Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh với các biện pháp mạnh mẽ hơn, không hoang mang dao động khi có ca nhiễm trong cộng đồng, gắn với xử lý trách nhiệm khi để xảy ra việc lây nhiễm.
Chiều 1-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về tình hình dịch COVID-19, nhấn mạnh ca lây nhiễm ra cộng đồng xuất hiện, số lượng F1, F2 lớn, ở nhiều tỉnh và địa phương là nghiêm trọng.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cơ quan nào, đơn vị nào để lây nhiễm trong quá trình cách ly, đồng thời thảo luận các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt.
Cần có chủ trương nhất quán nơi công cộng, biện pháp mạnh hơn
Thủ tướng chỉ đạo tình hình dịch COVID-19 không phải quá xa lạ nên không nên hoang mang, dao động. Đến nay với ca lây nhiễm ra cộng đồng, cần tìm ra nguyên nhân để xử lý, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ kiểm soát dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng các sự kiện chính trị lớn của đất nước.
Biện pháp quản lý, theo Thủ tướng, chủ trương nhất quán là nơi công cộng, khu vực đông người phải thực hiện nghiêm một số khâu. Lúc này cần có chủ trương mạnh hơn ở nơi công cộng như siêu thị, cửa hàng ăn, nhà hàng, bệnh viện.
"Có nước xịt, đo nhiệt độ đâu, biện pháp đến đâu rồi? Trên giấy thì có mà hành động thì không được, nên phải rà lại" - Thủ tướng nêu.
Có ca nhiễm từ lỗ hổng cách ly tập trung, đề nghị dừng chuyến bay thương mại
Với Việt Nam, đã phát hiện ca nhiễm trên cộng đồng có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân dương tính là tiếp viên hàng không.
"Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào Việt Nam là hiện hữu. Bộ Y tế đã cảnh báo việc rò rỉ lây nhiễm ra cộng đồng là có và TP.HCM là điển hình, nên cần phải nêu cao tinh thần không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và không tự mãn kết quả. Do đó, cần tăng cường tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt thời gian tới có nhiều sự kiện chính trị quan trọng" - ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế, nói đồng thời đề nghị dừng tổ chức các chuyến bay thương mại vì số ca lây nhiễm ngày càng tăng như đang "chở bệnh" về nước.
Địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh từ đường bộ vào Việt Nam vì còn tình trạng nhập cảnh trái phép. Đề nghị dừng tổ chức chuyến bay trọn gói của các tỉnh, địa phương, do gây căng thẳng cho địa phương kiểm soát dịch.
Phương án xử lý trách nhiệm để lây nhiễm cộng đồng
Đối với ca lây nhiễm trong cộng đồng ở TP.HCM là thầy giáo dạy tiếng Anh, ông Long cho hay Bộ Y tế đã chỉ đạo truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh, cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt.
Về lịch sử dịch tễ, bệnh nhân 1342 (tiếp viên hàng không) lây nhiễm trong khu cách ly, là bệnh nhân đầu tiên lây trong khu cách ly và về nhà làm lây ra cho bệnh nhân 1347 (giáo viên tiếng Anh). Do đó, ông Long cho rằng nếu khoanh vùng nhanh thì số phát hiện nhiễm bệnh chỉ dưới 10, còn nếu không làm nhanh triệt để thì con số này có thể tăng theo cấp số nhân.
"Phải triển khai quyết liệt các biện pháp để tăng tốc truy vết, rà soát lại tất cả các vấn đề cách ly và các địa điểm. Bộ đã khởi động đội truy vết của trung ương để hỗ trợ TP.HCM không để lây nhiễm sang chu kỳ thứ ba" - ông Long nói.
Ông Long nhận định bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà, đã tiếp xúc người khác. Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly.
UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và bệnh nhân 1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét