Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Phê phán các luận điệu phủ nhận thành quả dân chủ ở Việt Nam

 

Chúng ta khẳng định dứt khoát không thể chấp nhận kiểu “dân chủ” mà các thế lực thù địch muốn áp đặt cho chúng ta. Bởi lẽ, dân chủ là một phạm trù chính trị, gắn với hình thức tổ chức nhà nước của giai cấp cầm quyền. Dân chủ xuất hiện từ khi có nhà nước và mỗi nền dân chủ phải gắn với một Nhà nước nhất định, được pháp luật của Nhà nước đó quy định. Không thể có thứ dân chủ chung chung phi giai cấp, mọi luận điệu phủ nhận vấn đề này chỉ là sự xuyên tạc mà thôi. C. Mác đã từng chỉ rõ: “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”. Do đó, mọi hoạt động xã hội, kể cả dân chủ không thể đứng ngoài xã hội mà nó phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ KT, VH, XH và trình độ dân trí của xã hội đó. Nền Dân chủ tư sản cũng vậy, dù có tiến bộ hơn so với các nền dân chủ trước nó nhưng cũng không thể vượt ra ngoài nền tảng kinh tế của xã hội tư bản. Toàn bộ thiết chế của nền Dân chủ tư sản chỉ đều nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền và lợi ích của thiểu số giai cấp thống trị mà thôi. Dân chủ trong xã hội chủ nghĩa khác hoàn toàn về chất so với nền dân chủ tư sản. Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nội dung cốt lõi được xác định rõ ràng, đó là nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, nhân dân là người làm chủ xã hội. Quyền làm chủ của người dân được thực hiện trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là sự tham gia ngày càng rộng rãi của người lao động vào công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Xét về bản chất, rõ ràng dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ ưu việt hơn, mang lại quyền lợi, lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động, cho nên việc chúng ta lựa chọn nền dân chủ XHCN là đúng đắn và phù hợp ko cần phải bàn cãi.

Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là giành, giữ vững độc lập dân tộc, từng bước xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN. Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng phải có đa đảng mới có“dân chủ và phát triển”. Mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của ai và phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số đông hay số ít người trong xã hội. Cho nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội. Chính vì thế, năm 2010, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ nhân chuyến thăm quốc gia này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét