Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

 - Đối với mỗi quốc gia có chủ quyền trên thế giới, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề có tính nguyên tắc, “bất biến” trong quan hệ quốc tế. Lợi ích quốc gia - dân tộc được cho là hàm chứa cả các mục tiêu chiến lược của quốc gia trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Theo đó, việc xác định, bảo đảm và tối đa hóa lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Về lợi ích quốc gia - dân tộc

Lợi ích quốc gia - dân tộc là một phạm trù được đề cập rộng rãi trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra khá nhiều quan niệm khác nhau về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia - dân tộc(1). Tuy nhiên, hầu như các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng, lợi ích quốc gia - dân tộc là giá trị của một chủ thể có trách nhiệm tự xác định lợi ích của quốc gia, dân tộc mình. Vì vậy, có thể nói, đây là một khái niệm có tính khái quát hóa cao, bao gồm những nhu cầu sống còn của quốc gia đó; đó là tự bảo vệ, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quân sự và thịnh vượng về kinh tế(2). Tháng 3-1848, Thủ tướng Anh Hen-ry Pan-mơ-xtơn (Henry Palmerston) từng có một phát biểu kinh điển về lợi ích quốc gia tại Hạ viện Anh: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn và nhiệm vụ của chúng ta là theo đuổi những lợi ích đó”(3).

Ở Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, khái niệm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia - dân tộc mặc dù có những điểm khác nhau, song được xem là có chung nội hàm và có thể sử dụng thay thế lẫn nhau. Lợi ích quốc gia là lợi ích chung của cộng đồng những người sống trên một đất nước, có chung nguồn gốc, lịch sử, phong tục, tập quán và phần nhiều còn chung cả tiếng nói, chữ viết(4). Lợi ích quốc gia thiên về đại diện của giai cấp cầm quyền(5). Trong khi đó, lợi ích dân tộc bao hàm tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia - dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc(6). Lợi ích dân tộc là lợi ích của tất cả mọi người dân của một nước(7). Do những điều kiện đặc thù nên khái niệm lợi ích quốc gia - dân tộc ở Việt Nam có hướng tổng hợp cả hai khái niệm trên(8). Vì vậy, có thể xem lợi ích quốc gia - dân tộc là toàn bộ những nhu cầu sống còn, trường tồn và phát triển của một quốc gia đã được nhận thức và biến thành mục tiêu của chính sách đối ngoại trong quan hệ với thế giới còn lại ở mỗi thời kỳ lịch sử nhất định, là công cụ hết sức quan trọng trong phân tích chính sách đối ngoại(9).

Việc xác định đúng và phù hợp mức độ, thứ tự ưu tiên lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, việc sắp xếp mức độ ưu tiên trong các lợi ích quốc gia - dân tộc phụ thuộc rất lớn vào việc quyết định xem loại lợi ích nào quan trọng hơn, có tác động mạnh mẽ hơn tới sự tồn vong và phát triển của quốc gia đó. Một số quốc gia xác định lợi ích theo từng lĩnh vực (chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa...), thời gian đạt được lợi ích (vĩnh cửu, biến đổi); một số quốc gia khác xác định lợi ích theo tiêu chí tầm quan trọng (sống còn, cốt lõi, quan trọng, thứ yếu) hay phạm vi lợi ích (chung, bộ phận, cá nhân). Những nội hàm này cho phép các quốc gia có cơ sở để xác định những vấn đề nào là ưu tiên, cốt lõi phải bảo vệ, vấn đề nào có thể thỏa hiệp. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các lợi ích cũng góp phần phác họa bức tranh chung về lợi ích quốc gia - dân tộc của các quốc gia để từ đó đưa ra những giải pháp, cách thức chính xác nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia khi thực hiện một chính sách hay một chiến lược nào đó trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt cần có sự bảo vệ “quyết liệt” những lợi ích đó tại thời điểm được cho là mang tính “sống còn”. Đơn cử như, Trung Quốc xác định lợi ích cốt lõi trong Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc” (năm 2011), bao gồm chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị quốc gia mà Hiến pháp Trung Quốc xác lập và cục diện xã hội ổn định, sự bảo đảm cơ bản của kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Trong “Chiến lược An ninh quốc gia” (năm 2017), Mỹ xác định “nước Mỹ trên hết” với “bốn lợi ích quốc gia tối quan trọng”, đó là bảo vệ người dân Mỹ, nước Mỹ và lối sống Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh; gia tăng ảnh hưởng của Mỹ(10). Trong tài liệu “Các nguyên tắc cơ bản về chính sách Nhà nước Liên bang Nga đối với Bắc Cực đến năm 2035”, Nga đưa ra sáu lợi ích quốc gia - dân tộc của Nga, trong đó nhấn mạnh “bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” là mục tiêu cao nhất(11). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để có thể tạo không gian mở, linh hoạt trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, không phải quốc gia nào cũng công khai các nội hàm lợi ích cụ thể.

Nhìn chung, lợi ích quốc gia - dân tộc được xem là “hòn đá tảng” hay “kim chỉ nam” của chính sách đối ngoại. Nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc đôi khi cũng bao gồm cả những công cụ được lựa chọn để thực hiện mục tiêu chiến lược và ngoại giao chính là một trong những công cụ quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu này. Để có thể thoát khỏi những “cạm bẫy” trong quá trình xác định và tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ, khi thực tế đã và đang cho thấy, thành công rất nhiều nhưng thất bại cũng không phải không có.

Những yếu tố tác động đến nhận thức và quá trình thực thi, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong quan hệ quốc tế

Một là, việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là cái gốc chi phối mọi quyết định của mỗi quốc gia trong những vấn đề đối nội, vừa chi phối cách hành xử của quốc gia đó trên trường quốc tế. Chính vì vậy, đối với các nước, trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc trong các trường hợp cụ thể là vấn đề không đơn giản, bắt nguồn từ các yếu tố: 1- Sự khác nhau về lợi ích của các chủ thể tham gia quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại; 2- Sự khác nhau về nhận thức của các chủ thể tham gia quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại; 3- Các quy định, cách tiếp cận của các cơ quan tham gia hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại không đồng nhất dẫn đến cách hiểu, diễn giải và quyết định khác nhau. Những yếu tố này khiến quá trình xác định và thực hiện bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại trở nên phức tạp, nhất là khi có sự vận động, tác động của các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích có thể dùng các kênh và phương thức khác nhau để tác động, điều chỉnh hoặc cung cấp thông tin đối với từng vấn đề trong quá trình xây dựng và thực hiện bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc theo hướng mang lại lợi ích cho họ. Do đó, giới phân tích cho rằng, việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc nhấn mạnh tới vai trò của các chủ thể bên trong một nước với những dạng thức lợi ích khác nhau và thể chế chính trị của nước đó với những đặc thù, luật pháp quốc tế chi phối.

Hai là, mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích quốc tế. Theo học giả người Mỹ Thô-mát Rô-bin-xơn (Thomas W. Robinson), bên cạnh lợi ích quốc gia - dân tộc còn có các lợi ích quốc tế (lợi ích song trùng, lợi ích bổ sung, lợi ích xung đột). Lợi ích quốc tế có thể bao gồm lợi ích chung của tất cả các quốc gia (lợi ích quốc tế toàn cầu) hoặc chỉ một số quốc gia nhất định (lợi ích quốc tế tập thể). Năm 1950, Liên Xô coi lợi ích quốc tế giới hạn trong phạm vi là lợi ích chung của khối xã hội chủ nghĩa. Mỹ coi lợi ích quốc tế bao gồm lợi ích chung của các nước tư bản phương Tây. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, cả Liên Xô và Mỹ đều theo đuổi bảo vệ lợi ích tập thể hơn lợi ích quốc tế toàn cầu. Chiến tranh lạnh kết thúc, sự đối đầu quân sự giữa hai khối Đông - Tây chấm dứt. Ngày nay, tầm quan trọng của lợi ích quốc tế càng được nâng cao và thể hiện rõ nét trong những thách thức đa dạng mà thế giới nói chung đang phải đối mặt, như các quan hệ về kinh tế, thương mại, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, kiểm soát dân số, thiên tai, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm quyền con người, khủng hoảng di cư... Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra ngày càng quyết liệt, các quốc gia vừa và nhỏ đều nhận thấy lợi ích quốc gia - dân tộc chỉ có thể được bảo đảm khi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế được bảo đảm dựa trên luật lệ quốc tế. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích quốc tế, bởi khi các quốc gia có những lợi ích chung mới có thể cùng nhau hợp tác, xử lý và giải quyết những vấn đề xung đột lợi ích.

Ba là, phương cách, biện pháp tạo dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia để tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều phương cách tạo dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tuy nhiên việc lựa chọn phương cách nào được cho là phụ thuộc nhiều vào bối cảnh cụ thể và chủ thuyết chính trị của giới hoạch định chiến lược, cũng như quyết định chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Ngày nay, “sức mạnh mềm” ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược của các quốc gia. Cách tiếp cận và biện pháp triển khai sức mạnh mềm hợp lý, đúng đối tượng, đúng thời điểm sẽ góp phần gia tăng sức nặng và tầm ảnh hưởng của các quốc gia trên “bàn cờ” chính trị quốc tế, cũng như tạo ra sức lôi cuốn và đồng thuận xã hội trong chính nội bộ quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều nhận thấy, việc sử dụng và lạm dụng “sức mạnh cứng” để giải quyết mâu thuẫn nhằm đạt được mục tiêu nhiều khi không phát huy được tác dụng, thậm chí còn thất bại, dễ vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và đứng trước rủi ro bị cô lập, làm suy giảm vị thế, uy tín, hình ảnh của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ tại Washington D.C. (Mỹ), ngày 12-5-2022_Ảnh: TTXVN

Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong bối cảnh chiến lược mới

Đối với Việt Nam, quan điểm về lợi ích quốc gia - dân tộc có sự kế thừa từ truyền thống lịch sử của ông cha ta cũng như tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết” trong quan hệ đối ngoại mà Việt Nam tiến hành từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay. Quan điểm đó được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cũng như thể hiện ở mục tiêu xuyên suốt, đó là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của đất nước và biến động của tình hình thế giới, quan điểm về lợi ích quốc gia - dân tộc liên tục được bổ sung và hoàn chỉnh qua các kỳ Đại hội của Đảng. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lợi ích quốc gia - dân tộc được coi trọng trong từng chủ trương, chính sách phát triển đất nước và hoạt động đối ngoại. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) lần đầu tiên nêu lên mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Kế thừa, phát triển quan điểm đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã chỉ rõ mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(12). Qua đó, Đảng ta khẳng định: 1- Lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là thống nhất; 2- Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam là những lợi ích chính đáng, không phải là những lợi ích vị kỷ; 3- Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; 4- Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nghĩa là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết, luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể, lợi ích quốc gia - dân tộc là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại(13). Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng xác định rõ: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(14).

Trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo hộ lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở nước ngoài; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc. Bối cảnh mới của quốc gia - dân tộc hiện đại còn mở rộng thêm các lợi ích quốc gia - dân tộc, như: hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, tự do lưu thông hàng hóa, tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do khai thác tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng như các quốc gia - dân tộc khác, Việt Nam còn chủ động và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, như chống chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh; các thách thức an ninh phi truyền thống (an ninh biển, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố...) mà không một quốc gia nào tự mình đủ sức gánh vác.

Tuy nhiên, trong điều kiện không gian sinh tồn ngày càng bị thu hẹp, việc mở rộng lợi ích quốc gia - dân tộc của nước này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia - dân tộc của nước khác. Để giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột, lợi ích quốc gia - dân tộc phải phù hợp với luật pháp quốc tế, không quốc gia nào tự đặt ra lợi ích vượt ra ngoài quy định của luật pháp quốc tế mà đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác và ảnh hưởng đến lợi ích của toàn nhân loại. Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”(15), Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng, khu vực và quốc tế. Đồng thời, chủ động tích cực đề xuất sáng kiến xây dựng, định hình các thể chế đa phương trên nguyên tắc cùng có lợi, với phương châm chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”; “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(16), nhất là trong quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, cơ chế hợp tác và những luật lệ mới, củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhờ đi đúng xu thế của thời đại, tranh thủ tốt các nguồn lực từ bên ngoài, công cuộc đổi mới của Việt Nam ngày càng đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc để nâng cao vị thế và thực lực của đất nước, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức chung và riêng, bao gồm: việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa ở tầm khu vực và toàn cầu để thực hiện và bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh diễn ra những thay đổi khó đoán định của tình hình quốc tế, khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực tiếp tục diễn ra gay gắt; ở khu vực, vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, do sự chồng xếp, đan xen của ba tầng quan hệ (tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chiến lược biển, đảo giữa các nước láng giềng; cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc và can dự của các nước lớn khác; an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực); hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng..., tác động không nhỏ đến vấn đề bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ chưa từng có, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với đó là vấn đề an ninh mạng.

Bối cảnh trên đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, như: 1- Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; 2- Tranh thủ cơ hội, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, tạo sự đan xen lợi ích của các nước lớn ở Việt Nam; nâng tầm đối ngoại đa phương, song phương; thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Lãnh đạo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chứng kiến Lễ ký kết giao ước thi đua của các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Lễ dâng hương và vào Lăng viếng Bác_Ảnh: TTXVN

Hai là, luôn theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực; nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, cũng như mục tiêu chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, để kịp thời đề ra đường lối, chính sách phù hợp, chính xác, trong đó phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết, trên hết; bất luận hoàn cảnh nào cũng tránh để rơi vào thế kẹt giữa các bên, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(17).

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế để khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối cách mạng của Đảng ta, nhất là khi thế giới đang phải đối diện với những thách thức khó lường và đại dịch COVID-19 đã làm cho những thách thức này càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Bốn là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia, dân tộc khác. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều coi trọng, đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc khi thực thi chính sách đối ngoại. Nhưng do mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, nên lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi nước cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Do vậy, để có môi trường hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, dân tộc, vấn đề quan trọng đặt ra là cần tìm thấy “điểm tương đồng”. Ở đây, điểm tương đồng chính là sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế mà toàn thể nhân loại đã và đang nỗ lực gìn giữ nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Do vậy, kể từ khi ra đời năm 1945, Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, và điều này cũng chính là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác, lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Năm là, tiếp tục tạo dựng và phát triển hình ảnh Việt Nam là một quốc gia “có trách nhiệm”, “đối tác tin cậy”. Đây là mục tiêu vừa mang tính đối nội, vừa mang tính đối ngoại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một quốc gia được cho là phát triển và giàu mạnh luôn là quốc gia sở hữu những thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Để hội nhập thành công cũng như tận dụng được các cơ hội mà hội nhập quốc tế đem lại, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển các thương hiệu quốc gia mạnh nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa - dịch vụ, từ đó nâng cao giá trị các thương hiệu cũng như hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Sáu là, bảo đảm an ninh và phát triển cho người dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Quốc gia - dân tộc Việt Nam là một cộng đồng thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế. Lợi ích của cộng đồng dân tộc cũng bao hàm lợi ích của mỗi cá nhân con người, an ninh quốc gia cũng không thể tách rời an ninh con người. Các hoạt động đối ngoại, xét cho cùng, là nhằm mang lại quyền lợi cho người dân, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển toàn diện. Nhìn rộng ra trong khu vực, mục tiêu này phù hợp với bối cảnh các nước ASEAN đang nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và “lấy người dân làm trung tâm”.

Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, củng cố và phát triển lý luận, thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin đối ngoại trong tình hình mới đối với việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; tận dụng hiệu quả sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm xúc tiến liên tục, bền bỉ các chương trình truyền thông về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; về chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại..., giúp nâng cao hình ảnh và tranh thủ sự ủng hộ của các nước, nhân dân trên thế giới đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền cũng như xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Tóm lại, trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là phương châm và động lực phát triển. Những thành tựu của đất nước ngày nay là minh chứng rõ nét cho thấy quan điểm đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt; là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, lựa chọn những kế sách phù hợp trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc./.

-----------------

(1) Trong hệ thống chính trị quốc tế, các trường phái lý luận sử dụng các khái niệm “state’s interest” và “national interest”. Tuy nhiên, các văn bản chính sách đối ngoại, truyền thông và học thuật quốc tế bằng tiếng Anh chủ yếu chỉ sử dụng cụm từ “national interest”. Hiện nay, khái niệm “lợi ích quốc gia” và “lợi ích dân tộc” ngày càng liên quan mật thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau. Do đó, về nội hàm có thể hiểu “national interest” là lợi ích quốc gia - dân tộc.
(2) Xem: Jack C. Plano - Roy Olton: The International Relations Dictionary (Từ điển Quan hệ quốc tế)Third Edition, ABC-CLIO Santa Barbarra, California, 1982, tr. 9
(3) Xem: Michel G. Roskin: National Interest: From Abstraction to Strategy (Tạm dịch: Lợi ích quốc gia: Từ trừu tượng đến chiến lược), The US Army War College Quarterly: Parameters, Volume 24, No.1, 1994 , tr. 1.
(4) Dương Văn Quảng - Vũ Dương Huân: Từ điển thuật ngữ ngoại giao Việt - Anh - Pháp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr. 63
(5) Đặng Đình Quý: “Bàn thêm về lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (80), tháng 3-2010, tr. 115.
(6) Trần Hữu Tiến: “Lợi ích dân tộc”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 24-8-2015, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/1092-loi-ich-dan-toc.html
(7), (8) Đặng Đình Quý: “Bàn thêm về lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới”, Tlđd, tr. 115.
(9) Xem: Vũ Dương Huân: Về chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018
(10) Trần Vi Dân: “Lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế”, Trang thông tin điện tử Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngày 27-10-2020, http://hvctcand.edu.vn/tin-tuc/tin-tuc-khac/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-viet-nam-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-hoi-nhap-quoc-te-1802
(11) Ekaterina Klimenko: “Russia’s new Arctic policy document signals continuity rather than change” (Tạm dịch: Tài liệu chính sách mới về Bắc Cực của Nga cho thấy tính liên tục thay vì thay đổi), ngày 6-4-2020, https://www.sipri.org/commentary/essay/2020/russias-new-arctic-policy-document-signals-continuity-rather-change
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153
(13) Xem: Đặng Đình Quý: “Lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc tối cao của hoạt động đối ngoại”, Trang thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 24-8-2016, https://vov.vn/chinh-tri/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-nguyen-tac-toi-cao-cua-hoat-dong-doi-ngoai-543351.vov
(14), (15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161 - 162, 161 - 162, 162
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t. 8, tr. 552

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét