Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG HOẠT ĐỘNG, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO NHẰM GÂY MẤT ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

      

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. 

Thời gian qua, lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, các phần tử cực đoan hoạt động trong một số tôn giáo đã cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam tổ chức các cuộc “hội luận”, “đàm luận” và tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt chống phá Đảng và Nhà nước ta.Các âm mưu, thủ đoạn chúng thường xuyên sử dụng đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, vu khống Đảng và Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, từ đó tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền các cấp; cấu kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đối. Với lý do “bảo vệ tự do tôn giáo”, một số tổ chức ở nước ngoài đã ban hành nhiều bản báo cáo, phúc trình vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, từ đó gây sức ép về ngoại giao, lấy cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam…

Bên cạnh đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như dâng sao giải hạn, bói toán, xem quẻ, cúng oan gia trái chủ, chữa bệnh bằng tâm linh… cũng là cơ hội thuận lợi cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để công kích, xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong nội bộ một số tôn giáo, kích động tín đồ tạo phe phái để chống đối lẫn nhau, ly khai, thành lập tổ chức khác. Đây đều là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự đoàn kết nội bộ các tôn giáo cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên thực tế, trong thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân có liên quan tới tôn giáo do tác động bởi các hoạt động của các thế lực xấu nói trên. Do đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo. Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về tôn giáo cũng như hướng dẫn về thực hiện công tác tôn giáo đối với từng địa bàn cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đẩy mạnh đầu tư nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dân trí cho nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo nhằm tạo ra môi trường ổn định và nền tảng vững chắc cho việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào các tôn giáo.

Thứ hai, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, xem xét, giải quyết việc cấp đăng ký hoạt động tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến các chức sắc, chức việc cũng như đến mỗi tín đồ các tôn giáo. Giải quyết kịp thời những vướng mắc, nảy sinh trong công tác tôn giáo như: vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ các tôn giáo nhận diện và tố giác âm mưu cùng các hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Các lực lượng chức năng triển khai các phương tiện, biện pháp, nhất là đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ chức sắc, cũng như vận dụng có hiệu quả biện pháp ngoại giao để kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch. Kịp thời định hướng dư luận trước các vấn đề “nổi cộm”, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thu hút sự quan tâm sâu sắc của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nêu gương điển hình tiên tiến đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện tốt phương hướng hoạt động “sống tốt đời, đẹp đạo”; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở các cơ sở, địa phương.

Thực tiễn cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; do đó, không “can thiệp vào công việc nội bộ các tôn giáo”; cũng không “vi phạm quyền con người”, mà là vừa tôn trọng Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, vừa thực thi nghiêm Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Việc các báo cáo tự do tôn giáo của một số nước “cáo buộc” rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân và tiếp tục hạn chế hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo không phải là sự thật. Đồng thời, mọi sự xuyên tạc, bịa đặt về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là “bước thụt lùi” không chỉ “bóp nghẹt tôn giáo” mà còn “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người” hay “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của người dân bị xâm phạm; “chính quyền can thiệp vào nội bộ của tổ chức tôn giáo”; các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân “là tôn giáo quốc doanh” cùng luận điệu bôi đen cho rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là thứ “xin cho” giữa nhà nước và người dân và muốn được hoạt động tôn giáo thì phải “chịu sự kiểm soát của nhà nước” của các thế lực thù địch đều là phản động; đều là bịa đặt, bẻ cong sự thật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét