Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ: "QUỐC HỘI “CHỐT” QUY ĐỊNH CẤM TUYỆT ĐỐI NỒNG ĐỘ CỒN KHI LÁI XE"!

     Sáng 27-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, thống nhất quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”!
Cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với kết quả: Có 450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (bằng 92,59% tổng số đại biểu Quốc hội); có 388 đại biểu tán thành (79,84%); có 32 đại biểu không tán thành (6,58%); có 30 đại biểu không biểu quyết (6,17%).

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng đối với với Khoản 2, Điều 9 của dự thảo luật quy định về cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Kết quả, có 448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (bằng 92,18% tổng số đại biểu Quốc hội), có 357 đại biểu tán thành (73,46%); có 69 đại biểu không tán thành (bằng 14,2%), có 22 đại biểu không biểu quyết (4,53%).

Trước đó, liên quan đến quy định trên, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Quy định này không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu không tiếp tục quy định về cấm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại.

Kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này cho thấy, có 293 đại biểu Quốc hội (chiếm 75,52% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến và chiếm 60,16% tổng số đại biểu Quốc hội) nhất trí với quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Có 95 đại biểu Quốc hội (chiếm 24,48% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến và chiếm 19,51% tổng số đại biểu Quốc hội) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định giao Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Ngoài ra, đối với quy định đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung việc xác định biển số xe đưa ra đấu giá. Dự thảo luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại và loại trừ quy định đấu giá biển số xe trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Bên cạnh đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng có các quy định về trừ điểm giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông…
Yêu nước ST.

Trong tuần làm việc cuối cùng (từ ngày 24 - 29/6/2024) của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua một số Luật, Nghị quyết


Theo đó, các Luật được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Các Nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia  đến hết năm 2023”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giảm thuế giá trị gia tăng).

Theo chương trình, trong tuần làm việc, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật là: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Địa chất và khoáng sản.

TTXVN/Báo Tin tức

 

 

 

Việt Nam - Ấn Độ ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau

Chiều 26/6/2024, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước gửi lời chúc mừng tới Lãnh đạo và Nhân dân Ấn Độ đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 18 vừa qua và đề nghị Đại sứ chuyển lời thăm hỏi tới Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ mới hiện nay, Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt được Lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp nhiều thập kỷ qua, và hiện đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện có vai trò và vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Chủ tịch nước hoan nghênh những đóng góp tích cực của Đại sứ kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và đề nghị Đại sứ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương để tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, phát huy được những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng chứng kiến quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc với nhiều chỉ số ấn tượng, trong đó hợp tác quốc phòng - an ninh đã ở tầm sâu chiến lược, thương mại hai chiều đạt gần 15 tỷ USD năm 2023 và hoàn toàn tin tưởng hai nước có thể sớm đạt kim ngạch 20 tỷ USD. Chủ tịch nước hoan nghênh các tập đoàn lớn của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược như dầu khí, hạ tầng, cảng biển và các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích hai nước phát huy những mối liên hệ về truyền thống văn hóa, tôn giáo, lịch sử để tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ tiếp tục thúc đẩy việc hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình học bổng và các gói tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại.

Đại sứ Sandeep Arya một lần nữa chuyển lời chúc mừng của Lãnh đạo Ấn Độ và cá nhân Đại sứ đến Chủ tịch nước Tô Lâm về việc được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời trân trọng cảm ơn sự ủng hộ quý báu và những tình cảm tốt đẹp của Chủ tịch nước dành cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đại sứ nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ bền vững, được thử thách qua thời gian; dù trải qua những biến động của tình hình khu vực và quốc tế, hai nước vẫn luôn gìn giữ tình cảm nồng ấm, sự tin cậy và ủng hộ lẫn nhau.

Đại sứ khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước, trước mắt là thu xếp cho các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch và mở rộng sang các lĩnh vực mới. Đại sứ bày tỏ vui mừng Ấn Độ đang hợp tác rất hiệu quả với các cơ quan, địa phương của Việt Nam thông qua các dự án tác động nhanh (QIPs), dự án tôn tạo và phục hồi các nhóm tháp Chăm tại Mỹ Sơn, cũng như tổ chức Ngày Quốc tế Yoga (21/6) tại nhiều tỉnh, thành, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa nhân văn, tích cực giữa hai nước.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chủ tịch nước đánh giá cao Ấn Độ triển khai mạnh mẽ chính sách "Hành động Hướng Đông” thông qua các hoạt động hợp tác thiết thực, cụ thể với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ bày tỏ nhất trí và khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước trong bối cảnh tình hình có những biến động phức tạp hiện nay./.

Nguồn Mạnh Hùng

 

 

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực

Ngày 26/6/2024, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Trong không khí chân thành, hữu nghị, cởi mở và tin cậy lẫn nhau, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi tổng thể về sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua; cùng chia sẻ những ý kiến sâu sắc, toàn diện về công tác nghiên cứu lý luận, kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn cụ thể của mỗi Đảng, mỗi nước, nhất là những tổng kết, thành quả mới về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Hai bên bày tỏ vui mừng và nhất trí cho rằng, sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (2023), quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực và có tiến triển mang tính lịch sử; tin cậy chính trị được củng cố và tăng cường; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; giao lưu nhân dân được duy trì và phát huy vai trò lan tỏa tích cực, góp phần tăng cường hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, “núi liền núi, sông liền sông”, có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, con đường phát triển, đặc điểm văn hóa - xã hội. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng phát triển đất nước ngày nay; khẳng định việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành hai bên cần tích cực đổi mới tư duy, sáng tạo biện pháp, không ngừng đi sâu quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực chất các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nhất là Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”; quyết tâm phấn đấu giành được nhiều thành tựu thực chất, hiệu quả, thiết thực hơn nữa, hướng đến dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2025.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh một số thành tựu mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam, đặc biệt là những tìm tòi, phát triển, đúc kết lý luận về đường lối Đổi mới, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn 40 năm Đổi mới; khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam cùng với những đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại - an ninh - quốc phòng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bày tỏ coi trọng và hoàn toàn nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về quan hệ hai Đảng, hai nước, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; nhất quán ủng hộ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đường lối Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và không ngừng nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Về hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đồng chí Vương Hộ Ninh khẳng định sẵn sàng thúc đẩy cơ quan Chính hiệp các cấp Trung Quốc tăng cường giao lưu trao đổi, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cùng nhau quán triệt và triển khai tốt nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy làm sâu sắc hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược không ngừng phát triển đi vào chiều sâu theo định hướng “6 hơn” của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã đề ra.

Đánh giá cao những thành quả lý luận quan trọng của Việt Nam, đồng chí Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường trao đổi lý luận, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Nhân dịp này, trên tinh thần “đồng chí, anh em”, đồng chí Vương Hộ Ninh đã đi sâu chia sẻ, giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một số thành quả sáng tạo mới về lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội XX đến nay, nhất là về đường lối “hai kết hợp” (xây dựng chủ nghĩa xã hội kết hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của Trung Quốc, kết hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa), “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”; nhấn mạnh những thành quả lý luận mới nhất của Trung Quốc đã được thể hiện tập trung, hệ thống hóa trong Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới./.

Nguồn Mạnh Hùng

 

 

Truyền thông quốc tế tiếp tục đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam

Bài viết trên trang The Guardian.com có tựa đề "Nga và Việt Nam nhất trí tăng cường quan hệ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin". Bài viết cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Putin cho hay các cuộc hội đàm với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam mang tính xây dựng và hai bên đều có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. 

Trang mạng France24.com cũng đưa nội dung tương tự với bài viết "Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ký các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ với châu Á". Bài viết cho biết hai bên đã ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực từ giáo dục đến tư pháp và hạt nhân dân sự. Theo bài viết, tại Việt Nam, Tổng thống Putin đã  đến viếng và đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đài DW của Đức đưa tin các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và năng lượng. Việt Nam là quốc gia thứ ba Tổng thống Putin đến thăm kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 5, sau Trung Quốc và Triều Tiên.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc cũng có bài viết bày tỏ ấn tượng trước tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo Nga. Theo tờ báo này, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, cũng như hình ảnh ấm áp và gần gũi của nước Nga để lại nhiều thiện cảm trong lòng con người Việt Nam, nhất là khi nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã học tập, làm việc tại Nga.    

Trang mạng aljazeera.com đưa tin Việt Nam và Nga có quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và năm nay hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam (16/6/1994 - 16/6/2024). Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Putin khẳng định tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Nga.      

Báo The Washington Post của Mỹ cũng đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Việt Nam. Bài viết dẫn đánh giá của Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, bang Hawaii, Mỹ, người cũng nghiên cứu chính sách đối ngoại của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là quốc gia nắm ở vị trí chiến lược trong một khu vực quan trọng đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cường quốc thế giới. 

Trong khi đó, bài viết của hãng thông tấn AP của Mỹ cho rằng Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bài viết cũng đề cập đến đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam". Trong thời gian chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã đón tiếp lãnh đạo của nhiều nước lớn, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nay là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiến sĩ Nigel Gould-Davies chuyên về vấn đề liên quan đến Nga và khu vực Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, đồng thời là cựu Đại sứ Anh tại Belarus, cho biết ông "khá ấn tượng" về điều này, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Nguồn TTXVN