Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng

 Nhận diện chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Trong sự nghiệp đó, cảnh giác và chống chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng là một chủ đề tư tưởng lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, thì di sản tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự.  

Chủ nghĩa cơ hội chính trị và những kẻ cơ hội chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tên là “chủ nghĩa cơ hội”, “bọn hoạt đầu”(1) (vốn là một từ Hán - Việt, để chỉ biểu hiện tư tưởng của một tập hợp những kẻ giảo hoạt, vô nguyên tắc về chính trị và chỉ giỏi xoay xở kiếm lợi cá nhân). Họ không giữ vững lập trường giai cấp, không có chính kiến, vô nguyên tắc trong hành động, thường biện minh cho tư tưởng hoặc hành vi sai lầm bằng cái gọi là “linh hoạt”, “vì mục tiêu chung”, “vì lợi ích chung”,...; nhưng xét đến cùng, là gây hại cho cách mạng, làm hại uy tín chính trị của Đảng. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ngang bằng với cuộc đấu tranh chống những kẻ thù lớn của cách mạng. Đó là “... những cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ mà các đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin trên thế giới đã trải qua nhằm chống lại chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cơ hội”(2).

Đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội chính trị là tồn tại trong nội bộ, xuất hiện từ những phần tử không vững vàng về lập trường, lý luận chính trị. Nguyên nhân của thực trạng trên là do tổ chức “... kỷ luật không nghiêm, tổ chức không khéo, để tụi hoạt đầu xen vào nhiều quá”(3). Kinh nghiệm xây dựng Đảng trong quá trình cách mạng và gần 4 thập niên đổi mới gần đây cũng xác nhận một vấn đề rằng, những kẻ cơ hội chính trị bị vạch mặt chính là những phần tử đã lợi dụng cơ hội để luồn lách vào những vị trí, cương vị trong Đảng.

Chủ nghĩa cơ hội chính trị được lý luận phân thành hai loại là tả khuynh và hữu khuynh. Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh về chính trị thường có các biểu hiện, như bốc đồng, say sưa với những thành tựu hay bước tiến của cách mạng, thường đề ra những mục tiêu, chương trình vượt quá điều kiện thực tế. Kết cục là nhân lực, vật lực và thời cơ đều bị hao phí. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh lại thường xuất hiện khi cách mạng gặp khó khăn; vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trước sự khó khăn, những người phạm... chủ nghĩa cơ hội thiếu đầu óc sáng suốt và thiếu năng lực khắc phục khó khăn, vì họ không biết dựa vào quần chúng và dựa vào Đảng, hoặc là họ không tin vào quần chúng, và không tin vào Đảng”(4). Trong trường hợp ấy, bọn họ thường tỏ ra bi quan chán nản. Nhưng cũng có khi đôi ba người trong bọn họ tỏ ra có “năng lực xuất chúng”, cho rằng có thể một mình “định đoạt cả giang sơn”. Lúc này, chủ nghĩa cơ hội chính trị là chủ nghĩa cá nhân.

Gốc tích của chủ nghĩa cơ hội chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết bắt nguồn từ sự nhạt nhòa về bản lĩnh chính trị do không chịu học tập lý luận Mác - Lê-nin để rèn luyện tư duy biện chứng, cách mạng và thực tiễn. Người làm công tác lãnh đạo, quản lý mà thiếu tư duy lý luận, sùng bái chủ nghĩa kinh nghiệm thì dễ làm nảy sinh tư duy cơ hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Lãnh đạo phải tôn trọng và phát huy ý chí tích cực và tinh thần sáng tạo của quần chúng, bảo vệ sự sinh trưởng của lực lượng mới. Khi sự vật mới trong xã hội vừa sinh ra, nếu không ra sức giúp đỡ, mà lại ngăn trở và đả kích nó, hoặc khi sự vật mới chưa chín muồi, nếu không dùng phương pháp đúng đắn để giúp nó nẩy nở, mà lại dùng những biện pháp nóng vội để miễn cưỡng thúc đẩy nó - như thế là làm hỏng những mầm mống mới, như thế đều là chủ nghĩa cơ hội, chứ không phải chủ nghĩa Mác”(5).   

Cái gốc và nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh những tư duy cơ hội về chính trị là chủ nghĩa cá nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là: “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác”(6).

Chống chủ nghĩa cơ hội là một cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và làm tròn sứ mệnh với giai cấp và dân tộc

Thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến cuộc đấu tranh chống biểu hiện cơ hội chính trị. Theo Người, chống cơ hội chính trị không chỉ là chữa một thứ bệnh có căn nguyên từ chủ nghĩa cá nhân trong một số người, mà còn là cuộc đấu tranh để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Năng lực lãnh đạo, uy tín chính trị của một đảng cộng sản trước hết xuất phát từ việc trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Theo đó, tư cách của một đảng và của một người cách mạng trước tiên là phải “Giữ chủ nghĩa cho vững”(7) và đấu tranh chống các thứ “bệnh tật” liên quan đến sự tồn vong của Đảng về chính trị.  

Bản chất của chủ nghĩa cơ hội chính trị, như tên gọi của nó, là biểu hiện của sự vô nguyên tắc về chính trị. Họ có thể nói “tràng giang đại hải” về một lợi ích chung chung nào đó, nhưng không bao giờ tuyên bố rõ ràng, rành mạch về lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét về người cơ hội chính trị: “Về lập trường, họ không rành mạch ai là bạn, ai là thù. Họ lưu luyến chế độ tư bản và phong kiến. Họ không ưa Liên Xô, không thích học tập chủ nghĩa Mác - Lênin”(8). Vì vậy, chống chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng trước hết là cần nghiêm túc học tập lý luận và kiên quyết bảo vệ sự trong sáng, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Trong thực tế, lập trường chính trị và quan điểm về lợi ích là “thuốc thử” để xác định ai là kẻ cơ hội hay ai là người cách mạng chân chính. Do đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội là luôn vô nguyên tắc về chính trị và xoay xở tìm kiếm lợi cá nhân, cho nên việc nhận ra những mục tiêu cá nhân trong những toan tính, phát ngôn có thể giúp vạch rõ “chân tướng” của kẻ cơ hội đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”(9). Theo Người, những kẻ trong Đảng mà làm trái với các nguyên tắc đó chính là kẻ cơ hội chính trị! 

Tóm lại, trung thành với lý tưởng của Đảng, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, biểu hiện ra ở tiêu chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rất rõ: “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng(10). Đây cũng là “thước đo” để đánh giá những hành vi, tư tưởng hoặc bản thân cá nhân có mắc vào chủ nghĩa cơ hội chính trị hay không.                     

Đảng lãnh đạo, nhân dân cùng tham gia chống chủ nghĩa cơ hội chính trị 

Chống chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng là một việc không hề dễ dàng vì tính chất trá hình, “lươn lẹo” của nó. Thêm nữa, nhiều kẻ cơ hội chính trị lại được “đánh bóng” bởi cương vị, được bảo vệ bởi quyền lực và biết cách che giấu những toan tính cá nhân dưới những “vỏ bọc” nào đấy. Nhưng với sự kiên quyết và có biện pháp đúng đắn, khoa học và cách mạng thì chúng ta vẫn có thể đấu tranh hiệu quả chống chủ nghĩa cơ hội chính trị.

Ở phương diện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những định hướng lớn. Đó là giữ nghiêm kỷ luật đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức của Đảng để ngăn chặn những kẻ cơ hội chính trị. Một trong những biện pháp khoa học để ngăn chặn việc vô tình sa vào chủ nghĩa cơ hội do “kém về nhận thức lý luận”, là mỗi đảng viên phải nghiêm túc học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Kẻ cơ hội chính trị thường có biểu hiện “không tin vào quần chúng”, nhưng chính quần chúng là người giúp Đảng nhận ra phần tử cơ hội chính trị trong nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được... Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(11)

Cán bộ, công chức ngành kiểm sát tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào _Nguồn: baovephapluat.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét