Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Anh với
cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”
Sáng 30-11, tại Thừa Thiên - Huế, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học (HTKH) cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương
Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Trung tướng
Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP),
Trưởng ban chỉ đạo HTKH chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ
Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự
Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng
BQP; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Cùng
dự có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương
Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đại biểu Ban Tuyên giáo Trung
ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; các đồng chí
cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan
và đại diện gia đình Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương khái
quát về cuộc đời và sự nghiệp cách mạnh của đồng chí Lê Đức Anh: Sinh ra
và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng,
chứng kiến sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống
trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ và tham
gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi (năm 1937), trở thành
đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 18
tuổi (năm 1938).
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh vượt qua bao
cam go, thử thách khốc liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Dù trên cương vị công tác và trong bất
kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn giữ vững ý chí,
phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân
dân”; bản lĩnh và sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết
liệt trong mọi công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đã
nhấn mạnh những mốc son trong cuộc đời hoạt động đầy oanh liệt, vinh quang của
của đồng chí Lê Đức Anh với những đóng góp quan trọng trong cuộc Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và công lao lớn trong hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Phẩm chất và tài năng của
đồng chí Lê Đức Anh không ngừng tỏa sáng, phát huy trên các cương vị
được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó; luôn tuyệt đối trung
thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; là người chỉ huy, vị tướng tài
ba, nhà lãnh đạo xuất sắc, trung kiên và có uy tín của Đảng và Nhà
nước ta.
Đặc biệt, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy
Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Đại tướng Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ, Đảng ủy Quân
sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định
đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, phát huy sức
mạnh toàn dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng
nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng khu vực
phòng thủ, nhất là tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển
đảo, xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại”, quan tâm đời sống cán bộ, chiến sĩ, thực
hiện chính sách hậu phương quân đội.
Với cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể
Bộ Chính trị khởi xướng và đề xuất nhiều quyết sách quan trọng chỉ đạo toàn
dân, toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất
nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng bị bao vây, cấm vận; cùng
Trung ương Đảng, Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi Hiến
pháp phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, bảo đảm cho công cuộc
đổi mới đi đúng hướng. Những cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh rất to lớn, nổi
bật trên cả lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh:
HTKH là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong
chuỗi các sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Đức Anh. Những
tham luận và ý kiến được trình bày tại hội thảo sẽ góp phần bổ sung những
thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi,
phong phú của đồng chí Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to
lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; qua đó,
góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do
Đảng khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu
nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế
hệ trẻ noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu
biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam, ra sức học tập, lao động, cống hiến sức
lực, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Để hội thảo đạt được ý nghĩa, mục đích đã xác
định, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học cần
tập trung thảo luận, khẳng định cuộc đời, sự nghiệp cách mạng gian khổ nhưng vẻ
vang của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Làm rõ công lao, cống hiến to lớn
của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc
biệt là đối với thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây
Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn
Pốt. Phân tích và làm sâu sắc hơn những quan điểm, tư tưởng của đồng chí
Lê Đức Anh về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển khoa học, nghệ thuật
quân sự Việt Nam; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân
dân vững mạnh toàn diện; củng cố quốc phòng; mở rộng quan hệ đối ngoại của đất
nước.
Đồng thời HTKH phải khẳng định những giá trị tinh thần, bài
học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và cuộc sống
bình dị của đồng chí Lê Đức Anh, góp phần giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu
nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương Thừa
Thiên - Huế cho các thế hệ người Việt Nam, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông qua kết quả hội thảo, cần đẩy mạnh tuyên truyền
về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như tấm gương học tập, phấn đấu, rèn
luyện, cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh cho đất nước, cho dân tộc; đồng thời
tổ chức thêm các hoạt động thiết thực để mọi tầng lớp nhân dân hiểu thêm, hiểu
rõ và tự hào về người lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt
Nam.
Tin, ảnh ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét