Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam

 

Tin và đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng thấu hiểu đặc tính “mở” của hệ thống lý luận ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tiếp thu theo lối giáo điều, sách vở, không bị trói buộc trong cái “vỏ” ngôn từ mà nắm lấy “cái thần”, cái “linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác - Lênin là phép duy vật biện chứng. Nắm vững nguyên tắc thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người nhận thức rõ sự khác biệt giữa xã hội Việt Nam và xã hội phương Tây nên đã khẳng định: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.

Sau này, Người nói rõ hơn: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt Vô sản thế giới liên hiệp lại mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng... Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải ở đâu người ta cũng làm cộng sản, cũng làm Xô viết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ít khi nói đến các khái niệm, phạm trù hay quy luật của triết học Mác - Lênin, nhưng Người vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách rất linh hoạt và từ chính thực tiễn đó, Người rút ra nhiều kết luận mang tầm chân lý nhưng lại rất dễ hiểu để bổ sung, làm giàu cho chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tư duy sáng tạo, Người đã phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên một loạt vấn đề căn cốt của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bằng cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành dòng chảy tiếp nối chủ nghĩa Mác - Lênin trong một thời đại mới và không gian mới. Sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Người đã làm cho học thuyết Mác - Lênin được “Việt Nam hóa”, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Người cũng giúp dân tộc ta thoát khỏi tâm lý thụ động để phát huy truyền thống tự lực, tự cường và nhờ đó, cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại. Người đã để lại bài học lớn: Chủ nghĩa Mác - Lênin là “kim chỉ nam” cho hành động cách mạng nhưng không phải là khuôn mẫu, là “linh đan kê sẵn”; nếu biến lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thành “kinh thánh” và công thức sáo mòn thì tức là đã gạt bỏ nó ra khỏi thực tiễn không ngừng biến đổi. Vì thế, người trung thành nhất phải là người sáng tạo nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét