Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

TÌNH ĐỒNG CHÍ, MỘT BẢN SẮC VĂN HÓA BỘ ĐỘI CỤ HỒ


Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là một phần của văn hóa quân sự Việt Nam đã làm sáng đẹp văn hóa dân tộc. Trong văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, tình đồng chí, tình đồng đội phát triển thành sản phẩm văn hóa phi vật thể, là thành tố quan trọng được ví như chất keo và động lực để xây dựng tinh thần đoàn kết và là sức mạnh tinh thần trong xây dựng Quân đội.
Tình đồng chí, tình đồng đội trong Quân đội ra đời gắn chặt với phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở kế thừa lịch sử và truyền thống văn hóa dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Với đặc thù đất nước thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm nên tình đồng đội trong quân đội khởi nghĩa của các triều đại phong kiến đã được xác lập và khẳng định qua các cứ liệu lịch sử. Điển hình nhất là Hội thề Lũng Nhai của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra vào đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416), trước khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra hai năm. Tại hội thề này, Lê Lợi cùng 18 người thân tín nhất tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em. Theo “Văn bản Hội thề Lũng Nhai-khảo đính và luận giải”, PGS, TS Nguyễn Minh Tường ghi lại nội dung lời thề: “Nếu như thần là Lê Lợi, cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến, 19 người, muốn theo đường khác, cầu ơn trước mắt, tối tăm quên nhau, không cùng một lòng, bỏ lời thề ước son sắt, thì bọn thần cúi xin: Trời đất cùng các vị thần linh giáng xuống trăm tai ương tự mình cho đến nhà mình...”. Tình huynh đệ của nghĩa quân Lam Sơn đã được thể hiện rõ nét khi Lê Lai đóng giả làm Lê Lợi, chấp nhận hy sinh để cứu chủ tướng trước sự vây ráp của giặc Minh sau ngày phát động khởi nghĩa không lâu.
Sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã viết những lời văn thống thiết mà đầy hào khí: “Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Cũng trong tác phẩm văn học bất hủ này, Nguyễn Trãi cho rằng, nhờ có sự đoàn kết “bốn cõi một nhà” và tinh thần “tướng sĩ một lòng” mà nghĩa quân Lam Sơn thoát được tình cảnh: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội” để lớn mạnh, đủ sức kháng chiến chống quân Minh mạnh hơn gấp nhiều lần.
Trong lịch sử cách mạng của Đảng, từ thập niên 1930, tình đồng chí đã được xây dựng trong các đội Xích vệ đỏ, Đội du kích Bắc Sơn, các đội Cứu quốc quân. Mối quan hệ keo sơn này được thể hiện qua sự gắn bó giữa các đội viên trên cơ sở đoàn kết hướng tới mục tiêu, lý tưởng cao nhất là đánh đuổi thực dân Pháp, giữ yên xóm làng, giành độc lập, tự do. Để hoàn thành mục tiêu ấy, việc tổ chức được đặc biệt chú trọng. Tại trang 53 và 54 cuốn "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 1974 có ghi, sau khi thành lập vào ngày 14-2-1941, các đội viên Đội du kích Bắc Sơn đã nêu cao tinh thần cứu nước và ý thức kỷ luật trong thực hiện lời thề danh dự: "Không phản Đảng/ Tuyệt đối trung thành với Đảng/ Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh/ Không hàng giặc/ Không hại dân".
Tình đồng chí keo sơn ngày càng phát triển qua tháng năm. Càng bị địch khủng bố, vây ráp thì tình đồng chí càng được củng cố bền vững hơn. Lịch sử ghi lại Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22-12-1944) tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) có một chi tiết khá thú vị. Ngoài tuyên thệ lời thề do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn thảo thì các đội viên và đại biểu cùng dự bữa cơm không rau, không muối cạnh đống lửa bập bùng của mùa đông giá lạnh thể hiện sự đồng cam cộng khổ.
Trải qua thời gian, thử thách chiến đấu, nhất là từ sau khi thực dân Pháp núp bóng quân đồng minh thực hiện mưu đồ đô hộ, cai trị Việt Nam và toàn cõi Đông Dương thì tình đồng chí, tình đồng đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam càng được thể hiện rõ nét và đã đi vào thơ ca, đặc biệt là từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (ngày 19-12-1946).
Một trong những tác phẩm văn học thể hiện tình đồng chí keo sơn đậm đặc là thi phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu sáng tác năm 1948. Ngôn từ, vần điệu của bài thơ dù giản dị, trung thực, chân chất, mang bản sắc nông dân Việt Nam nhưng đã tạo nên những rung cảm vượt ra ngoài sự ước lệ, mang đến cảm xúc thực sự cho người đọc.
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh không chỉ thể hiện ở cách xưng hô, hỗ trợ nhau vượt khó khăn thử thách, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, nhường cơm sẻ áo mà còn thể hiện ở chi tiết nhận việc khó về mình, thậm chí chấp nhận hy sinh và nhường phần sống cho bạn.
Tôi từng tìm hiểu về đời tư cá nhân Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác khi ông còn sống và thấy được tình đồng đội ngay trong đời sống hôn nhân vốn dĩ được xem là góc riêng tư bất khả xâm phạm. Trong cuộc chiến đấu gian khổ của các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác, sau khi vợ ông hy sinh và để lại con nhỏ, một nữ chiến sĩ dưới quyền ông có chồng hy sinh đã tình nguyện chăm con thay người đã khuất. Cuối cùng, họ kết hôn rồi có thêm những người con chung. Họ đã sống với nhau hạnh phúc đến lúc rời xa cõi tạm.
Tình đồng chí, đồng đội của Bộ đội Cụ Hồ đã vượt qua cả tâm lý sợ hãi. Tôi từng gặp nhiều cựu chiến binh và được nghe họ kể lại lúc nhặt thi thể đồng đội hy sinh không còn nguyên vẹn và trong những tình thế vô cùng hiểm nghèo nhưng họ vẫn quyết đưa về an táng, không để bị thất lạc.
Viết đến đây, tôi lại nhớ lời kể của ông Vũ Văn Kim, hiện là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Bắc Ninh và đang sống tại xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về tình đồng đội của các tù binh nhà tù Phú Quốc, nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Khi việc thủ tiêu tên chỉ điểm không thành do bị lộ thông tin và bị địch ngăn chặn, dù biết những đòn tra tấn dã man đang chờ đợi nhưng ông Vũ Văn Kim vẫn nhận hết trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với các hình thức tra tấn thân xác, tinh thần như thời trung cổ.
Tình đồng chí, đồng đội đi vào lời ca tiếng hát đã hun đúc ý chí của người lính và thổi bùng ngọn lửa cách mạng. Một trong những bài hát tôi vô cùng yêu thích là nhạc phẩm “Bài ca người lính” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Mỗi lần bộ đội sinh hoạt, lời bài hát đó lại vang lên rạo rực:
“Một thời đầy gian lao,
Chân bước trong chiến hào,
Nhìn đồng đội yêu sao,
Chia nhau từng giây sống.
Ta chia nhau hiểm nguy,
Đường dài dìu nhau đi,
Ta chia nhau chiến công,
Và nhường mền đêm đông,
Ta đi qua chiến tranh vẫn tươi nụ cười”.
Trong hòa bình, tình đồng chí, đồng đội của người lính tiếp tục được bồi đắp, làm sáng đẹp hơn hình ảnh và văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Đó không chỉ là hoạt động của các tổ chức hội cựu chiến binh và cựu quân nhân ở các địa phương giúp đỡ thương binh, bệnh binh, mong họ có cuộc sống, thu nhập ổn định; giúp thân nhân liệt sĩ có việc làm và hỗ trợ Bà mẹ Việt Nam anh hùng... nhiều cựu chiến binh còn gom góp những đồng tiền lao động cực nhọc, bỏ sức lực đã cạn kiệt để vào chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ.
Trong các đơn vị Quân đội, tình đồng chí, tình đồng đội được thể hiện sinh động trong huấn luyện, lao động, công tác; trong thực hiện các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" thông qua việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội hoặc "Ngôi nhà 100 đồng". Tình đồng chí, tình đồng đội cũng được thể hiện qua việc đóng góp cho nhau sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm để cùng tiến bộ, trưởng thành...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là sự chi phối của vật chất, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân và cả do nhận thức cảm tính nên có lúc, có nơi, tình đồng chí, tình đồng đội chưa được thể hiện đầy đủ và cao đẹp như vốn có của nó. Rất may, đó là những hiện tượng đơn lẻ và không ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.
Tình đồng chí, tình đồng đội thiêng liêng, nét đặc sắc trong văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã được chứng minh trong thực tiễn. Nó sẽ mãi mãi được gìn giữ, là thước đo, chuẩn mực đạo đức và chất keo gắn kết tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo nên sức mạnh để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại./. #HB
Tác giả: Đại tá, TS Nguyễn Đức Độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét