Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

 Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 – 01/12/2020)

TƯ LỆNH BINH ĐOÀN CÁNH TÂY NAM TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
Đại tướng Lê Đức Anh là nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông trải qua nhiều chức vụ. Ở cương vị nào, với tư chất thông minh, lối tư duy sắc bén, biện chứng, lại mẫn cảm về chính trị và quân sự, ông đều nhận thức chính xác tình hình, chủ động đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ đặc biệt khó khăn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Lê Đức Anh là Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Binh đoàn cánh Tây Nam-binh đoàn chủ lực tiến công từ phía Tây Nam vào thành phố Sài Gòn.
TỪ ĐOÀN 232 ĐẾN BINH ĐOÀN CÁNH TÂY NAM
Sau Chiến dịch Đường 14-Phước Long, cuối tháng 1-1975, Trung ương Cục miền Nam khẳng định: Lực lượng vũ trang B2 có đủ khả năng tự giải phóng các địa phương trên địa bàn nên đã thông qua bước 2 kế hoạch mùa khô 1974-1975 do Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Miền Lê Đức Anh đề xuất, gồm 3 điểm: 1. Giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9, chia cắt tuyến Quốc lộ 4 nối Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long; 2. Hoàn thành một bước quan trọng ý định chiến lược chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược đánh vào thành phố Sài Gòn; 3. Đánh địch vừa tạo thế trận vừa nhằm tiêu diệt sinh lực của chúng.
Để thực hiện kế hoạch nêu trên, Bộ tư lệnh Miền quyết định thành lập một đơn vị chủ lực có quy mô cấp quân đoàn. Để giữ bí mật, đơn vị lấy phiên hiệu Đoàn 232, tương tự phiên hiệu các đoàn hậu cần khu vực được thành lập trước đó trên chiến trường B2. Đoàn 232 thành lập đầu tháng 2-1975, biên chế ban đầu gồm: Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị pháo binh, xe tăng, thông tin, công binh và cơ quan đoàn bộ. Bộ chỉ huy Đoàn 232 gồm Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà, tư lệnh), Đại tá Trần Văn Phác (Tám Trần, chính ủy), Đại tá Bùi Thanh Vân (Út Liêm, phó tư lệnh), Đại tá Trần Văn Nghiêm (phó tư lệnh). Ngay sau khi thành lập, Đoàn 232 khẩn trương thực hiện nhiệm vụ mở hành lang trên hướng tây nam Sài Gòn, đánh địch từ Tây Ninh xuống Kiến Tường, làm chủ vùng phía tây sông Vàm Cỏ Đông, đánh chiếm chi khu Dầu Tiếng, tiến công các căn cứ Suối Ông Hùng, Cầu Khởi Bến Cầu, Mộc Bài, Đức Hòa Tuyên Nhơn, Bình Thành, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Kiến Tường.
Đầu tháng 4-1975, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ tư lệnh Miền, Bộ Chính trị hoàn chỉnh kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn, ngày 8-4-1975, công bố quyết định thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (từ ngày 14-4-1975 mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh). Thực hiện kế hoạch trên, Đoàn 232 đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam. Bộ tư lệnh Binh đoàn gồm: Trung tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam, tư lệnh), Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Hai Chân, chính ủy), Đại tá Lê Quốc Sản (Tám Phương, phó tư lệnh), Đại tá Trần Văn Nghiêm (tham mưu trưởng). Binh đoàn được bổ sung Sư đoàn 9, Trung đoàn 271B, 2 trung đoàn chủ lực của Quân khu 8 (24, 88), 1 tiểu đoàn xe tăng T54, 1 tiểu đoàn pháo 130mm, 6 khẩu pháo cao xạ và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật khác.
Địa bàn tác chiến của Binh đoàn cánh Tây Nam chủ yếu là đồng nước, sình lầy, sông rạch chằng chịt, không thích hợp với cách đánh sử dụng đội hình lớn, tập trung và đặc biệt khó khăn trong tổ chức hành quân cơ động lực lượng. Tư lệnh Lê Đức Anh chủ trương tổ chức đội hình tiến công gồm cả các đơn vị binh chủng nặng như xe tăng, đại bác. Ông chỉ đạo các đơn vị pháo binh tháo rời các bộ phận của pháo đưa xuống thuyền, xuồng ba lá vượt Đồng Tháp Mười; chỉ đạo đơn vị xe tăng bịt kín các chi tiết hở trên xe để vừa hành quân trên bờ kênh vừa xuôi theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết. Bằng cách cơ động nói trên, đến ngày 9-4-1975, các đơn vị của binh đoàn nổ súng tiến công chi khu Mộc Hóa, áp sát Thủ Thừa và Tân An. Sư đoàn 5 tiến công hệ thống đồn bốt địch ở phía bắc Quốc lộ 4, giải phóng một vùng rộng lớn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây và kênh Bo Bo. Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 đưa toàn bộ binh khí kỹ thuật đến đầu cầu phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 3 áp sát Đức Hòa-Hậu Nghĩa, hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược trên hướng tây nam thành phố Sài Gòn.
MỘT TRONG 5 BINH ĐOÀN TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG SÀI GÒN
Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Theo kế hoạch, lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn được tổ chức trên 5 hướng: Đông Nam, Đông, Bắc, Tây Bắc và Tây-Tây Nam. Tiến công trên hướng Tây và Tây Nam, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ huy Binh đoàn cánh Tây Nam cùng các đơn vị phối thuộc và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu chặn cắt Quốc lộ 4, tiến công thị xã Hậu Nghĩa, chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ, thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa.
Ngày 28-4, các đơn vị của binh đoàn tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn, đánh chiếm một số mục tiêu, cắt mọi đường giao thông thủy, bộ, triệt để cô lập Sài Gòn. Sư đoàn 3 đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh-Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 5 cắt đứt hoàn toàn Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đến Long An. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Mỹ Hạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 đánh chiếm các căn cứ mở rộng khu vực đứng chân phía bắc Cần Giuộc và làm chủ đường số 5.
Ngày 29-4, binh đoàn đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 tiếp tục giữ vững Quốc lộ 4, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom.
Ngày 30-4, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam đồng loạt tổng công kích vào nội thành. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực Hậu Nghĩa, hai bên sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 5 đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Sư đoàn 9 đánh chiếm biệt khu thủ đô, trung tâm ra-đa Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ. Trung đoàn 16 đánh chiếm khu Xa cảng miền Tây, An Lạc, Bình Điền. Trung đoàn 24 đánh chiếm bốt cảnh sát quận 8, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Trung đoàn 88 đánh chiếm Đa Phước, Ông Thìn, khu Nhà Bè. Đến 11 giờ ngày 30-4, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam đã cắm cờ giải phóng trên nóc nhà biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát, dinh tỉnh trưởng Long An và các căn cứ khác. Một số mũi thọc sâu của binh đoàn đã phát triển hợp điểm với các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.
“PHẢI THẤY RÕ CẢ 5 CÁNH QUÂN TỪ 5 HƯỚNG”
Binh đoàn cánh Tây Nam hình thành trên cơ sở phát triển Đoàn 232, một đơn vị chủ lực Quân Giải phóng cấp quân đoàn ra đời trong quá trình phát triển của cách mạng miền Nam ở vào thời đoạn cuối, khởi từ kết quả của Chiến dịch Đường 14-Phước Long. Nó là bước phát triển tất yếu của lực lượng vũ trang cách mạng trước đòi hỏi của thực tiễn. Từ Đoàn 232 đến Binh đoàn cánh Tây Nam lại là bước phát triển tiếp nhằm thực hiện thắng lợi quyết tâm của Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 “nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất”.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tướng Lê Đức Anh, hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã góp phần quyết định chia cắt hành lang chiến lược nối Sài Gòn (biệt khu thủ đô) với miền Tây Nam Bộ (vùng IV chiến thuật); thực hiện một đòn tiến công hiểm, từ phía sau vào hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn. Hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam mang dấu ấn rõ nét tư duy và phong cách chỉ huy của Tư lệnh Lê Đức Anh. Đó là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng lực lượng vũ trang, về cách thức tổ chức đơn vị chủ lực cấp quân đoàn với trang bị khí tài hiện đại tại vùng đồng bằng sông nước, về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng giữa các đơn vị chủ lực với hoạt động tác chiến phối hợp tạo thế của lực lượng vũ trang địa phương, sự nổi dậy giải phóng quê hương của quần chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở địa bàn đặc thù Nam Bộ.
Hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam còn thể hiện tư duy quân sự hệ thống của đồng chí Lê Đức Anh. Ông từng nói: “Nếu nói tới Chiến thắng 30-4 mà chỉ nói nhiều đến đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập thôi thì không đủ. Mà phải thấy rõ cả 5 cánh quân từ 5 hướng, lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ trong nội đô cùng nổi dậy và tiến công đồng loạt vào sào huyệt cuối cùng của quân địch với một quyết tâm và nỗ lực rất cao, trong đó kết quả tác chiến của đơn vị này đã mở ra điều kiện thuận lợi, thậm chí rất thuận lợi cho đơn vị kia”. Chúng ta không tuyệt đối hóa vai trò của Binh đoàn cánh Tây Nam nhưng cũng thể không nhắc đến những đóng góp của binh đoàn này trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong đó có vai trò của đồng chí Lê Đức Anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét