Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của phần tử cơ hội chính trị hiện nay

 Phương pháp luận để nhận diện những “biến thể mới” của chủ nghĩa cơ hội chính trị hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa cơ hội chính trị có nhiều biến thể mới; tuy vậy, nó vẫn có những điểm chung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra dưới đây.

Trong lĩnh vực chính trị, đó là những kẻ mang danh đảng viên mà không tin vào lý tưởng của Đảng, không tin vào chủ nghĩa xã hội, không chịu học tập, nghiên cứu thấu đáo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nói và làm trái với đường lối của Đảng. Kết cục là mắc vào “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị”(12) và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đặc biệt nguy hiểm là, hoặc trá hình hoặc lợi dụng dân chủ trong Đảng, chúng tấn công vào nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng, với các luận điệu phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”... Một số kẻ có cương vị đã khiến cho mức độ tác hại của hành vi cơ hội chính trị càng trở nên nghiêm trọng, gây tâm lý bức xúc, tạo dư luận xấu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của Đảng. Nhiều trường hợp cơ hội chính trị đã rất gần với phản bội lại lý tưởng của Đảng, đi ngược lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc...

Ở lĩnh vực kinh tế, chủ nghĩa cơ hội chính trị thể hiện qua những hành vi lợi dụng chức quyền để lãng phí, tham ô, nhũng nhiễu; lợi dụng nguồn lực công để mưu lợi riêng. Nhiều vụ án kinh tế được xử lý gần đây cho thấy, các thủ đoạn cơ hội diễn ra mang tính muôn vẻ, nhưng đều xoay xung quanh cái trục là lợi ích cá nhân hay “lợi ích nhóm” ích kỷ của một số cá nhân. Những người này đã bị trừng trị thích đáng; nhưng ảnh hưởng của hành vi sai phạm đã gây hệ lụy, xuyên tạc hình ảnh người đảng viên, làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những kẻ này là: “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(13).     

Về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những kẻ cơ hội chính trị có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(14) về phát ngôn, hành động, lối sống. Dường như có một sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng ở những đối tượng này: Khi đã mắc vào chủ nghĩa cơ hội chính trị thì tác phong, lối sống của họ cũng có những biểu hiện thay đổi tương đương. Họ mắc phải lối sống “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”(15). Các biểu hiện của những kẻ cơ hội chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra là: “ham muốn vật chất”, “suy bì tị nạnh về chức quyền, đãi ngộ”, “cái gì hợp với lợi ích cá nhân của họ thì họ tán thành, cái gì không hợp thì họ phản đối”(16). Với những người này, việc giữ gìn phẩm chất và hình ảnh của “Đảng là đạo đức, là văn minh” dường như là công việc của người khác, chứ không phải là trách nhiệm hằng ngày của họ.

Định hướng về tổ chức và lực lượng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội chính trị hiện nay

Môi trường hoạt động của chủ nghĩa cơ hội chính trị chủ yếu diễn ra trong nội bộ của Đảng và hệ thống chính trị, và thường có sự liên hệ với quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách. Chủ nghĩa cơ hội chính trị có khi đẩy nhận thức chính trị tới những cực đoan: Hoặc tả khuynh hoặc hữu khuynh như đã trình bày ở trên; cả hai đều có hại cho sự nghiệp lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn chống chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng thành công, thì trước hết phải bắt đầu từ quyết tâm của toàn Đảng. Chống chủ nghĩa cơ hội chính trị cần đến quyết tâm, vì đây là công việc “tự chỉ trích”, tự phê bình hạn chế, khuyết tật “từ bên trong và với bên trên”. Người nhận định: “... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(17).

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội chính trị phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Không phải ở đâu và bất kỳ lúc nào, sự phê bình trong tổ chức đảng ở các cấp đều đạt được mức độ mạnh mẽ, thẳng thắn và nghiêm khắc. Tình trạng e dè, nể nang, “dĩ hòa vi quý”, “giữ thế thủ” vẫn có thể diễn ra, đặc biệt là trong khi nhận định và phê phán các biểu hiện cơ hội chính trị. Đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, cần đến bản lĩnh chính trị. Tuy vậy, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng định hướng cho chúng ta cách giải quyết vấn đề này. Người dạy: “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân,/ Tinh thần của dân(18). Theo đó, Đảng cần tổ chức, động viên nhân dân cùng tham gia, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành quả tích cực của công tác xây dựng Đảng. Dân ở đây là những người đang tham gia thực hiện và thụ hưởng thành quả của chính sách; trong họ, có nhiều trí thức, chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực và có thể đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng cho quá trình xây dựng chính sách.   

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thường xuyên trau dồi nhận thức lý luận, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm cơ hội, sai trái

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một đảng cộng sản trước hết phụ thuộc vào nền tảng lý luận là chủ nghĩa Mác - Lê-nin:  “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”(19). Đây cũng là “sức đề kháng” từ bên trong “cơ thể” Đảng, để có thể “miễn dịch” với những “căn bệnh” bị tiêm nhiễm trong đời sống chính trị phức tạp.

Một mặt, những phân tích lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kinh nghiệm mà Đảng ta tổng kết được cho thấy rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị có một căn nguyên là do chủ thể chưa vững vàng về lý luận, “thiếu lý luận” và sùng bái chủ nghĩa kinh nghiệm; vì vậy, muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội chính trị hiệu quả, trước hết phải tăng cường học tập nghiêm túc chủ nghĩa Mác - Lê-nin để trong Đảng “ai cũng hiểu” và “làm theo”.  

Mặt khác, chúng ta còn bắt gặp một thực tế là, không ít người còn “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(20). Với một vốn liếng nhận thức còn hạn chế như vậy, những người đó rất dễ sa vào chủ nghĩa cơ hội chính trị, hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh.

Thêm vào đó, để nhận diện và đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội chính trị trong Đảng, chủ thể cũng cần có năng lực và bản lĩnh về lý luận. Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, chúng ta có thể gặp các biểu hiện cơ hội chính trị khá tinh vi theo kiểu: “chỉ cần dân giàu, nước mạnh, không cần đến chủ nghĩa xã hội(!)”. Ngay ở một số địa phương cũng có những tư tưởng “chạy theo thành tích” theo kiểu “đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế địa phương”, mà không quan tâm đầy đủ đến bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển bền vững,... Phụ họa cho những quan niệm sai trái và lệch lạc này là khá nhiều bài viết, ấn phẩm. Vì vậy, muốn nhận diện, đấu tranh hiệu quả với chủ nghĩa cơ hội chính trị, đòi hỏi chủ thể được trang bị một cơ sở lý luận vững chắc, đầy đủ.    

Chủ nghĩa cá nhân là “bệnh gốc của mọi thứ bệnh”, nên chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân hiện nay cũng là một phương diện cần được quan tâm để chống chủ nghĩa cơ hội chính trị có kết quả. Những biểu hiện đó đã được chỉ rõ, chẳng hạn như thói háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...    

Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là giữ nghiêm kỷ luật, thường xuyên trau dồi và nâng cao nhận thức lý luận chính trị; phòng ngừa và đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, phê phán các quan điểm sai trái - tất cả phải là một chỉnh thể để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; từ đó, hình thành nên một “trận tuyến” nhiều tầng lớp và hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội chính trị ở Việt Nam dưới mọi biến thể, màu sắc khác nhau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét