Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC TƯ DUY CỦA ĐẢNG VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN


          Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đánh tan xiềng xích thực dân gần một trăm năm, đưa chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, trước khi đổi mới, quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền chưa thực sự được định hình rõ ràng, cụ thể; quá trình tổ chức thực hiện xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

          Dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ nhất lần đầu tiên tại Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994). Trong Văn kiện này, lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được sử dụng và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Ngay sau đó, Hội nghị lần thứ tám (khóa VII) đã ra Nghị quyết về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cải cách một bước nền hành chính nhà nước.

          Kể từ đó, tiếp thu, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về mô hình nhà nước, quan điểm về Nhà nước pháp quyền XHCN của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình nhận thức tư duy lý luận của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội từng bước được phát triển. Những quan điểm, đường lối đó được thể hiện rất rõ qua các văn kiện của Đảng và được cụ thể hóa trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Sau một thời gian tổ chức xây dựng, tiếp tục nhất quán với quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đại hội XII của Đảng nhận định: “Quan điểm và thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản…”. Tuy nhiên, “chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thật hợp lý, hiệu lực, hiệu quả… Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đặt ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”. Nguyên nhân của tình trạng này được Đảng nêu rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa nghiêm”.

          Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

          Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Đại hội XIII của Đảng đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số điểm mới về tư duy xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực thi trên thực tế. Đồng thời, xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

          Như vậy, Đại hội XIII của Đảng trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn đã bổ sung, phát triển tư duy về phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN. Những bổ sung, phát triển ấy một lần nữa khẳng định: Mặc dù, trong mỗi giai đoạn lịch sử có những thay đổi về mô hình bộ máy nhà nước, nhưng xuyên suốt mạch phát triển là nhận thức và hành động nhất quán về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong điều kiện mới.

 

1 nhận xét:

  1. Tiếp thu, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về mô hình nhà nước, quan điểm về Nhà nước pháp quyền XHCN của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình nhận thức tư duy lý luận của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội từng bước được phát triển

    Trả lờiXóa