Một số thế
lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta
đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Để biện hộ cho luận điệu đó, họ cho rằng: Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh xuất hiện “khoảng trống quyền
lực”; cuộc cách mạng này không có đối tượng cụ thể, trực tiếp và những người
làm cách mạng chỉ tiến công vào một cánh cửa chính trị khép hờ. Sự thật lịch sử
đã cho thấy, những luận điệu nói trên là hoàn toàn bịa đặt. Chúng ta phải tôn
trọng giá trị lịch sử đích thực của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Bài viết của TS. Trần Tăng Khởi, Học
viện Chính trị khu vực III “Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, sau khi chế
độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm
thời lâm vào tình trạng thoái trào. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch
ở trong nước và nước ngoài, cùng những người bất mãn với chế độ, những kẻ cơ
hội chính trị đã không ngừng xuyên tạc, công kích nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với việc tấn công vào nền tảng tư tưởng của
Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phê phán Cương lĩnh,
đường lối của Đảng, thì một trong những thủ đoạn thâm độc của họ là bóp méo sự
thật lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi thổi phồng những
hạn chế, khuyết điểm của Đảng, họ thường hạ thấp ý nghĩa của những thắng lợi to
lớn của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có Cách mạng Tháng Tám
năm 1945.
Không thể phủ nhận là Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi trong điều kiện khách quan có những yếu tố
thuận lợi. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tạo cho dân tộc ta một cơ hội hết
sức thuận lợi: Kẻ thù của dân tộc ta lúc đó là thực dân Pháp và phát-xít Nhật
đã tự loại nhau. Trên thực tế, từ sau đêm 9-3-1945, đối tượng chủ yếu của cách
mạng Việt Nam là phát-xít Nhật. Khi đội quân Quan Đông mạnh nhất của phát-xít
Nhật bị Hồng quân Liên Xô đánh bại ở Mãn Châu (Trung Quốc), giáng đòn quyết
định buộc phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ở Việt Nam lúc đó quân Nhật
hoảng loạn, quân Pháp chưa đủ sức quay lại, chính quyền tay sai hoang mang cực
độ, tạo điều kiện khách quan chín muồi cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Tuy nhiên, dù điều kiện khách quan
có thuận lợi đến đâu mà điều kiện chủ quan chưa chín muồi cho việc chớp thời
cơ, phát động khởi nghĩa, thì cách mạng cũng không thể thành công. Thực tế đã
cho thấy, cũng trong hoàn cảnh khách quan thuận lợi (thắng lợi của Đồng minh và
thất bại của phát-xít Nhật), không phải nước nào cũng tiến hành được một cuộc
khởi nghĩa để giành lại độc lập dân tộc. Tại thời điểm đó, chỉ ở Việt Nam, dưới
sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Đem sức ta mà
tự giải phóng cho ta”, toàn dân đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa lật
đổ sự thống trị của phát-xít Nhật và bọn tay sai, giành lại độc lập, tự do cho
dân tộc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của
một quá trình chuẩn bị đầy đủ lực lượng cách mạng của Đảng ta. Đồng thời, nó
cũng là kết quả của việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực
theo dõi tình hình, dự đoán chính xác thời cơ và kiên quyết lãnh đạo nhân dân
đứng lên chớp thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa. Trong hai yếu tố chủ quan
và khách quan thì yếu tố chủ quan là động lực chính quyết định đến sự thành,
bại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là
thành quả đấu tranh lâu dài, gian khổ với biết bao máu xương của nhân dân ta
trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng
từ cuối thế kỷ XIX. Đảng Cộng sản Đông Dương - người kế tục vai trò lãnh đạo
của các sĩ phu yêu nước trước đó - đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc từ
năm 1930 lên một tầm cao mới với một cương lĩnh chính trị đúng đắn cùng trình
độ tổ chức đường lối cách mạng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước
ta lúc bấy giờ. Trong đó, việc xác định chính xác đối tượng cần phải đánh đổ là
thực dân Pháp cùng lực lượng tay sai của chúng được khẳng định từ sớm
trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 2-1930).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong
trào giải phóng dân tộc trải qua nhiều chặng đường thăng trầm, quyết liệt, dẫn
tới cao trào cách mạng mới sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập dưới sự
lãnh đạo của Đảng.
Hai tháng sau khi Chiến tranh thế
giới thứ hai bùng nổ (năm 1939), Trung ương Đảng đã họp từ ngày 6 đến ngày
8-11-1939. Hội nghị đã phân tích sâu sắc bản chất của cuộc chiến tranh, đặc
điểm cơ bản của cách mạng Đông Dương và nhận định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế,
chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mệnh Đông
Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang
minh rực rỡ”(1). Hội nghị còn chỉ rõ: Chiến tranh đã thúc đẩy các
mâu thuẫn vốn có của xã hội thuộc địa - phong kiến lên đến đỉnh tột cùng, đòi
hỏi phải được giải quyết, gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc
Đông Dương; Hội nghị chủ trương đấu tranh chống đế quốc chiến tranh, chống xâm
lược phát-xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả bọn tay sai của
đế quốc, đòi hòa bình, cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn.
Ngày 22-9-1940, quân phát-xít Nhật
tràn vào Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng họp từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940,
chỉ rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát-xít Pháp - Nhật.
Tiếp đó, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương mở rộng (tháng 5-1941)
nhận định: Lúc này, ở Đông Dương, lực lượng phản cách mạng gồm
có: “1. Thống trị Pháp ở Đông Dương và bọn tay sai của chúng. 2. Phát xít Nhật
và bọn tay sai của chúng nó”(2). Nguyện vọng và mục đích của nhân
dân Đông Dương hiện nay là đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc
lập. Lực lượng cách mạng ở Đông Dương hiện nay là nhân dân
Đông Dương, không phân biệt dân tộc, giai cấp. Đánh Pháp, đuổi Nhật là nhiệm vụ
chung của nhân dân Đông Dương.
Sau ngày phát-xít Nhật đảo chính lật
đổ quyền thống trị của thực dân Pháp (ngày 9-3-1945), tình hình chính trị ở
Đông Dương có những thay đổi lớn. Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với nhan đề “Nhật, Pháp bắn nhau và
hành động của chúng ta” chỉ rõ: “a, Đế quốc Pháp mất quyền thống trị ở
Đông Dương, không phải là kẻ thù cụ thể trước mắt ta nữa - mặc dầu ta vẫn phải
đề phòng cuộc vận động của bọn Đờ Gôn định khôi phục quyền thống trị của Pháp ở
Đông Dương. b, Sau cuộc đảo chính này, đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính -
kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương. c, Bọn Pháp kháng
chiến đang đánh Nhật là đồng minh khách quan của nhân dân Đông Dương lúc này”(3).
Ngày 24-3-1945, Chính phủ Pháp ra
tuyên bố với những lập luận hết sức xảo trá hòng che đậy và lừa dối dư luận
nhưng vẫn để lộ dã tâm sẽ chiếm lại Đông Dương sau khi Nhật thất bại. Từ đó,
Pháp ráo riết hoạt động, từ Pa-ri, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đờ Gôn, qua Bộ
phận liên lạc của Pháp ở Viễn Đông (SLFEO) đặt ở Can-cút-ta (Ấn Độ), đến Phái
bộ 5 do Xanh-tơ-ny đứng đầu đặt bản doanh tại Côn Minh (Trung Quốc). Đồng thời,
Chính phủ Pháp chỉ thị cho Đại sứ của mình ở Trung Quốc và các viên tướng cầm
đầu số lính Pháp bị Nhật đánh bại sang Hoa Nam (Trung Quốc) phối hợp với Phái
bộ 5 thực hiện các âm mưu chuẩn bị tái xâm lược Đông Dương.
Ngay sau khi Ủy ban Chỉ huy lâm thời
Khu giải phóng ra mệnh lệnh khởi nghĩa (ngày 12-8-1945), thực dân Pháp càng đẩy
mạnh các hoạt động nhằm nhanh chóng tái xâm lược Đông Dương. Ngày 13-8-1945, Đờ
Gôn tuyên bố với Đác-giăng-li-ơ rằng sẽ cử ông ta làm Cao ủy ở Đông Dương, nắm
toàn bộ quyền lực tại đây. Cùng ngày 13-8-1945, Bộ phận liên lạc của Pháp ở
Viễn Đông tại Can-cút-ta quyết định cho máy bay thả dù xuống Đông Dương một bộ
sậu chính trị gồm các ủy viên của nước Cộng hòa Pháp (việc này mãi đến ngày
22-8-1945 mới thực hiện được). Ngày 19-3-1945, tướng A-léc-xan-đri quyết định
cử một đội tiền trạm gồm các sĩ quan tình báo (trước đây chạy trốn sang Trung
Quốc) vào Hà Nội để chuẩn bị đón một phái đoàn đầy đủ của Pháp sẽ có mặt ở đây.
Ngày 14-8-1945, Đờ Gôn cử Lơ-cléc làm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp
ở Đông Dương.
Thực dân Pháp tổ chức các toán biệt
kích xâm nhập vào Việt Nam bằng hai đường: đường biển, do Phái bộ 5 chỉ huy,
xuất phát từ một số đảo ở Hoa Nam (Trung Quốc); đường hàng không, xuất phát từ
căn cứ quân sự ở Can-cút-ta, do máy bay của tình báo Anh đưa vào và nhảy dù
xuống những địa điểm đã chọn.
Vào 18 giờ ngày 15-8-1945, hai ca-nô
có vũ trang chở chừng 30 người cả Pháp và Việt đi qua Quảng Yên, hướng về cảng
Hải Phòng. Cùng ngày 15-8-1945, một toán biệt kích đường biển gồm 5 tên do
Blăng-sa cầm đầu đổ bộ vào Hải Phòng, định đi ngược sông Hồng lên Hà Nội. Đường
sông bị cấm, cả 5 tên bị quân Nhật bắt giam, đến ngày 23-8-1945 mới đến được Hà
Nội. Ngày 21-8-1945, một toán gồm 5 người Pháp và 1 người Việt nhảy dù xuống
vùng tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị du kích ta tóm gọn. Ngày 22-8-1945, một
toán biệt kích người Pháp do thiếu tá tình báo Xanh-tơ-ny - người phụ trách
Phái bộ 5 - cầm đầu bám theo máy bay chở đoàn OSS của Mỹ từ Côn Minh đến Hà
Nội. Đêm 22-8-1945, có 3 toán biệt kích nhảy dù: một toán do Mét-xme cầm đầu
nhảy dù xuống Phúc Yên, bị dân quân ta tóm gọn (đến tháng 10-1945 mới được
phóng thích); một toán do Xê-đin cầm đầu nhảy dù xuống Tây Ninh, bị quân Nhật
bắt được và đưa đi Sài Gòn; một toán nhảy dù xuống vùng Hiền Sĩ (Nam Giao, tỉnh
Thừa Thiên), định bắt liên lạc với Bảo Đại nhưng bị dân quân ta bắt gọn. Ngày
23-8-1945, một nhóm 4 tên dùng xuồng lớn đột nhập vào cửa Thuận An, bị dân quân
ta bắt. Ngày 27-8-1945, một toán biệt kích nhảy dù xuống vùng Lai Bằng - cách
Huế khoảng 20km, bị dân quân ta bắt. Tàu biển Cray-xắc đưa 16 tên đổ bộ lên đảo
Cát Bà cũng bị quân ta tóm gọn. Ngày 28-8-1945, một toán biệt kích nhảy dù
xuống vùng đường ven biển gần thị trấn La Gi và mấy ngày sau, một toán nữa nhảy
dù xuống khu vực suối Kiết ở Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) đều bị dân quân ta bắt
giữ...
Đấy là những kẻ thù từ nước ngoài
thâm nhập vào nước ta để chống phá Cách mạng Tháng Tám. Dù chúng vào bằng đường
hàng không hay đường thủy thì cũng cho thấy một điều là: Đây là những hành động
không hề đơn độc, mà là có ý đồ móc nối với những tên tay sai cũ của thực dân
Pháp hòng tổ chức lực lượng chống đối chính quyền cách mạng, chuẩn bị cơ sở cho
quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam sau khi phát-xít Nhật đầu hàng.
Quân Nhật tuy đã tuyên bố đầu hàng
Đồng minh nhưng vẫn còn nguyên lực lượng và trang bị vũ khí, khí tài chiến
tranh trong tay! Đảng ta chủ trương vận động sĩ quan và binh lính Nhật “án binh
bất động”, trao vũ khí cho Việt Minh và Quân giải phóng Việt Nam để được bảo
toàn tính mạng. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào họ cũng đều hưởng ứng
chủ trương đó của ta. Không ít nơi, quân Nhật vẫn có hành động quân sự chống
phá ta. Ở huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), quân Nhật không những không giao kho
thóc cho ta mà còn gọi viện binh từ Phủ Lý về, nổ súng chống lại lực lượng khởi
nghĩa vào ngày 20-8-1945. Ở Hà Nội, quân ta tấn công vào trại bảo an binh, quân
Nhật đưa xe tăng đến bao vây trại, hỗ trợ cho những phần tử bảo an ngoan cố và
đòi tước vũ khí của tự vệ ta. Ta thuyết phục, quân Nhật mới chịu rút. Ở Lộc
Ninh, sĩ quan Nhật ra lệnh bắn vào dân quân và đồng bào ta. Giao tranh đã nổ ra
và chúng chỉ chịu đầu hàng sau khi một lực lượng của chúng bị quân ta tiêu diệt.
Ở Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), quân Nhật vẫn tiến hành các hoạt động khủng bố Việt
Minh, bị dân quân ta đánh trả mới chịu co cụm về thị xã. Đặc biệt, trong cuộc
chiến đấu chống quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên từ ngày 19 đến ngày 24-8-1945,
lực lượng cách mạng tiêu diệt một số tên, buộc quân Nhật ở thị xã và các đồn lẻ
trong tỉnh Thái Nguyên phải hạ vũ khí, bức hàng toàn bộ hệ thống chính quyền và
quân đội tay sai của Nhật trong tỉnh.
Với 82.260 quân phát-xít Nhật chờ
ngày nộp vũ khí cho Đồng minh trong bối cảnh chính quyền cách mạng đang trong
giai đoạn “trứng nước”, rõ ràng lực lượng này vẫn là một đối tượng mà ta phải
tập trung đối phó.
Sau đêm Nhật đảo chính Pháp (ngày
9-3-1945), hệ thống chính quyền làm tay sai cho Nhật ở Việt Nam đã được dựng
lên trên cơ sở hệ thống chính quyền của Pháp vừa sụp đổ. Trong cao trào kháng
Nhật, cứu quốc, trước sự tiến công của Việt Minh, bộ máy chính quyền tay sai bị
suy yếu, bất lực và đi đến tan rã từng bộ phận, trước hết là cấp xã, rồi đến
cấp huyện. Đến Tổng khởi nghĩa, chính quyền ở nhiều huyện nhanh chóng thuộc về
nhân dân, nhưng cũng ở nhiều nơi, chúng ta phải dùng áp lực của quần chúng kết
hợp với trấn áp bằng bạo lực, trừng trị những tên ngoan cố để giành chính
quyền. Ở cấp tỉnh và cấp kỳ, cuộc đấu tranh để xóa bỏ bộ máy chính quyền tay
sai diễn ra gay go, phức tạp hơn. Dựa vào lực lượng bảo an, vào tổ chức phản
động và hy vọng được quân Nhật bảo vệ, hầu hết thị trưởng, tỉnh trưởng và khâm
sai đều có hành động phản kháng trước cao trào cách mạng của quần chúng. Đối với
đối tượng này, ta đã phải kết hợp thuyết phục với dùng áp lực của quần chúng và
lực lượng vũ trang. Ngày 23-8-1945, cuộc khởi nghĩa ở Huế đã nổ ra với sức mạnh
của lực lượng chính trị quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang. Khởi nghĩa
giành chính quyền ở Huế có ý nghĩa hết sức to lớn, vì Huế là dinh lũy của chế
độ phong kiến, trung tâm đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, nơi đóng quân
và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật.
Cùng với việc đánh đổ bộ máy chính
quyền tay sai, cuộc đấu tranh với các lực lượng vũ trang do Nhật tổ chức và các
đảng phái chính trị phản động cũng diễn ra hết sức gay go, phức tạp.
Hàng chục vạn lính bảo an và cảnh
sát do Nhật tổ chức, trang bị và huấn luyện đã được giao cho những tên tay sai
người Việt chỉ huy. Bọn này vốn là thành viên của các tổ chức chính trị phản
cách mạng hoặc sĩ quan của Pháp chuyển sang làm tay sai cho Nhật. Bằng công tác
binh vận, Việt Minh đã xây dựng cơ sở bí mật trong lực lượng vũ trang của địch.
Đến ngày Tổng khởi nghĩa, nghe theo lời hiệu triệu cứu nước của Việt Minh, cùng
với hoạt động của các cơ sở cách mạng ở bên trong cũng như sức ép của lực lượng
chính trị quần chúng nổi dậy, nhiều đơn vị vũ trang của địch tự nộp vũ khí đầu
hàng. Tuy vậy, ở rất nhiều nơi, để đập tan sự kháng cự của những tên cầm đầu
ngoan cố, chúng ta phải sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp, giành chính quyền.
Ở miền Nam, hai triệu tín đồ đạo Cao
Đài có vũ trang do Trần Quang Vinh cầm đầu theo Nhật chống lại cách mạng.
Cả nước lúc bấy giờ có đến mấy chục
tổ chức chính trị phản động có hoặc không có vũ trang, do Pháp, Nhật hoặc Quốc
dân Đảng Trung Hoa dựng nên. Trong đó, một số tổ chức từng theo Pháp, sau
chuyển sang làm tay sai cho Nhật; một số tổ chức theo Nhật bị Pháp đàn áp và
giam cầm, sau khi Nhật đảo chính Pháp thì được Nhật “hà hơi tiếp sức”, tiến
hành chống phá cách mạng. Các cá nhân và tổ chức từng làm tay sai cho Pháp và
phải nằm im sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trước tình hình mới, bắt đầu ngóc đầu
dậy với hy vọng Pháp quay trở lại. Các tổ chức phản động khác từng được bọn quân
phiệt phản động Trung Hoa Dân quốc nuôi dưỡng thì trong bối cảnh quân đội Trung
Hoa Dân quốc tràn vào Việt Nam với danh nghĩa quân đồng minh giải giáp quân
Nhật, cho rằng đây là cơ hội thuận lợi để nhảy ra cướp thành quả cách mạng của
nhân dân ta. Điều cực kỳ nguy hiểm là dù mỗi tổ chức phản động đó có những mưu
đồ, tính toán riêng nhưng đều có chung mục tiêu là lật đổ chính quyền cách
mạng!
Trong hoàn cảnh như vậy, để giành
thắng lợi, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 phải làm tê liệt và tan rã tất cả các
tổ chức chính trị phản động đó. Rõ ràng, đây là công việc không hề đơn giản
trong điều kiện lực lượng vũ trang của ta còn chưa đủ mạnh. Để đập tan sự chống
đối của các thế lực phản động, bóp chết ngay từ trong “trứng nước” những âm
mưu, hành động xâm lược của thực dân Pháp sau khi bị Nhật đảo chính, đạp tung
cánh cửa cản trở con đường tiến lên giành thắng lợi, Đảng ta phải sử dụng rất
nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh. Không chỉ tuyên truyền, vận động quần
chúng đấu tranh, không chỉ biết phân hóa kẻ thù, mà Đảng ta còn kiên quyết lãnh
đạo quần chúng nổi dậy trừng trị những tên ác ôn ngoan cố, sử dụng bạo lực cách
mạng để trấn áp, đè bẹp sự phản kháng của các lực lượng quân đội phát-xít Nhật
cũng như làm thất bại ngay từ đầu âm mưu trở lại thống trị Đông Dương của thực
dân Pháp dù phải hy sinh xương máu.
Trong khi lực lượng chống cộng hay
định kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam cố tình xuyên tạc lịch sử, thì không ít
người vẫn tôn trọng sự thật khách quan khi nghiên cứu, đánh giá về Cách mạng
Tháng Tám. William J. Duiker, một nhà sử học Mỹ có khá nhiều nghiên cứu về Việt
Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tách biệt rõ những “hoàn cảnh ngẫu nhiên” thuận lợi
cho Cách mạng Tháng Tám với nhân tố chủ quan đóng vai trò quyết định thuộc về
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. William J. Duiker cho rằng: “Nhưng
chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở
đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được
mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Ở
các xứ thuộc địa khác, khoảng trống ấy (tức thời cơ - TG) có thể được lấp đầy
bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử
dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức (...). Chỉ có Đảng
Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế
có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới
là quan trọng”(4).
Thực tế lịch sử nêu trên hoàn toàn
bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ
hội chính trị cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không có đối tượng, Đảng
Cộng sản Đông Dương (tên gọi của Đảng ta lúc bấy giờ) chỉ biết lợi dụng thời
cơ, và thắng lợi của cuộc cách mạng này “là sự ăn may của lịch sử!”./.
--------------------
(1) Văn
kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.
6, tr. 535
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 118
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 366
(4) William J. Duiker: The Communist Road to Power in Vietnam,
Boulder Co., Westview Press, 1981, tr. 100 - 101