Xin bắt đầu bằng câu chuyện dở cười dở mếu trên tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Vĩnh Hảo, từ Đồng Nai đi Bình Thuận và ngược lại. Toàn tuyến có chiều dài gần 200km, nhưng không có trạm dừng nghỉ, không có nhà vệ sinh. Báo hại hành khách đi xe, mỗi khi có nhu cầu tự nhiên thì đành phải giải quyết theo kiểu rất... “tự nhiên”.

Những ngày gần đây, một số khu vực trên tuyến cao tốc này xuất hiện nhiều nhà vệ sinh tạm bợ do người dân địa phương quây bạt, bắc thang qua lan can... để giúp hành khách có chỗ giải quyết chuyện “khó nói”. Sự xuất hiện của những công trình bất đắc dĩ cùng cảnh hành khách khổ sở leo thang đi vệ sinh, thật nhếch nhác, phản cảm.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh minh họa: VGP

Chuyện thứ hai, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vừa xây dựng, đưa vào sử dụng Công viên bờ sông Sài Gòn. Địa điểm mang vẻ đẹp lãng mạn kiểu trên bến dưới thuyền này ngay lập tức trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách. Mỗi đêm, nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, check-in, thưởng ngoạn. Thế nhưng, tìm đỏ mắt chả thấy nhà vệ sinh.

Đó là vài dẫn chứng về những công trình mới được xây dựng. Còn những dự án đã đưa vào sử dụng trước đó thì tình cảnh “khó nói” diễn ra nhan nhản.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao khi thiết kế, thi công các dự án, chủ đầu tư và chủ thầu lại “bỏ quên” công trình vệ sinh công cộng? Xét về khía cạnh phong tục, người Việt mình từ xa xưa khi làm nhà, xây đình, thường chỉ chú trọng dựng cái nhà thật to, thật đẹp, còn công trình vệ sinh thì chẳng quan tâm. Tâm lý ấy cộng với kiểu quy hoạch thiếu đồng bộ, nên việc thiếu các công trình phụ trợ đang là một bất cập. Đơn cử, dân số TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu người, chưa tính du khách, nhưng số nhà vệ sinh công cộng chỉ khoảng 200. Thiếu trầm trọng!

Nhìn ra thế giới thì thấy, các nước tiên tiến rất chú trọng vấn đề này. Thậm chí, việc thiết kế nhà bếp, nhà vệ sinh, trạm dừng chân... được coi là đẳng cấp của nghệ thuật kiến trúc.

Khắc phục những cái cũ không dễ. Nhưng các công trình mới xây dựng mà lại “bỏ quên” việc này thì khó chấp nhận. Thế nên, dù “khó nói” và nói thì có thể “khó nghe”, nhưng vẫn phải nói!

THANH KIM TÙNG

nguồn báo quân đội nhân dân