Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

 

Cảnh giác trò "núp bóng báo chí"

Sau cuộc họp chi bộ, thấy ông Hùng, ông Nam chưa về, Bí thư Chi bộ Việt liền hỏi.

- Hai đồng chí còn có việc gì phải không?

Ông Nam giọng trầm tư: Chẳng là, tôi có đứa cháu nội, sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành báo chí, hỏi về tổ chức “phóng viên không biên giới”. Chưa hiểu rõ tổ chức này như thế nào nên tôi nói với cháu để tìm hiểu rõ sẽ nói với cháu.

Nghe xong, ông Việt từ tốn:

- Tôi thấy việc trao đổi, chia sẻ thông tin rất tốt. Nếu chúng ta chưa hiểu, chưa rõ mà phát ngôn, tuyên truyền hay chia sẻ, bình luận trên mạng sẽ vô tình tiếp tay cho kẻ xấu đấy.

Nói xong ông Việt lấy điện thoại mở Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân điện tử đưa ông Hùng, ông Nam đọc rồi nói: Đây là hai tờ báo chính thống, có những bài đấu tranh phản bác kịp thời cái gọi là “tổ chức phóng viên không biên giới” (RSF), cố tình xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, cho Việt Nam thuộc “vùng trũng của tự do báo chí”. Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra bảng xếp hạng và những nhận định phiến diện, thiếu khách quan, phản ánh không đúng về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, được khẳng định và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy định của quốc tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

- Vậy thông tin tổ chức này lên tiếng bênh vực đối với những nhà báo bị bắt giam là sao vậy ông? Ông Hùng hỏi thêm.

- Không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới đều khẳng định rõ: Tự do ngôn luận, tự do báo chí không thể nằm ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc; tự do phải trong khuôn khổ luật pháp quốc gia; không chỉ riêng báo chí mà bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống xã hội cũng phải hoạt động theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Một thực tế không thể phủ nhận là ở Việt Nam, không người nào bị kết án vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những trường hợp bị xử lý hình sự đều do thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, gây bất bình trong dư luận. Tuy nhiên “tổ chức phóng viên không biên giới” và các thế lực thù địch đã lợi dụng những vụ việc này để rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí đấy các ông ạ.

Nghe ông Việt phân tích, ông Nam, ông Hùng hiểu ra vấn đề. Ông Nam bắt tay ông Việt nói: Cảm ơn ông đã giúp chúng tôi hiểu rõ bản chất vấn đề. Tôi sẽ nói cho cháu tôi hiểu được cái “tổ chức phóng viên không biên giới” và mưu đồ nham hiểm của bọn phản động nhằm chống phá cách mạng Việt Nam!


 

“Định vị” tự do báo chí ở Việt Nam qua lăng kính đa chiều, khách quan

Hệ thống báo chí, truyền thông của Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là thành quả từ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do báo chí.

Thực tiễn sinh động liên quan tới vấn đề này chính là cơ sở để bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, thiển cận và thiếu thiện chí về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Môi trường sôi động cho giới báo chí

Ở Việt Nam, báo chí được coi là kênh kết nối để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, từ đó phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc... Việc Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin được thể hiện bằng những quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 nhấn mạnh mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thì Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò.

“Định vị” tự do báo chí ở Việt Nam qua lăng kính đa chiều, khách quan
Báo chí được tạo điều kiện tác nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: cand.com.vn 

Những thành quả trong bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu rõ trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 15-4-2024 và trong bài phát biểu khai mạc Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 7-5-2024. Theo đó, sau 26 năm kết nối internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38% so với năm 2019. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng đã lên tới khoảng 41.000 người.

Chẳng thế mà chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk gần đây đã có bài viết với nhan đề “Việt Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” đăng trên một tờ báo của Nga, trong đó đánh giá cao sự đa dạng về loại hình và nội dung của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam với nhiều cơ quan phát thanh, truyền hình và cho rằng đây là minh chứng cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin của Việt Nam.

Ngoài ra, sự hiện diện của nhiều hãng thông tấn, truyền thông quốc tế lớn của thế giới khiến hoạt động báo chí tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và quan trọng hơn là giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin nhiều chiều liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Với người dân, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram... hiện trở thành phương tiện hữu ích để họ chia sẻ, tiếp nhận thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi vấn đề. Nhờ mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số nên người dân Việt Nam giờ đây có thể kết nối với các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương tới địa phương thông qua mạng xã hội để giải quyết các thủ tục hành chính, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; thậm chí là thông báo các vấn đề, sự việc mà họ cho là tiêu cực trong cuộc sống.

Cũng cần nói thêm rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò, chức năng phản biện xã hội của mình. Bằng chứng là thể loại phóng sự điều tra trong khuôn khổ Giải Báo chí quốc gia hằng năm và Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trên cả nước.

Những con số mơ hồ và đánh giá mang tính áp đặt

Bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền tự do báo chí đã được các nước ghi nhận, đánh giá cao, một số cá nhân, tổ chức vẫn cố tình đưa ra những đánh giá mang tính áp đặt, định kiến và thiếu khách quan về vấn đề này.

Nhìn vào những thành quả trong bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam, dư luận cả trong và ngoài nước có lẽ vô cùng bất ngờ và thất vọng về cái gọi là báo cáo “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024” mà tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) tung ra hồi đầu tháng 5 vừa qua. Trong đó, RSF xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí và cho rằng, nguyên nhân khiến Việt Nam nằm trong “nhóm các quốc gia có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới” là do “cầm tù nhà báo có hệ thống”.

Tự do báo chí được coi như một trong những nền tảng để các cá nhân, tổ chức nói lên ý kiến, chia sẻ quan điểm và ý tưởng, cũng như tham gia các cuộc thảo luận, tranh luận và thực hiện chức năng phản biện nhằm giúp xã hội phát triển. Nhưng báo chí và hoạt động báo chí phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia để không trở thành “báo chí vô chính phủ”. Trên thực tế, ở Việt Nam không có nhà báo chân chính nào bị giam giữ chỉ vì thực hiện đúng vai trò của mình trong việc "nói thay tiếng nói của nhân dân", đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên phía trước. Cái mà RSF gọi là “cầm tù nhà báo có hệ thống” thực chất là việc xử phạt những người được gán mác “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ” do vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc một số nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật, đánh mất đạo đức của người làm báo, lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của đất nước và người dân. Xử lý những người vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm tổn hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc hẳn không phải chỉ riêng Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải làm việc đó.

Những cá nhân, tổ chức thường xuyên phê phán tự do báo chí ở Việt Nam và tung hô tự do báo chí của phương Tây có lẽ nên tham khảo những ví dụ được nêu trong báo cáo mà Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 4 năm nay. Chẳng hạn, trong báo cáo này, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, đại đa số người Mỹ coi quyền tự do báo chí là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của xã hội, nhưng cũng có nhiều người bày tỏ lo ngại về những hạn chế tiềm ẩn đối với quyền tự do báo chí ở Mỹ. Cụ thể, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người nói rằng giới truyền thông không được tự do hoặc hoàn toàn không được tự do đưa tin ở Mỹ. Ngoài ra, 41% người Mỹ “cực kỳ hoặc rất lo ngại” về những hạn chế tiềm tàng đối với quyền tự do báo chí ở nước này và 29% bày tỏ thái độ “có phần lo ngại”. Vậy thì ở Mỹ, có hay không có tự do báo chí và ai mới có thể là người đưa ra câu trả lời chính xác?

Thế mới thấy, việc đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt Nam và ở bất kỳ quốc gia nào khác đều cần phải dựa trên thực tế có kiểm chứng và cái nhìn đa chiều, chứ không thể chỉ dựa trên thông tin do một số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị cung cấp để rồi đưa ra những con số mơ hồ, đầy tính áp đặt giống như cách RSF đang làm.

 Phòng, chống “diễn biến hòa bình”

"Tôi không lạc đề"!

Họp Đảng ủy xã đánh giá về công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Lê là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ thôn Đoài phát biểu thẳng thắn:

- Tôi đề nghị các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã phải nêu gương trước Đảng bộ và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong việc hiếu, việc hỷ. Vừa qua có một số đồng chí lãnh đạo xã tổ chức đám cưới cho con linh đình, làm vài trăm mâm cỗ, rồi đám giỗ cũng mời khách rầm rộ khiến nhân dân xì xào, chê trách... Việc thứ hai là lãnh đạo xã cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những công chức, viên chức thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, giải quyết công việc chậm, thậm chí còn "gây khó để có phong bì"...

Bí thư Chi bộ thôn Đoài còn chưa phát biểu hết thì Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã đã ngắt lời:

 - Tôi thấy đồng chí Lê phát biểu không đúng chủ đề cuộc họp rồi. Việc gia đình cán bộ xã làm cỗ nhiều và giải quyết công việc chậm thì không liên quan tới công tác đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mặt khác, theo tôi, tổ chức hiếu, hỷ, cúng giỗ là việc riêng của gia đình...

 - Báo cáo đồng chí chủ tọa, tôi xin phát biểu tiếp và tôi khẳng định không phát biểu lạc đề. Chúng ta đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không có nghĩa là chúng ta chỉ phê phán, bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, mà quan trọng hơn là chúng ta phải chủ động phòng ngừa, phải tự mình tốt lên, không để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm cho các thế lực thù địch lợi dụng để suy diễn, quy chụp, thổi phồng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Hai việc tôi vừa đề nghị rút kinh nghiệm, nếu chúng ta không khắc phục được thì sẽ là cái cớ để các đối tượng phản động, bất mãn lợi dụng chống phá ta, rồi ngay người dân trong xã cũng sẽ bất bình, bức xúc, không phục cán bộ xã. Thực tế đã có ý kiến xì xào rằng “các ông lãnh đạo xã nói một đằng, làm một nẻo”...

 Thấy các ý kiến phát biểu khá “căng”, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy là đại biểu cấp trên về dự hội nghị, nhẹ nhàng nói:

 - Chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến tâm huyết của đồng chí Lê để được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Xây dựng và giữ vững “thế trận lòng dân” phải từ những việc nhỏ; làm cho nhân dân tâm phục, khẩu phục thì chẳng có thế lực thù địch nào chống phá được, phải không các đồng chí?

 Cả hội nghị lặng lẽ gật đầu, càng suy ngẫm thì càng thấy đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Đoài và Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy nói đúng.

 

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng-văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Hệ quả “vạ miệng” vì lạm quyền tự do ngôn luận

Những năm gần đây, một bộ phận người dân, trong đó có một số công chức, viên chức, nhà văn, nhà báo, luật sư... đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn vô lối trên mạng xã hội, kể cả phát ngôn gây thù ghét, thông tin sai sự thật, đưa ra ý kiến tùy tiện với dụng ý xấu, kể cả chống phá Đảng, Nhà nước.

Tháng 8-2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết về việc Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" trên mạng xã hội. Theo cơ quan chức năng, bài viết của nhà báo này có những nội dung sai sự thật, hình ảnh đăng tải nhạy cảm, không kiểm chứng làm người đọc hiểu sai vấn đề, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của TP Đà Nẵng đối với sự phát triển du lịch.

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý. Ảnh minh họa: lamdong.gov.vn

Mới đây, một luật sư nguyên là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội bị khởi tố, bắt giam trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo Bộ Công an, bị can này đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải những bài viết trên Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Không riêng ở Việt Nam, sự phát ngôn tùy tiện, thông tin sai sự thật cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác và các trường hợp này cơ bản đã bị xử lý nghiêm khắc.

Tháng 7-2023, Hamdan Al Rind-một người có ảnh hưởng trên mạng, chủ kênh chia sẻ video nổi tiếng “Chuyên gia ô tô” trên mạng xã hội TikTok với hơn 2,5 triệu người theo dõi-đã bị bắt ở Dubai vì một video hài. Trong clip này, anh ta ném những chồng hóa đơn cho những nhân viên đang ngơ ngác và đề nghị mua chiếc xe đắt nhất-một chiếc Ferrari SF90 trị giá 600.000USD. Clip được cho là sản xuất nhằm chế giễu lối sống xa hoa tại thành phố nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời và những điểm du lịch hàng đầu thế giới này.

Nhà chức trách sau đó buộc tội Hamdan Al Rind đã “lạm dụng internet” bằng cách đăng thông tin “khuấy động dư luận và gây tổn hại đến lợi ích công cộng”. Hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, clip này “quảng bá một hình ảnh tinh thần sai trái và xúc phạm về công dân Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và chế giễu họ”. Vụ bắt giữ Hamdan Al Rind dựa trên những quy định tại một đạo luật về tội phạm mạng được Các tiểu vương quốc Arab thống nhất thông qua vào năm 2021.

Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận để không phát ngôn tùy tiện

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến”.

Tương đồng với quy định quốc tế, tại Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là “quyền bất khả xâm phạm” mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản của con người đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng - văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Tự do ngôn luận không chỉ đơn thuần là việc phát biểu ý kiến mà còn là việc truyền đạt thông tin, kiến thức và quan điểm một cách khách quan, công tâm, trung thực. Tính trung thực và đạo đức trong sử dụng tự do ngôn luận là điều không thể phủ nhận, cần được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, luật sư và những người có ảnh hưởng nhất định với cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có một số cá nhân, nhất là một số người nắm “quyền lực thông tin, quyền lực của con chữ” đã sử dụng tự do ngôn luận một cách tùy tiện, thậm chí lợi dụng để phá hoại an ninh tư tưởng và văn hóa. Thời gian qua, một số trí thức, nhà văn, luật sư... đã lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn, viết bài với nhiều kỹ năng cài cắm thông tin mập mờ, trộn lẫn đúng-sai nhằm mục đích xấu, thậm chí chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thông tin và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Không phạm vào “lằn ranh đỏ” giữa tự do ngôn luận và kỷ luật phát ngôn

Có thể thấy, việc hạn chế phát ngôn bừa bãi, thông tin tùy tiện trên mạng xã hội là nhằm bảo vệ cộng đồng chứ không chỉ là việc xử lý, trừng phạt những cá nhân có phát ngôn sai trái, xuyên tạc. Những thông tin sai sự thật có thể dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội. Phát ngôn gây thù ghét, phát ngôn kích động có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực nhắm vào những nhóm đối tượng cụ thể, hành vi kỳ thị dân tộc, giới tính, xuất thân...

Để hiểu đúng và thực hiện tự do ngôn luận theo hiến pháp, pháp luật, trước hết cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong việc sử dụng quyền tự do ngôn luận. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ về an toàn an ninh trên môi trường số, trong đó nhấn mạnh đến giới hạn cần thiết của quyền tự do ngôn luận. Đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội để thông tin sai sự thật, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát, phản biện những ý kiến, thông tin được truyền đạt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Việc này không chỉ giúp làm rõ sự thật mà còn tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh và đa chiều, đồng thời giúp ngăn chặn việc lợi dụng tự do ngôn luận để gây rối, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa.

Quan tâm xây dựng mạng lưới những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia phòng, chống thông tin sai trái, phát ngôn gây thù ghét, những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bôi nhọ chế độ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Những KOLs sẽ chủ động phát hiện, chủ động đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc; đồng thời lan tỏa những thông tin đúng đắn, tích cực đến cộng đồng.

Hiểu đúng tự do ngôn luận và phòng ngừa tự do phát ngôn tùy tiện gây tác hại đến an ninh tư tưởng-văn hóa là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Qua việc tăng cường trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân trong sử dụng tự do ngôn luận, cũng như áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát hợp lý, chúng ta có thể tạo ra một môi trường truyền thông lành mạnh, an toàn, đồng thời bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức xã hội.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, việc hiểu đúng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, cũng như tuân thủ nghiêm túc kỷ luật phát ngôn ở mọi lúc, mọi nơi là việc làm thiết thực góp phần giữ vững môi trường thông tin xã hội lành mạnh; đồng thời cũng là một cách góp phần phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị.

“Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân lương thiện trên thế giới ai cũng muốn hòa bình. Nhưng phải đoàn kết đấu tranh chống đế quốc thực dân thì mới giành được hòa bình thật sự”.

Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân lương thiện trên thế giới ai cũng muốn hòa bình. Nhưng phải đoàn kết đấu tranh chống đế quốc thực dân thì mới giành được hòa bình thật sự”.

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Hòa bình kiểu Mỹ tức là binh họa”, với bút danh “Chiến sĩ”, đăng trên báo Nhân dân, số 3380, ngày 29 tháng 6 năm 1963.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên khát vọng, mong muốn được hòa bình của nhân dân lương thiện thế giới nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng; đồng thời, là lời kêu gọi nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới phải đoàn kết đấu tranh chống đế quốc thực dân thì mới giành được hòa bình thật sự.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, hi sinh để giành độc lập, thống nhất đất nước, nhân dân được sống trong hòa bình và đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Song lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn, được Đảng ta cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa… hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy. Ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Sưu tầm

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị - Phần 2: Tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị trong tình hình mới

Trong quá trình lãnh đạo Quân đội, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng xây dựng Quân đội tinh nhuệ và vững mạnh về chính trị của Đảng ta dần được hình thành, gắn với phương hướng xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Sự tinh nhuệ về chính trị của Quân đội là sự kiên định, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị của Quân đội ở trình độ cao, bảo đảm Quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu thật trong sạch, thật trung thành, tin cậy, “chỗ dựa” thật vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là yêu cầu cao về sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; sự kiên định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội; sự trung thành của Quân đội đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong mọi tình huống. Sự tinh nhuệ về chính trị nhất thiết phải được xây dựng trên cơ sở và nâng lên tầm cao mới vấn đề xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Sự nghiệp xây dựng Quân đội hiện nay và thời gian tới diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có cả cơ hội và thách thức đan xen. Tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang, nội chiến ở một số khu vực trên thế giới diễn ra ngày càng gay gắt dưới nhiều hình thức, với nhiều mức độ, ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái chính trị, tinh thần và tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đặt ra thách thức lớn đối với Quân đội nói riêng và nước ta nói chung.

Ở trong nước, sau gần 40 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gây ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái tư tưởng chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta. Đối với Quân đội, chúng tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy “phi chính trị hóa”..., dễ khiến cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có thể rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu không được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên.

Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với công tác tổ chức lực lượng, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu “phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Quân đội ta tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17-1-2022, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 4-2-2022, của Quân ủy Trung ương, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo...

Trong tình hình mới, vấn đề xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị đang đặt ra cấp thiết nhằm củng cố sự vững chắc, sắc bén về chính trị của Quân đội, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu, bảo đảm Quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong tình hình mới đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội phải nắm vững, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị và tổ chức Quân đội tinh, gọn, mạnh...; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Chú trọng chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phấn đấu với mục tiêu cao nhất là trong Đảng bộ Quân đội không có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng theo Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 9-11-2023, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội và đơn vị. Chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quy, ý thức chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để bộ đội nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội của các thế lực thù địch; hiểu rõ quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ba là, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội trong tình hình mới.

Giữ vững bản chất cách mạng, củng cố sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội là điều kiện bảo đảm cho Quân đội ta mãi mãi là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong tình hình mới, phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước chân chính, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ Quân đội ta là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; luôn thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phấn đấu trong mọi hoàn cảnh, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị, tinh thần của Quân đội; toàn quân luôn có sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng; luôn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội và nhân dân, như tên gọi mà Bác Hồ đã đặt cho là Quân đội nhân dân với hàm ý sâu xa: Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.

Bốn là, tăng cường xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân và đoàn kết quốc tế trong xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị.

Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp phải thực sự nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, tổ chức xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân; thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” của Quân ủy Trung ương và cấp mình bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn đóng quân. Chú trọng làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và nỗ lực phấn đấu, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố mối quan hệ quân - dân trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát huy tối đa những điều kiện bảo đảm cho quan hệ quân - dân ngày càng bền chặt; phấn đấu giảm đến mức thấp nhất vi phạm kỷ luật của bộ đội trong quan hệ với nhân dân, giữ vững và phát huy hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Năm là, chăm lo xây dựng các tổ chức, các lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội thực sự tinh nhuệ về chính trị.

Tập trung xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, các cơ quan trong Quân đội vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội thực sự tiêu biểu, tinh nhuệ về chính trị. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chấp hành nghiêm quy trình công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc ở tất cả các khâu: phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại nhà trường cũng như bồi dưỡng tại chức cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên nghiệp quân sự. Chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa cơ quan, đơn vị và nhà trường để bồi dưỡng, thử thách cán bộ, qua đó tạo nguồn cán bộ. Làm tốt việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, thực chất, làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thực sự trong sạch, tin cậy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy chiến lược đặc biệt sắc sảo, có năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc; tận tụy, hết mực trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Trước mắt, toàn Đảng bộ Quân đội phải làm tốt mọi công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhất là chuẩn bị nhân sự theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng (ngày 13-3-2024), góp phần cùng toàn Đảng xây dựng được “một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân”.

Sáu là, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị.

Sự tinh nhuệ về chính trị của Quân đội được đo bằng hiệu quả thực tế trong thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc kết hợp giữa xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị với chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Tích cực, chủ động thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, đi đôi với nâng cao trình độ nhận thức, củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; tăng cường khả năng “tự miễn dịch”, “sức đề kháng” của cán bộ, chiến sĩ trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Phấn đấu thực hiện mục tiêu Quân đội thực sự đi đầu trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Có thể khẳng định, cho đến nay, tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại. Tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị thời kỳ mới vừa là tình cảm, là sự tri ân, vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, là phương cách tối ưu để xây dựng Quân đội ta hùng mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Sưu tầm