Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một chức năng cơ bản, nhiệm vụ vẻ vang, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều đó đã được lý luận khẳng định, thực tiễn chứng minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Nhưng với mưu đồ chống phá thâm độc, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận. Đây là vấn đề không mới nhưng rất nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
Từ lâu, các thế lực thù địch, phần tử bất đồng
chính kiến, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách chống phá, hòng làm suy yếu Quân
đội - công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung
thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thời gian gần đây, lợi dụng chủ
trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề
vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại, các đối tượng này mở màn “ca tụng”, “khen ngợi”, bày tỏ sự
“đồng thuận”, “nhất trí cao” rồi “hiến kế”, “đề xuất”: “Đất nước đã phát triển
có đủ tiềm lực kinh tế đầu tư cho quốc phòng, cho xây dựng Quân đội hiện đại,
vì thế đã đến lúc Quân đội không cần phải tham gia lao động sản xuất, không cần
kết hợp quốc phòng với kinh tế nữa mà tập trung bảo vệ Tổ quốc”, “Để tinh, gọn,
mạnh, hiện đại như mục tiêu đã xác định thì Quân đội tập trung vào xây dựng lực
lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không tham gia làm kinh tế”… Họ còn tỏ
ra “lo lắng” khi Quân đội “Tham gia làm kinh tế không xứng với vị thế của một
đội quân chính quy, hiện đại”. Thâm hiểm hơn chúng bới móc hạn chế, sai phạm
của một số tập thể, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật, rồi quy chụp, phủ nhận thành
quả tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội và “phán” rằng: “Vì tham
gia làm kinh tế nên Quân đội mất cán bộ, giảm sút lòng tin của Nhân dân”!
Những luận điệu xảo biện đó không công kích
trực diện mà núp bóng tinh vi dưới vỏ bọc “ý kiến đề xuất”, “đóng góp tâm
huyết” nên đã làm một số quần chúng do hiểu biết hạn chế, nhận thức giản đơn về
chính trị ngộ nhận, từ đó bình luận, chia sẻ trên các trang cá nhân mạng xã
hội, vô tình tiếp tay cho chúng.
Nhìn nhận một cách hệ thống, chúng ta thấy,
thực chất của các luận điệu trên vẫn chỉ là chiêu trò “bình mới, rượu cũ”. Bản
chất phía sau vẫn là dã tâm mà chúng không hề từ bỏ là chống phá Quân đội,
chống phá đường lối của Đảng. Mục đích chúng hướng đến là xuyên tạc, phủ nhận
chức năng “đội quân lao động sản xuất”, sâu xa hơn xuyên tạc bản chất cách
mạng, bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân và truyền thống
tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam; xuyên tạc chủ trương kết hợp kinh tế
với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng. Đặc biệt, chúng hướng lái, cổ
súy cho việc xây dựng Quân đội theo kiểu quân đội nhà nghề của các nước phương
Tây. Đây là ý đồ hết sức thâm độc, được ngụy trang rất tinh vi, nhằm thẩm thấu
vào tư tưởng của cán bộ, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến
sĩ lực lượng vũ trang, gây tâm lý hoài nghi, nhận thức không đầy đủ, sai lệch
về chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta.
Để thấy rõ tính chất phản động, sự xuyên tạc
trắng trợn, lố bịch của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ tham gia
sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội và chủ trương kết hợp kinh tế với quốc
phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, cần nghiên cứu, nhận thức vấn đề này
một cách thấu đáo, khách quan, khoa học cả về lý luận và thực tiễn.
Phải khẳng định rằng, kết hợp kinh tế với quốc
phòng, quốc phòng với kinh tế là quy luật tất yếu khách quan đối với mọi quốc
gia. Đối với nước ta, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh
tế và Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây
dựng đất nước là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong mọi giai đoạn
cách mạng. Quan điểm đó được hình thành trên cơ sở lịch sử truyền
thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, từ những bài học quý về
chính sách “ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh” của ông cha ta và
xuất phát từ lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế với
quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; về quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản.
Quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân
chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Lao động sản xuất là
một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội được xác lập từ ngày đầu thành lập,
thể hiện rõ đặc trưng, bản chất, truyền thống của đội quân từ nhân dân mà ra,
vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ và là điểm khác biệt căn bản với
quân đội tư sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham gia sản xuất là một
nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”1. Và trên
thực tế, “nhiệm vụ vẻ vang” đó luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo chặt chẽ, thống nhất; Quân đội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả.
Nhìn lại chặng đường gần 80 năm xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nắm vững và hoàn
thành xuất sắc chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao
động sản xuất” mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó. Đối với chức
năng “đội quân lao động sản xuất” được toàn quân thực hiện bằng nhiều hình
thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng. Trong kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quán triệt quan điểm “vừa kháng chiến, vừa
kiến quốc” của Đảng, các đơn vị Quân đội vừa chiến đấu, vừa tích cực tăng gia,
sản xuất cải thiện đời sống, đảm bảo cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Các “công
binh xưởng” được thành lập và đã sản xuất hàng triệu tấn vũ khí, trang bị, đáp
ứng yêu cầu xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh nhân dân. Sau
thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện
chủ trương của Đảng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội chuyển sang làm nhiệm
vụ lao động, sản xuất, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa đem lại nhiều thành
quả quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội tích cực
tham gia xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đồng thời, đẩy mạnh sản xuất xây
dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần trên chiến trường miền Nam, tạo nguồn vật
chất tại chỗ to lớn đảm bảo cho tác chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ
đại của dân tộc.
Đất nước thống nhất, Hội nghị lần thứ 24 Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ cách
mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; trong đó xác định: “Các lực lượng vũ trang,
kể cả các đơn vị thường trực, phải tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây
dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện chế độ nghĩa vụ
quân sự đối với tất cả trai tráng và chế độ Quân đội tham gia xây dựng kinh tế”2.
Đến Đại hội IV (tháng12/1976), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Trong hoàn cảnh
một nước nghèo lại vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài, thì các
lực lượng vũ trang, ngoài nghĩa vụ luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, còn phải
tích cực làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ
thuật của chủ nghĩa xã hội”3. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân
đội đã xung kích trên mặt trận hàn gắn vết thương chiến tranh, tham gia củng
cố, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sát
cánh cùng toàn dân đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong giai đoạn mới, tư duy của Đảng về kết
hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và Quân đội tham gia lao
động sản xuất, xây dựng đất nước tiếp tục được nhất quán khẳng định qua các kỳ
Đại hội. Tại Đại hội VI (12/1986), Đảng ta chỉ rõ: “Từng bước phát triển công
nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ
sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy
động một phần lực lượng Quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc
phòng vào việc xây dựng kinh tế”4; “Toàn dân xây dựng đất nước và
bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”5,
v.v.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng,
Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy
chế, quy định về nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế để lãnh đạo, chỉ
đạo toàn quân thống nhất tổ chức thực hiện. Đáng chú ý là: Nghị quyết số
71/ĐUQSTW, ngày 25/4/2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quan ủy Trung
ương) “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới -
tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị
quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo nhiệm
vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”;
Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản
xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”, v.v.
Theo đó, việc thực hiện chức năng “đội quân
lao động sản xuất”, tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ngày càng
đi vào chiều sâu, phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh
tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới. Nổi bật
là, Quân đội đã phát huy vai trò xung kích trong tham gia xóa đói giảm nghèo,
phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn
dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược, vùng
sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Các đơn vị Quân đội đã chủ trì phối hợp với
các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tổ chức xây dựng hàng chục khu kinh tế -
quốc phòng, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn hộ dân, hình thành các điểm, cụm
dân cư trên vành đai biên giới, khu vực xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới
trên các địa bàn, hướng chiến lược của đất nước. Các doanh nghiệp Quân đội
không ngừng phát triển, hội nhập, xung kích thực hiện các dự án kinh tế - xã
hội kết hợp quốc phòng, an ninh, nhất là ở địa bàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp
Quân đội khẳng định được thương hiệu, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế
quốc dân và là lực lượng dự bị mạnh về quốc phòng. Ngành công nghiệp quốc phòng
làm chủ nhiều công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, hiện đại, đóng góp tích cực vào
xây dựng Quân đội từng bước hiện đại và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Các đơn vị thường trực, sự nghiệp công lập tích cực tăng gia, sản
xuất và làm một số dịch vụ theo quy định, tạo nguồn thu trực tiếp cải thiện đời
sống bộ đội, tham gia có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói,
giảm nghèo, xây dựng tiềm lực hậu cần trên địa bàn đóng quân, v.v.
Như vậy, cả phương diện lý luận và thực tiễn
cho thấy: Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là tất yếu khách quan,
phù hợp với quy luật và điều kiện Việt Nam. Đặc biệt, kết quả đạt được trên
“mặt trận lao động sản xuất” là thực tiễn sinh động khẳng định chủ trương đúng
đắn của Đảng, Nhà nước trong việc huy động Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng
kinh tế. Đồng thời, khẳng định ý thức, trách nhiệm chính trị, quyết tâm cao của
Quân đội ta trong việc quán triệt, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, thực hiện
chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặc dù còn một số khuyết điểm, hạn chế do những
nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, nhưng đó chỉ là cá biệt, “con sâu làm
rầu nồi canh”. Thực tiễn hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội và
những kết quả đạt được là minh chứng sắc bén nhất vạch trần
thủ đoạn lập lờ đánh đồng hiện tượng với bản chất, bác bỏ luận điệu xuyên
tạc vô lối, phản khoa học của các thế lực thù địch.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều vận hội, thời
cơ thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế đất nước không ngừng
phát triển và đạt những thành tựu to lớn. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà
nước tăng cường đầu tư cho quốc phòng, xây dựng Quân đội. Tuy nhiên, nước ta
vẫn ở nhóm các nước đang phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế mà Đảng
ta chỉ ra ngày càng bộc lộ rõ; sức chống chịu của nền kinh tế trước những tác
động bất lợi còn hạn chế. Nhu cầu đầu tư cho phát triển nói chung, cho xây dựng
Quân đội nói riêng đòi hỏi rất lớn trong khi nguồn lực kinh tế đất nước còn có
hạn. Trước bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, Quân đội vừa làm tròn vai trò nòng cốt
bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước;
đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng “đội quân lao động sản
xuất”, tham gia có hiệu quả vào phát triển kinh tế, tạo nguồn lực xây dựng đất
nước. Mặt khác, cần thấy rằng, Quân đội tham gia lao động sản xuất không chỉ có
ý nghĩa về kinh tế, tạo ra nguồn của cải vật chất, góp phần tăng cường tiềm lực
đất nước, mà “mặt trận lao động sản xuất” còn là môi trường để cán bộ, chiến
sĩ, nhất là thế hệ trẻ được thử thách, rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người quân
nhân cách mạng, bồi đắp tình yêu lao động, tinh thần tự lực tự cường, ý thức
cần, kiệm, liêm, chính; tăng cường gắn kết tình đồng chí đồng đội, v.v. Qua đó,
giúp họ trưởng thành, phát triển toàn diện, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ huấn
luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một thực tế nữa không thể phủ nhận
là, thông qua thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ
Hồ” thêm ngời sáng, mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân càng thêm bền chặt,
niềm tin yêu của Nhân dân dành cho Quân đội càng được nâng cao. Bởi vậy, dù
ngụy biện thế nào thì luận điệu “đến lúc Quân đội không cần phải tham gia lao
động sản xuất” hay “tham gia xây dựng kinh tế làm giảm sút lòng tin của nhân
dân” là hoàn toàn lố bịch, không thể chấp nhận được.
Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là chức
năng cơ bản, nhiệm vụ vẻ vang, đặc trưng bản chất cách mạng, truyền thống tốt
đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tiếp tục nắm
vững và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đó không chỉ là mệnh lệnh, trách
nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội
nhân dân Việt Nam. Đó là hành động thiết thực nhất để phản bác, đập tan mọi
luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch bảo vệ quan điểm, đường
lối của Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị thực hiện
thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “sớm đưa nước
ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, xây dựng Quân
đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội
cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và tô thắm thêm bản chất, truyền
thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội
quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới.
Xứng đáng là Đội quân công tác.
Trả lờiXóa