vị thế của Việt Nam trong các mặt đời sống của cộng đồng quốc tế. Theo đó, yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải vừa tham gia tất cả các lĩnh vực, ở các quy mô và phạm vi, vừa phải khẳng định vị trí, vai trò “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; có ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành và phát triển các quy tắc, luật chơi chung. Chính vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương. Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực.

Tính toàn diện, sâu rộng của hội nhập quốc tế trong tác phẩm còn đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn dân. Bởi theo Tổng Bí thư, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những lực lượng đi đầu, đồng thời, cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Do đó, cần “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”(12)đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.

Như vậy, trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, quan điểm về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng là nội dung quan trọng của công tác đối ngoại, vừa là thành quả của quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng trong hơn 35 năm đổi mới, vừa là yêu cầu cấp thiết, là định hướng chiến lược của Việt Nam trong điều kiện mới. Hội nhập quốc tế là hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có sự tham gia của nhiều chủ thể, lực lượng; đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức; bao hàm trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Song, dù ở cấp độ nào, lĩnh vực và phạm vi nào, thì vẫn luôn bảo đảm nguyên tắc đối ngoại là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(13) và “Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(14).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch_Ảnh: nhandan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét