Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu
thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan
trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ biển, đảo
chính là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền
biển, đảo sẽ góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ
quyền biển, đảo của Việt Nam là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát
triển bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì
đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,
biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước”.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để
toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả
nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chúng ta xác
định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, do đó cần kiên
trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi
ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các
nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia
của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể
hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó
là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại
giao...
Điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng và được
chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần
thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp
quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế,
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả
Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử
tại Biển Đông (COC).
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải
quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với
các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố
hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước thực
hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã ký
nhiều văn bản với các nước liên quan đến biển, đảo.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản
lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc
về Luật Biển 1982, phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan
hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường
quốc tế.
Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên
kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự
hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực
hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự
vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng
biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa,
đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ
xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.
Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ
động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước lớn nào, nhất là tránh việc
trở thành con bài trong tay các nước lớn. Chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác
quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Do đó, cần nhận diện, đấu tranh với những chiêu trò suy diễn,
phê phán đường lối đối ngoại, đường lối bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc,
đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tùy theo diễn biến của
tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các
mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như
các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích
chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Chúng ta quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
trong giải quyết vấn đề biển, đảo, trong đó chủ quyền biển, đảo là bất biến,
sách lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó
với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình
hình…
Những quan điểm trên chính là căn cứ chính trị, pháp lý quan
trọng để chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của việc đấu
tranh này là làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của
Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biển, đảo; củng cố niềm tin của nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo
hiện nay; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo của
Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét