Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Nhận diện sự xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tư tưởng Hồ Chí Minh

 


Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của Đảng và cách mạng Việt Nam. Do đó, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là mục tiêu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bài viết góp phần nhận diện động cơ, mục đích và những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về động cơ, mục đích xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh: Lực lượng tham gia xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh khá đa dạng về thành phần với những động cơ khác nhau nhưng tựu chung, có một số động cơ chính sau đây:  

Thứ nhất, tư tưởng chống cộng, sự thâm thù với chủ nghĩa cộng sản mà Hồ Chí Minh lại là người cộng sản vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Trong quá trình tìm đường cứu nước, với tuệ giác ngời sáng và sự chiêm nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường mới để giải phóng dân tộc. “Như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”[1], chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa nhà yêu nước Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc về hệ tư tưởng cộng sản. Trong một thế giới đa dạng, sự tồn tại của các ý thức hệ và luồng tư tưởng khác nhau là điều rất bình thường. Bản thân Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[2]. Tuy nhiên, do lợi ích của giai cấp bóc lột bị đe dọa, từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin đã có rất nhiều kẻ thù tư tưởng; người cộng sản nào càng có uy tín, càng có ảnh hưởng lớn thì càng là đối tượng để những kẻ thâm thù chủ nghĩa cộng sản tấn công. Xét về công lao và tầm ảnh hưởng, Hồ Chí Minh là người đã mang ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đến với các dân tộc phương Đông, đã làm tan vỡ hệ thống thuộc địa - nguồn sống quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, đã cổ vũ loài người trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Con người “đánh đắm chủ nghĩa thực dân” bằng tư tưởng giải phóng, tất yếu sẽ là đối tượng tấn công của những kẻ muốn duy trì sự nô dịch trên toàn thế giới.

Thứ hai, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ, phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thoái trào; kẻ thù đắc ý tuyên bố về “sự cáo chung” của học thuyết Mác và tương lai vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Thành công của sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam và ở một số nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã phản bác lại luận điệu đó. Vì thế, cách mạng Việt Nam trở thành “tâm điểm” của sự chống cộng. Lực lượng thù địch cho rằng, nếu chúng thành công trong việc xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và đánh đổ “thần tượng Hồ Chí Minh”, Việt Nam không chỉ mất đi cội nguồn tinh thần và định hướng phát triển mà còn mất đi chất keo “kết dính” toàn Đảng và sự gắn kết giữa Đảng và dân. Rõ ràng, ở đây không chỉ là sự thâm thù chủ nghĩa cộng sản mà còn là âm mưu tạo phản - một hành động vi hiến, cần lên án. 

Thứ ba, sự bất mãn của một số cá nhân từng có vị trí nhất định trong hệ thống chính trị và số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Hồ Chí Minh từng căn dặn “vào Đảng không phải để làm quan phát tài” nhưng không phải cán bộ nào cũng thấm được tinh thần đó. Tham vọng quyền lực đã biến họ thành kẻ cơ hội chính trị và khi không đạt được mục đích thì sinh ra bất mãn. Có người trong số họ vì tính sai một “nước cờ chính trị” mà trở thành kẻ lưu vong, lấy việc nói xấu, vu khống làm nguồn sống. Tự cho mình là “người trong cuộc”, họ đã “thêm thắt”, tạo ra những thông tin thất thiệt để bôi nhọ Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo khác nhằm che đậy sự phản bội, bất mãn cá nhân. Trong thời gian gần đây còn  xuất hiện “những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”[3] bị thoái hóa, biến chất. Đây là điều rất đáng lo ngại, rất đáng trách bởi trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, cái tốt đẹp và cái tiêu cực là lẽ đương nhiên, sự sai lầm và vấp váp là điều khó tránh và trong tổ chức Đảng gồm nhiều cá nhân thì đương nhiên “không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay”[4]. Lẽ ra, mỗi đảng viên phải kiên trì làm cho phần tốt “nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”[5], tức là đấu tranh nhưng để khẳng định thì họ lại bới móc để phủ định công lao của Hồ Chí Minh, của Đảng và thành tựu Đổi mới.

Về thủ đoạn xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh

Về mặt nội dung, chúng thường sử dụng một số thủ đoạn sau đây:

Chúng ra sức phủ định sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh; cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, được khẳng định bởi các học giả trong và ngoài nước, những kẻ xuyên tạc vẫn rêu rao, rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Chúng đưa ra các luận chứng mang tính khiên cưỡng: Xét về nội dung thì Hồ Chí Minh chỉ giỏi tổng hợp lại chủ kiến của người chứ không có tư tưởng của mình; xét về hình thức thì Hồ Chí Minh chỉ có bức thư ngắn, bài viết, bài nói ngắn chứ không có các tác phẩm lớn như các nhà tư tưởng khác. Việc kẻ chống phá “quay lưng” với những bằng chứng xác thực về giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh không xuất phát từ lý do khoa học mà từ động cơ chính trị đen tối; đây không phải là sự cố chấp, bảo thủ mà là sự cố tình phủ nhận, “đổi trắng thay đen”.

Đối ngược lại với sự phủ nhận, thủ đoạn thâm độc hơn của chúng là “tôn vinh” tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách so sánh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin và cho rằng, chủ nghĩa Mác Lênin đã lỗi thời, hiện chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là có giá trị. Đây chính là thủ đoạn “nâng lên” để “hạ xuống” bởi chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm nên bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi cội nguồn lý luận quan trọng nhất thì đó cũng không còn là tư tưởng Hồ Chí Minh với những đặc tính tốt đẹp.

Chúng còn chủ tâm cắt xén những câu nói, câu viết của Hồ Chí Minh và tách câu nói đó ra khỏi văn cảnh để làm sai lệch tư tưởng của Người. Đây cũng là một thủ đoạn hết sức tinh vi bởi cũng như mọi học thuyết lý luận chân chính khác, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của lịch sử và ra đời để giải quyết yêu cầu của lịch sử lúc đó. Việc nhận thức về tư tưởng của Người sẽ trở thành sai lầm nếu bị “đẩy” ra ngoài giới hạn sinh tồn của nó. Hơn nữa, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chiến lược vĩ đại mà còn là một nhà sách lược đại tài với cách nói, cách ứng xử sao có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam trong một tình huống cụ thể. Vì thế, việc “cắt xén” và “bóc tách” các câu nói của Hồ Chí Minh ra khỏi văn cảnh và hệ thống quan điểm nhất quán sẽ dẫn đến việc làm sai lệch tư tưởng của Người.

Để xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực phản động còn đang tâm bịa đặt về thân thế, sự nghiệp, đời tư của Người. Phải nhấn mạnh rằng, sự đồn thổi theo kiểu “ăn không nói có” về đời tư của Hồ Chí Minh không phải bây giờ mới có. Bằng chứng là từ năm 1947, Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn một nhà báo như sau: “Tôi vẫn mạnh khỏe mặc dầu tin Pháp đã mấy lần đồn rằng tôi chết rồi. Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi... Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn, ngoạn thủy, đọc sách, làm vườn”[6]. Những kẻ xuyên tạc cố tình không hiểu rằng, để hoạt động bí mật nay đây, mai đó, Hồ Chí Minh nhiều khi buộc phải làm “mờ”, “làm nhiễu” thông tin về mình và luôn “hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”[7]. Chỉ có những kẻ “vô minh”, “vô đạo” mới dùng thủ đoạn này để bôi nhọ người đã hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân loại.

Mục đích sâu xa của việc xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh là để phủ nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản nên một thủ đoạn nữa mà chúng hay dùng là đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối của Đảng, lấy tấm gương đạo đức, cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để thóa mạ Đảng. Phải thừa nhận rằng, vì nhiều lý do, có thời điểm, đường lối của Đảng chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần Hồ Chí Minh và hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không tu dưỡng đạo đức theo lời dặn của Người. “Con sâu làm rầu nồi canh”, thế lực thù địch đã khuếch đại những khuyết điểm, làm ngơ trước những ưu điểm, đồng nhất những kẻ thoái hóa với bản chất của Đảng, đưa lỗi cá nhân thành lỗi hệ thống. Chúng lớn tiếng rêu rao, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay không còn tốt đẹp như lúc Hồ Chí Minh còn sống, Đảng bây giờ không còn là “Đảng ta” trong mối quan hệ với nhân dân...Vì thế, phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, tức xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay cả khi Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại trừ các vấn nạn trong công tác cán bộ thì chúng cũng quy kết là “đánh đấm nội bộ”, “đấu tranh giữa các phe phái vì quyền lực”. Trước kỳ Đại hội, chúng còn tung rất nhiều thông tin bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để thóa mạ, phủ nhận Đảng, chúng làm ra vẻ khách quan là lấy đạo đức, sự nghiệp của Hồ Chí Minh làm “hệ quy chiếu”. Đề cao Hồ Chí Minh để chống Đảng là thủ đoạn rất nguy hiểm vì nó có thể làm một bộ phận dân chúng vốn rất kính yêu Hồ Chí Minh trở nên bất mãn với chế độ hiện nay. 

Chúng còn ra sức phủ nhận sự cần thiết và hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây thực chất là sự phủ nhận giá trị thực tiễn và sức sống của di sản Hồ Chí Minh. Lý do chúng đưa ra là: Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có giá trị trong cách mạng giải phóng dân tộc, còn thế giới ngày nay là thế giới hội nhập; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là không thể học tập vì Hồ Chí Minh là bậc “thánh nhân” trong khi chúng ta là người thường, Hồ Chí Minh là người đi theo chủ nghĩa khổ hạnh trong khi chúng ta đang có cuộc sống bình thường ở thế giới hiện đại. Chúng không hiểu rằng, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã có chiến lược hội nhập sâu rộng và không để vấn đề ý thức hệ bó hẹp quan hệ quốc tế của Việt Nam. Người cũng không bao giờ tỏ ra là bậc “thánh nhân”, là người toàn vẹn mà luôn yêu cầu cán bộ góp ý cho mình, rằng “nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi”[8]. Hồ Chí Minh được đánh giá là “con người ít ai có thể với tới, không ai có thể vượt qua” nên học tập Hồ Chí Minh không phải là bắt chước hành vi của Người để rồi thành một “Hồ Chí Minh thứ hai” mà là học tinh thần giải phóng, đạo đức vì dân, tư duy linh hoạt, phong cách văn hóa của Người để mỗi cá nhân trở nên tốt đẹp hơn so với chính mình và điều này thì hoàn toàn có thể. Do đó, đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là giải pháp hữu hiệu để “tự bảo vệ”, “tự làm sạch” của mỗi cá nhân và tổ chức Đảng.

Về mặt hình thức thì chúng sử dụng nhiều hình thức để phát tán các tin, bài, videoclip xấu độc. Theo A 25, Bộ Công an, ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản bên ngoài tập trung tuyên truyền chống phá Việt Nam; hằng năm có hơn 3000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng[9]. Việt Nam là nước có số người dùng internet và mạng xã hội thuộc “tốp đầu” thế giới với khoảng 64 triệu người dùng internet (67% dân số) và hơn 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57% dân số), đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất [10] nên chúng ra sức sử dụng internet và các trang mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước.

 



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173.

[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.315.

[3]. ĐCSVN: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 195.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 302.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.672.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 201.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr. 463.

 

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 260.

[9]. Xem: Hội đồng lý luận Trung ương: Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái thù địch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.13-14.

[10]. Xem: http://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tang-cuong-ky-nang-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-mang-xa-hoi-o-cac-truong-trong-quan-doi-hien-nay-544443.html.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét