Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

THƯỢNG TƯỚNG VÕ TIẾN TRUNG: KHÔNG DẠY LỊCH SỬ CHO THẾ HỆ TRẺ, KHÁC NÀO LÀM CUỘC SỐNG CỦA HỌ NHƯ CÂY KHÔNG CÓ GỐC!

         Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt, góp phần nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh, qua đó giúp cho các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay.

Nếu chúng ta không dạy cho thế hệ trẻ môn Lịch sử, thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc”, “suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện và bền vững.

Chúng ta không thể hình dung được sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nếu bị tách ra khỏi quá khứ hoặc sống trong một quá khứ mịt mù. Khi bàn về điều này, Tổng thống nước Pháp Francois Miterand lãnh đạo đất nước từ năm 1981 đến năm1995, đã nói rằng: Những kẻ không hiểu lịch sử dân tộc thì bơ vơ như những đứa trẻ mồ côi. Vì thế, Chính phủ thời ông đã có nhiều biện pháp chấn hưng sử học nước Pháp, đẩy mạnh việc truyền bá và giáo dục lịch sử, coi dạy - học môn Lịch sử là một trong những môn học bắt buộc ở bậc học phổ thông. Vì “Sử học là thầy dạy của cuộc sống”.

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp tục phát huy vai trò và tầm quan trọng các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, môn Lịch sử nói riêng, Đảng ta đã có những nghị quyết định hướng và chỉ đạo dạy - học môn Lịch sử cho bậc học phổ thông. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), tháng 12 năm 1996, đã đề ra yêu cầu ngành giáo dục phải “coi trọng các môn tiếng Việt, văn hóa và lịch sử dân tộc, địa lý Việt Nam”.

Với chiều dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Với những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… Kể cả những thất bại đau xót trong công cuộc giữ nước của An Dương Vương thời quốc gia Âu Lạc, Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV và Triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX, luôn là một kho tư liệu sinh động chứa đựng những bài học, kinh nghiệm bi, hùng về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cần phải được truyền bá, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay để họ tự hào với những chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, đồng thời nhắc nhở họ luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng đó, dân tộc ta đã phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh chống xâm lược với các thế lực phong kiến, đế quốc khác nhau, mà dài nhất là hơn một ngàn năm đấu tranh chống sự đô hộ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc.

Tất cả các thế lực xâm lược nước ta đều đã dùng trăm phương, nghìn kế để xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng để đồng hóa dân tộc nhưng chúng đều thất bại. Điều đó nói lên việc xóa bỏ lịch sử dân tộc là một trong những thủ đoạn vô cùng thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phong kiến, đế quốc khi xâm lược nước ta và các thế lực phản động ngày nay.

Âm mưu của chúng là muốn xâm chiếm, thôn tính, thống trị nước ta lâu dài. Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay, nhất là công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các thế lực thù địch đang lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, YouTube, twitter; trang web hay blog…để tuyền truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận những giá trị của những sự kiện, nhân vật lịch sử đích thực trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Thủ đoạn của chúng là triệt để khai thác, cắt xén, nhào nặn những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng, làm cho thật - giả lẫn lộn, tạo ra sự tò mò, hoài nghi trong dư luận. Đối tượng chủ yếu mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như môn Lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học bắt buộc cho học sinh trung học phổ thông thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù.
 
Đổi mới phương pháp dạy-học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cho ngang tầm với yêu cầu mới. Dạy – học môn Lịch sử không nên theo kiểu thuộc lòng các sự kiện đã diễn ra (tất nhiên là cần nhớ chính xác một số sự kiện trọng đại của đất nước). Điều quan trọng là người thầy cần giúp cho các em học sinh hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị của các sự kiện lịch sử đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc. Dẫn dắt các em vào lịch sử dân tộc và thế giới, càng vào sâu càng hấp dẫn và khám phá điều mới lạ, vô cùng cần thiết cho con đường đi lên, con đường sống của các em.

Đối với người Việt Nam, đó là các sự kiện liên quan đến công cuộc đấu tranh bảo vệ và giữ gìn nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới xây dựng Tổ quốc. Làm cho học sinh khi học môn Lịch sử, phải hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai, tiền đồ của đất nước.

Dạy - học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó gây cho các em cảm hứng, thích thú, nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử để hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt . Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy sử, chú ý cải thiện điều kiện làm việc của họ, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.


Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét