Triết lý sống giản dị

- Thôi cháu ạ! Chú chả có gì đáng để viết đâu!

PGS Trần Minh Đức đã từ chối ngay khi tôi gọi điện thoại đề nghị được tìm hiểu viết bài về ông, dù tôi được một người bạn mà ông rất tín nhiệm giới thiệu.

Tôi tìm đến và thuyết phục mãi thì ông mới đồng ý, nhưng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông cẩn thận dặn tôi mấy lần: “Nhà báo viết giản dị, đừng đưa tôi lên mây nhé! Những việc tôi làm rất bình thường thôi”. 

Không biển hiệu cầu kỳ, phòng khám của bác sĩ Trần Minh Đức đơn sơ, giản dị như chính con người ông vậy. Ở đây có một giường bệnh, một chiếc bàn làm việc với chiếc máy tính xách tay kết nối với máy in để in đơn thuốc và một số dụng cụ khám cơ bản như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế, đèn đọc phim X quang, búa phản xạ; một tủ thuốc cấp cứu gồm các phương tiện và thuốc cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ một mình bác sĩ Trần Minh Đức trực tiếp làm tất cả mọi việc, không có y tá, trợ lý như nhiều phòng khám khác nhưng những việc ông làm vô cùng ý nghĩa, đó là khám, chữa bệnh cứu người với mức phí rất nhỏ và khám miễn phí cho người nghèo, bạn bè, đồng đội, hàng xóm láng giềng... Đặc biệt, bác sĩ Đức khám bệnh rất tận tâm và đầy trách nhiệm, khiến người bệnh nào gặp ông cũng cảm thấy yên tâm, phấn khởi.

Bác sĩ Đức làm việc phúc
Bác sĩ Trần Minh Đức khám bệnh cho bệnh nhân tại phòng khám. Ảnh: ĐỨC MINH  

Không ít người khuyên bác sĩ Đức rằng, ông chỉ cần đi làm thuê cho một cơ sở y tế nào đó mỗi ngày vài giờ cũng kiếm bộn tiền; hoặc mua sắm thêm máy móc, trang bị, mở rộng phòng khám để thu hút nhiều bệnh nhân, bởi một thầy thuốc giỏi có tiếng với học hàm, học vị cao như ông thì kiếm tiền rất dễ. Nhưng bác sĩ Đức không nghĩ thế! Về nghỉ hưu, ông tâm nguyện phải tiếp tục làm việc để vừa sống vui khỏe vừa có ích cho xã hội. Theo ông, nếu mua thêm máy móc, xây dựng phòng khám to hơn, thuê thêm nhân viên phục vụ... thì phải bỏ ra chi phí rất lớn. “Tất cả chi phí ấy đương nhiên đổ lên đầu người bệnh. Điều đó thì tôi không muốn vì đối tượng bệnh nhân của tôi khác, mục đích của tôi cũng khác, tôi làm không phải để kiếm tiền. Tôi tự tin rằng vẫn có bệnh nhân thực sự cần đến tôi”-bác sĩ Đức bộc bạch. Sự thật đúng như vậy, rất nhiều bệnh nhân đã tìm đến và được ông chữa khỏi bệnh dù trước đó có người đã đi nhiều nơi, tốn không ít tiền bạc.  

Bác sĩ Đức không mở cửa phòng khám suốt ngày mà thường trao đổi, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân qua điện thoại hoặc zalo, facebook; những trường hợp thực sự cần thiết mới phải đến khám trực tiếp. “Mỗi ngày tôi chỉ hẹn khám cho 3-4 người. Tôi đặt yêu cầu về chất lượng chứ không cần lấy số lượng vì tôi không áp lực về tiền bạc. Với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và những người quen thì tôi khám hoàn toàn miễn phí”, bác sĩ Đức chia sẻ. 

- Làm sao biết người đến khám có thật là người nghèo hay không? - Tôi hỏi ông.

- Phí khám bệnh tôi chỉ thu 100 nghìn đồng, nhằm bảo đảm chi phí cho phòng khám hoạt động và hỗ trợ những bệnh nhân khó khăn. Tôi nghĩ không ai lại phải “giả nghèo” để không trả 100 nghìn đồng đó.

Tâm huyết "truyền lửa", truyền nghề

Bác sĩ Trần Minh Đức tốt nghiệp chuyên khoa cấp II ở tuổi 34, là bác sĩ chuyên khoa cấp II trẻ nhất toàn quân mà cũng là trẻ nhất cả nước thời điểm đó. Rồi ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu chẩn đoán và điều trị ngoại khoa ung thư tuyến giáp”. Đây cũng là luận án tiến sĩ chuyên ngành ngoại khoa đầu tiên về điều trị ung thư tuyến giáp tại Việt Nam khi ấy. 

Trò chuyện với một số đồng nghiệp của bác sĩ Trần Minh Đức, chúng tôi được biết, ông có 14 năm làm Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Quân y 103. Lúc đang tại chức, bác sĩ Đức đã mong muốn mở phòng khám ở nhà để góp phần giúp đỡ những người không có điều kiện vào bệnh viện, nhưng khi đó, công việc quá bận rộn nên ông không thực hiện được. Đến khi nghỉ hưu, dù nhiều bệnh viện, phòng khám ngỏ ý mời ông về làm việc với mức thu nhập cao nhưng ông đều từ chối để quyết tâm thực hiện mong muốn bấy lâu là tự mở phòng khám giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Phòng khám nhỏ của ông đã phục vụ hàng nghìn người bệnh.  

Theo bác sĩ Đức, ông muốn mở phòng khám còn bởi qua đó ông tiếp tục được làm việc, tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức của nghề thầy thuốc, khi có dịp thì sẽ trao đổi, phổ biến kinh nghiệm cho các đồng nghiệp. Có lẽ chính vì thế nên ông được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò nể trọng; những chẩn đoán, chỉ định của ông chính xác, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

- Tôi yêu nghề dạy học, yêu nghề điều trị lắm!

Bác sĩ Trần Minh Đức nói điều ấy với ánh mắt lấp lánh niềm vui, niềm tự hào. Ông tâm sự: “Tôi có được như ngày nay là nhờ may mắn được làm việc trong môi trường tốt, môi trường bệnh viện thực hành. Chúng tôi phải thực hiện 3 nhiệm vụ: Đào tạo, điều trị, nghiên cứu nên buộc phải nỗ lực hết sức, áp lực ấy làm cho mình phải làm việc nghiêm túc, phấn đấu không ngừng. Việc dạy học giúp tôi nâng cao trình độ, đặc biệt những lần tham gia hội đồng chấm nghiên cứu sinh là cơ hội để cập nhật thêm kiến thức mới, giúp chúng tôi tiến bộ hơn”.

Là người thầy thuốc-thầy giáo thực sự tâm huyết, trách nhiệm nên ông "truyền lửa" đến học trò rất tự nhiên, thuyết phục. Khi tôi vừa nhắc đến PGS, TS Trần Minh Đức thì chàng học viên Nguyễn Minh Triết (khóa 54, Khoa Bác sĩ đa khoa, Học viện Quân y) đã hào hứng bày tỏ: “Thầy Đức không trực tiếp giảng dạy em nhưng luôn tận tình mỗi khi em cần sự giúp đỡ của thầy. Thầy là một người vừa có tài, vừa có đức, tận tâm, tận lực, nhiệt huyết với nghề. Kiến thức chuyên môn của thầy rất uyên thâm. Thầy truyền cho chúng em ngọn lửa nhiệt huyết ấy. Với em, thầy không chỉ là một người thầy mà còn như một người cha vậy. Khi tham gia chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, gặp những ca bệnh phức tạp, em thường gọi điện về nhờ thầy Đức tư vấn, hướng dẫn"...

 “Hữu xạ tự nhiên hương”

Đã nghỉ hưu, lại ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bác sĩ Trần Minh Đức vẫn không ngừng học tập, cập nhật cái mới. Học tập chuyên môn là một chuyện, ông còn sử dụng rất thành thạo mạng xã hội. Trang Facebook “Phòng khám gia đình Văn Quán Hà Đông” do chính ông duy trì đăng các bài tư vấn, trả lời câu hỏi của người bệnh và người nhà bệnh nhân, có khá nhiều lượt tương tác. Cũng từ đó, người nọ chia sẻ, giới thiệu cho người kia, số bệnh nhân mỗi ngày tìm đến nhờ ông giúp đỡ càng nhiều hơn.

Trường hợp của chị Đỗ Thị Nhi (Nhơn Mỹ, Chợ Mới, An Giang) là một ví dụ. Chị Nhi biết đến bác sĩ Trần Minh Đức qua trang Facebook “Phòng khám gia đình Văn Quán Hà Đông” do người bạn giới thiệu. Thời điểm chị Nhi bị bệnh đang là cao điểm đợt dịch Covid-19 nên không đi khám được. Từ An Giang, chị gọi điện thoại kể triệu chứng, nhờ bác sĩ Đức khám online và được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc. Bệnh của chị Nhi là bệnh cấp tính, nguy cơ dễ chuyển sang tình trạng cấp cứu nếu không được điều trị đúng, kịp thời.

Chị Nhi kể: “Trước khi gọi cho bác sĩ Đức, tôi cũng hơi e ngại, sợ bác sĩ bận và không nhiệt tình khi bệnh nhân chỉ gọi điện thoại. Nhưng tôi không ngờ được bác ấy tận tình hỏi han, tư vấn và hướng dẫn tôi dùng thuốc. Bệnh của tôi đã đỡ nhanh chóng. Bác còn quan tâm gọi lại cho tôi mấy lần hỏi thăm sức khỏe của tôi”...

Trong suốt quá trình công tác hơn 40 năm, bác sĩ Trần Minh Đức không thể nhớ đã khám và chữa khỏi cho bao nhiêu bệnh nhân. Có người được ông chữa bệnh từ hơn 20 năm trước vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi ông, tình cảm thân thiết như người nhà.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi hôm ấy bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc gọi của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người thì kể triệu chứng bệnh nhờ tư vấn, người thì nhờ đọc kết quả xét nghiệm, đọc phim, người lại nhờ xem đơn thuốc...

 “Cứ bình tĩnh, lát xem kỹ lại bác tư vấn cho... Bác nghĩ nhiều khả năng không phải mổ đâu...”, ông trả lời cuộc gọi của anh Hùng, người nhà bệnh nhân ở Tuyên Quang nhờ đọc kết quả phim chụp. Cuộc gọi nào bác sĩ Đức cũng luôn lắng nghe và rất ân cần, vừa giải thích vừa trấn an để người bên kia thấy yên tâm.

Kết thúc cuộc gọi, quay sang tôi, ông bảo: “Người bệnh và người nhà của họ thường rất lo lắng, nhất là với những gia đình còn khó khăn, ở tỉnh xa người ta tìm đến mình, cần sự giúp đỡ của mình thì việc trước tiên là phải ân cần, nhẹ nhàng cho họ yên tâm về tinh thần, cũng là liều thuốc tốt giúp họ đối mặt với bệnh tật”.  

Đây cũng chính là điều mà tôi ấn tượng mạnh ở vị bác sĩ quân y này ngay khi vừa gặp. Ông khiến người đối diện cảm tình bởi khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt ấm áp, cách nói chuyện thân tình, gần gũi, vui tính và tác phong nhanh nhẹn. Điều này cũng được người hàng xóm, ông Vũ Văn Thảo, nhà số 127, đường 19/5, Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) xác nhận: “Gia đình bác sĩ Đức sống ở đây đã hơn 20 năm, luôn hòa đồng, đoàn kết với mọi người trong khu phố. Những nhà quanh đây, hễ ai gặp vấn đề về sức khỏe đều nhờ bác sĩ Đức trước tiên. Không kể đêm khuya hay sáng sớm, cứ ai nhờ là bác ấy không ngần ngại, giúp đỡ nhiệt tình”.

Chia tay bác sĩ Trần Minh Đức, tôi nhớ mãi lời tâm sự của ông: “Tôi còn sức khỏe, còn minh mẫn, tôi có kiến thức và hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành y, tôi không muốn bỏ phí. Khi mình có khả năng giúp được cho mọi người, là việc làm phúc thì càng nên cố gắng hết sức”.

NGỌC HÂN

NGUỒN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN