Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, chuyên đề giám sát "Việc
thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung
Quốc, Lào và Campuchia" đã giúp Ủy ban Đối ngoại cập nhật tình hình, đánh
giá đầy đủ và toàn diện việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh
thổ giữa Việt Nam và ba nước có chung đường biên giới trên đất liền, từ đó đề
xuất những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các điều ước quốc tế trong
lĩnh vực này, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác,
phát triển.
Góp phần
xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển
- Thưa ông,
Ủy ban Đối ngoại mới đây đã hoàn thành chuyên đề giám sát Việc thực hiện các
điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và
Campuchia. Đây là chuyên đề giám sát khá đặc biệt về quy mô, thời gian tiến
hành và cả địa bàn giám sát. Xin ông cho biết rõ hơn về chuyên đề giám sát này?
Trong hơn
ba năm qua, Ủy ban Đối ngoại đã triển khai chuyên đề giám sát Việc thực hiện
các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào
và Campuchia. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2022, Đoàn giám sát đã triển khai 5
đoàn khảo sát và giám sát tại 7 tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Điện
Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Năm 2023,
Đoàn giám sát đã triển khai 2 chuyến giám sát tại 10 tỉnh biên giới Việt Nam -
Campuchia (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An,
Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang), tổ chức hội nghị giám sát; họp, làm việc với
các bộ, ngành liên quan trước và sau khi giám sát thực địa. Đầu năm 2024, Ủy
ban Đối ngoại đã giám sát thực địa biên giới và tổ chức hội nghị giám sát với
10 tỉnh trên tuyến biên giới giữa Việt Nam với Lào (Điện Biên, Sơn La, Thanh
Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon
Tum).
Đây là
chuyên đề giám sát có ý nghĩa đặc biệt, lần đầu tiên được triển khai với quy mô
toàn tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với ba nước có chung đường
biên giới. Chuyên đề giám sát này đã giúp các cơ quan của Quốc hội, các đại
biểu Quốc hội cập nhật tình hình, đánh giá kết quả, hạn chế trong việc thực
hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ và công tác quản lý biên giới
trên đất liền giữa Việt Nam với ba nước láng giềng.
Các kiến
nghị, kết luận của Đoàn giám sát đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ,
ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Chuyên đề giám sát này kéo
dài hơn so với những chuyên đề giám sát khác của Ủy ban là bởi lẽ Việt Nam có
đường biên giới trên đất liền dài gần 5.000 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía
bắc, với Lào ở phía Tây và Campuchia ở phía Tây Nam, đi qua 25 tỉnh biên giới
của Việt Nam và 21 tỉnh của các nước láng giềng.
Ở một số
địa bàn, đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại thực hiện khảo sát thực địa, kiểm
tra cột mốc, đường biên giới tại từng địa phương, từng tỉnh. Thời gian tiến
hành chuyên đề giám sát kéo dài là cần thiết để Ủy ban Đối ngoại có cái nhìn
đầy đủ, toàn diện, sát thực tiễn về việc thực hiện các cái điều ước quốc tế về
biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với ba nước có chung đường biên giới trên đất
liền.
Chuyên đề
giám sát này có ý nghĩa đặc biệt bởi lẽ các vấn đề về biên giới lãnh thổ luôn
là vấn đề thiêng liêng và nhạy cảm, được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Công tác biên giới lãnh thổ rất hệ trọng, liên quan trực tiếp đến chủ quyền
biên giới quốc gia; liên quan đến hợp tác của ta với các nước có chung đường
biên giới và liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế của ta với các
nước bạn. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các điều ước
quốc tế về biên giới, lãnh thổ trực tiếp góp phần xây dựng đường biên giới hòa
bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; là cơ sở để chúng ta phát triển kinh tế -
xã hội khu vực biên giới nói riêng cũng như kinh tế - xã hội của đất nước nói
chung.
- Chuyên đề
giám sát này tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
Đến thời
điểm này, chuyên đề giám sát Việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới,
lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia đã hoàn thành, với ba
nội dung giám sát chính: giám sát bằng văn bản dựa trên báo cáo của các bộ,
ngành, các địa phương có liên quan; làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa
phương có liên quan và giám sát/khảo sát thực địa.
Đoàn giám
sát đã rà soát các Điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với ba
nước có chung đường biên giới trên đất liền; rà soát việc ban hành văn bản quy
phạm pháp luật về biên giới lãnh thổ và các văn bản nhằm tổ chức, triển khai
các Điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với ba nước; đánh giá
việc tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phối hợp trong tổ chức thực hiện các
Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan
và các tỉnh có đường biên giới chung với ba nước; đánh giá vai trò, hoạt động
và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc chỉ đạo phối hợp, đôn đốc,
giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới; đánh giá kết quả công tác
phân giới cắm mốc; công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới trên thực tế
theo quy định của các Điều ước quốc tế; đánh giá các vi phạm đối với các văn
kiện về biên giới trên đất liền và tình hình giải quyết các vi phạm này trên
tuyến biên giới Việt Nam với các nước; đánh giá công tác quản lý qua lại biên
giới của người dân, phương tiện và hàng hóa; công tác phối hợp với các nước có
chung đường biên giới nhằm duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự trên vùng biên
giới; công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ đường biên giới.
- Qua giám
sát, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới,
lãnh thổ giữa Việt Nam với ba nước có chung đường biên giới trên đất liền với
nước ta?
Về cơ bản,
việc thực hiện các Điều ước về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc,
Lào và Campuchia đã được thực hiện tốt trên một số phương diện chính. Cụ thể,
công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong
công tác biên giới lãnh thổ được triển khai kịp thời, quyết liệt và tới tận cơ
sở. Trong quan hệ với các nước bạn, đặc biệt là trong công tác phân giới cắm
mốc, ta đã cơ bản hoàn thành với Trung Quốc; với Lào đã hoàn thành ở giai đoạn
hai là tăng dày và tôn tạo các mốc giới; với Campuchia, hai bên đã thống nhất
phân giới cắm mốc và hoàn thành được 84% đường biên giới trên đất liền. Như
vậy, cơ bản công tác biên giới được thực hiện tương đối tốt với các Điều ước về
biên giới lãnh thổ. Công tác quản lý đường biên, mốc giới trên thực địa cũng cơ
bản được thực hiện tốt.
Tình hình
biên mậu nhìn chung được duy trì, ngoại trừ trong thời gian xảy ra đại dịch
Covid-19, trên các tuyến biên giới, hoạt động giao thương bị ảnh hưởng, nhất là
hoạt động xuất nhập cảnh bị ảnh hưởng đáng kể; các hoạt động khác diễn ra bình
thường. Ở một số khu vực biên giới, tại các cửa khẩu quốc tế, hoạt động xuất
nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng được thực hiện bài bản và từng bước
hiện đại hóa.
Công tác
quản lý an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới đã được lực
lượng chức năng của ta và các lực lượng chức năng của các nước bạn đặc biệt
quan tâm, không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà ngay cả khi chưa có dịch hoặc
sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Có thể nói đây cũng là một trong
những điểm sáng trong công tác biên giới của chúng ta.
- Ông đánh
giá thế nào về sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng của nước ta với các
nước có chung đường biên giới với Việt Nam trong thời gian qua?
Ở các cấp
cơ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các nước bạn
trong công tác biên giới nói chung và trong thực hiện các Điều ước quốc tế về
biên giới lãnh thổ. Chính quyền địa phương cũng như là các cơ quan chức năng,
trực tiếp là Bộ đội Biên phòng đã có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với
các cơ quan chức năng và chính quyền của phía bạn thông qua rất nhiều cơ chế
khác nhau như: các cơ chế giao ban, trao đổi thông tin thường xuyên; cơ chế
trao đổi thông tin khi có sự kiện biên giới; cơ chế tuần tra chung; các hình
thức giao lưu hữu nghị, kết nghĩa giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng biên
phòng, lực lượng chức năng phía bạn; hay về mặt chính quyền thì có cơ chế kết
nghĩa ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và thậm chí là cấp thôn, bản… Tất cả các cơ
chế này giúp tạo nên các hình thức phối hợp thường xuyên, khá chặt chẽ giữa ta
với các nước bạn, tất nhiên là ở mỗi nơi thì tính chất và mức độ phối hợp có sự
khác biệt.
Sẽ tái giám
sát để công tác biên giới lãnh thổ ngày càng tốt hơn
- Từ chuyên
đề giám sát cho thấy có những khó khăn, hạn chế gì trong việc thực hiện các
điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ giữa ta với ba nước láng giềng trong
thời gian qua, thưa ông?
Qua giám
sát, chúng tôi thấy rằng, mặc dù việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên
giới, lãnh thổ giữa ta với Trung Quốc, Lào và Campuchia đã đạt được rất nhiều
kết quả tích cực, song bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
Cụ thể, việc phân giới cắm mốc chưa hoàn thành được ở một số khu vực; việc quản
lý đường biên, mốc giới ở một số khu vực còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù địa
bàn, ví dụ là ở những vùng núi, rẻo cao của Tổ quốc, không có người dân sinh
sống, đường sá đi lại khó khăn dẫn tới những khó khăn chung cho các lực lượng
chức năng trong việc tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Ở một số
khu vực đường biên, mốc giới có sự thay đổi vì nhiều lý do: địa hình, khí hậu,
thời gian… Một số khu vực đường biên giới ở sông suối thì cột mốc hoặc các cọc
dấu có thể bị thay đổi do xói mòn, sạt lở hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Đoàn
giám sát thấy rằng, cần quan tâm hơn nữa tới các biện pháp gia cố để giữ vững
đường biên, cột mốc.
Về công tác
quản lý đường biên giới, nhìn chung đã được lực lượng chức năng của chúng ta
triển khai quyết liệt, tuy nhiên lực lượng còn rất mỏng, đường biên giới thì
dài, đường tuần tra biên giới xuống cấp, chưa được đầu tư tương xứng và phương
tiện quản lý biên giới chưa được đổi mới kịp thời.
Cũng qua
giám sát cho thấy, việc phát huy vai trò của các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu
quốc tế, cửa khẩu chính trong thúc đẩy giao thương, giao lưu nhân dân ở một số
khu vực còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do một số nội dung của các
Điều ước quốc tế quy định chưa rõ hoặc đã quy định nhưng chưa được cụ thể hóa.
Đơn cử, vấn đề đi lại qua biên giới đối với cư dân ở khu vực biên giới đã được
quy định trong các điều ước quốc tế giữa ta với các nước láng giềng.
Theo đó,
hai bên thống nhất việc cấp giấy chứng nhận nhằm tạo thuận lợi cho cư dân ở khu
vực biên giới của hai nước qua lại giữa hai bên, nhưng trên thực tế, quy định
này lại chưa cụ thể hóa là mẫu giấy chứng nhận để một bên công nhận là như thế
nào. Hay liên quan tới vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, thực tiễn
cho thấy đời sống của một bộ phận cư dân ở khu vực biên giới, nhất là người
đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới mức độ gắn bó của
nhân dân biên giới với khu vực biên giới đây đó còn có mức độ. Xuất phát từ
thực tế này, Đoàn giám sát cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa tới
phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới để bà con khu vực biên giới yên
tâm bám đất, bám nương để nhân dân biên giới thực sự là những “cột mốc sống”,
là lực lượng tại chỗ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.
- Từ những
thực trạng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia mà Đoàn giám sát
thấy được qua chuyên đề giám sát, Ủy ban Đối ngoại đã đưa ra những kiến nghị
chính sách gì, thưa ông?
Báo cáo
giám sát đã đưa ra một số nhóm kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính
phủ và các bộ, ngành, địa phương: Nhóm kiến nghị thứ nhất là cần tăng cường
nguồn lực đầu tư, nhất là các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế
- xã hội khu vực biên giới, quan tâm trực tiếp đến người dân sống ở khu vực
biên giới. Nhóm kiến nghị thứ hai là tăng cường đầu tư cho các công trình biên
giới như: đường tuần tra biên giới, hệ thống đường biên - mốc giới, các kè sông
suối... để bảo đảm sự ổn định, vững chắc của đường biên và mốc giới. Nhóm kiến
nghị thứ ba liên quan đến việc phát huy vai trò, chức năng của các cửa khẩu,
cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu chính… để các cửa khẩu thật sự là
những cửa ngõ thông thương, thúc đẩy trao đổi thương mại phát triển, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới. Ở
đây có cả vấn đề về chính sách liên quan đến qua lại cho không chỉ cư dân biên
giới mà còn các hoạt động xuất nhập cảnh nói chung. Nhóm kiến nghị thứ tư là
đổi mới, tăng cường trang bị thiết bị hiện đại cho các lực lượng trực tiếp làm
công tác quản lý biên giới. Đây cũng là nội dung rất cần thiết để bảo đảm đường
an ninh, trật tự biên giới. Đường biên giới của chúng ta rất dài, vì vậy, nếu
quản lý theo cách truyền thống thì sẽ ngày càng khó hơn và chắc chắn sẽ cần
những trang thiết bị hiện đại hơn để thực hiện quản lý biên giới, bảo vệ đường
biên, mốc giới hiệu quả hơn.
Tới đây, Ủy
ban Đối ngoại cũng sẽ xin chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục
có các hoạt động "hậu giám sát", nhằm tiếp tục giám sát việc thực
hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ
đường biên giới cũng như việc thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới trên
đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đối với những hạn chế, tồn tại
mà Đoàn giám sát đã phát hiện, các cơ quan đã thống nhất đây là những vấn đề
cần phải giải quyết thì sau khi Đoàn giám sát kiến nghị với Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Đối ngoại sẽ tái giám
sát để tiếp tục đánh giá xem những vấn đề đó đã được giải quyết như thế nào;
các giải pháp, kiến nghị đã được thực hiện như thế nào; khó khăn, vướng mắc ở
đâu để tiếp tục có giải pháp tháo gỡ. Thông qua đó, các địa phương, đơn vị có
liên quan có các biện pháp tuyên truyền cần thiết tới cấp ủy, chính quyền, Nhân
dân để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở, để bảo đảm
thực hiện thống nhất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác biên giới
lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới với ta
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét