Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

          Để đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng DT&MN cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

          Bên cạnh đó, văn kiện cũng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”.

          Trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng, văn kiện đã nêu ra những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Với vùng trung du và miền núi phía Bắc cần “Phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hóa dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ…”.           Đối với vùng Tây Nguyên, bên cạnh phát triển các thế mạnh của vùng cần đẩy mạnh “Phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”.

          Đối với các vùng khác như: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hay vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù văn kiện không nêu lên những vấn đề có liên quan cụ thể đến đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa phát huy các ưu thế của vùng để phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng nói chung, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, bởi đây là những vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống,

          So với các kỳ đại hội trước đây, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc được đề ra chỉ mang tính khát quát chung toàn bộ về vùng dân tộc và miền núi thì trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã chủ trương chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đây được xem là điểm mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm đảm bảo phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng cũng như từng dân tộc. Vấn đề này không chỉ giúp cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, bởi từng vùng hay mỗi dân tộc đều có những đặc điểm khác nhau, nhất là các đặc điểm về bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, còn “Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung”.


1 nhận xét: