Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh "vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao trở thành một trong ba mặt trận liên hoàn, tấn công trực diện kẻ thù. Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao “vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo nhưng kiên định, tạo ra thế và lực mới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh "vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày 31-5-1968, Việt Nam và Mỹ tiến hành đàm phán tại Hội nghị Pari, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh ngoại giao sôi động, đạt tới đỉnh cao trong sử dụng nghệ thuật "vừa đánh, vừa đàm, giành thắng lợi từng bước” - Ảnh tư liệu TTXVN

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đấu tranh ngoại giao là một trong ba mặt trận góp phần đưa tới thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trên mặt trận này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người chỉ đạo xây dựng đường lối chiến lược, sách lược đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước, trực tiếp tham gia các hoạt động quốc tế, từng bước kiến tạo, mở rộng quan hệ quốc tế và tăng cường “thế và lực” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng nghệ thuật ngoại giao: “vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước” để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngoại giao Việt Nam thực hiện thành công phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh tổng hợp, làm gia tăng sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam trên tất cả các mặt trận: xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam.

Trên mặt trận ngoại giao, đàm phán, thương lượng là đấu tranh trực diện, đồng thời là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành thế có lợi trên bàn đàm phán, nhằm mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, trên cả phương diện chiến lược và sách lược, vận dụng một cách nhuần nhuyễn kinh nghiệm ngoại giao truyền thống, kết hợp với sử dụng nghệ thuật ngoại giao “vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước” để giành thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc đối đầu giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ - kẻ địch có sức mạnh vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là về bộ máy quân sự, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, ngoại giao chuyên nghiệp, bài bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, phải thực hiện phương châm “giành thắng lợi từng bước”, làm chuyển hóa so sánh lực lượng, tạo thế và lực, để đạt được mục tiêu giành thắng lợi hoàn toàn.

Người quán triệt, trong cuộc đấu tranh này, không được nóng vội chủ quan, xa rời mục tiêu chiến lược: “Ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi”; “Chúng ta cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”(1). Người phân tích, ta phải biết thắng từng bước, phải: “Kiên trì phương châm ra sức hạn chế cuộc chiến tranh xâm lược của địch và thắng địch trong cuộc chiến tranh hạn chế đó”(2). Trong quá trình đấu tranh trên bàn hội nghị, “miền Bắc cứ đàm, miền Nam cứ đánh”(3).

Theo phương châm chỉ đạo của Người, chính trị, quân sự và ngoại giao được xác định là 3 mặt trận, phối hợp tấn công nhịp nhàng để giành thắng lợi. Do đó, phải coi trọng mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự; phương pháp kết hợp giữa “đánh và đàm”, đẩy mạnh tấn công trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Tuy nhiên, đấu tranh  ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà phải căn cứ vào tình hình quốc tế và tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động.

Nói chuyện với Đoàn đại biểu Chính phủ ta chuẩn bị lên đường đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Pari (tháng 5-1968), Người căn dặn: "Các chú đi Pháp, ở nhà người ta đánh cho các chú phát huy, nghĩa là phải biết tận dụng thắng lợi trên chiến trường để làm “vốn" đàm phán. Phải phối hợp quân sự với ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm mới có hiệu quả cao nhất"(4).

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phối hợp đấu tranh hiệu quả cả trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; huy động được sức mạnh của ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với vận động quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng; từng bước làm phá sản mưu đồ “quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam” của đế quốc Mỹ; làm thất bại âm mưu giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam giống như cuộc chiến tranh Triều Tiên(5).

Khẳng định ý chí kiên quyết đấu tranh cho mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc, nhưng tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “ngoại giao phải biết thắng từng bước”; “ngoại giao phải dĩ bất biến, ứng vạn biến”; ngoại giao có khi phải “biết nhân nhượng”. Trong khi đàm phán, thương lượng, phải có đầu óc thực tế, biết tìm ra mẫu số chung cho mỗi cuộc đối thoại. Đối đầu với đế quốc Mỹ hùng mạnh, Hồ Chí Minh nhìn thấy cuộc chiến tranh sẽ rất tàn khốc, do đó tư tưởng chỉ đạo của Người là: “Lúc nào nó muốn đi ra, tạo điều kiện cho nó ra đi, đừng làm nhục nó”(6). Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi”(7).

Việc dự tính sự cần thiết phải tìm cho Mỹ một lối thoát danh dự, cho thấy tư tưởng hòa bình, thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời chứng tỏ sự phán đoán tài tình của Người về kết cục tất yếu của cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh ngoại giao, ngay từ năm 1964, phía Mỹ đã cử J. B. Xibonơ(8) đến Việt Nam với danh nghĩa “đặc phái viên” trung gian của Mỹ, nhằm tạo lập cơ hội thương lượng giữa Mỹ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng về thực chất, nhiệm vụ của J. B. Xibonơ (do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ O. Rátxcơ và Thủ tướng Canađa Piaxơn giao phó), tìm cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để truyền đạt quyết tâm của Mỹ là: “Trừ khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh, nếu không Hoa Kỳ sẽ dùng Không quân và Hải quân đánh Bắc Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh”(9). Những lời lẽ đe dọa thiếu thiện chí đó không khuất phục được ý chí thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam yêu hòa bình nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ gìn nền độc lập tự do của dân tộc. Theo nhận định của Hồ Chí Minh, điều kiện để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ lúc này là chưa phù hợp. Theo Người: “chỉ khi nào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị đè bẹp, những mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập của nhân dân miền Nam được bảo đảm thì ta mới có thể thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam”(10). Để làm thất bại ý đồ “thương lượng trên thế mạnh” của Mỹ, phải đẩy mạnh đấu tranh, “giành thắng lợi từng bước”, tạo thế trên bàn đàm phán.

Thực hiện chủ trương “giành thắng lợi từng bước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tiến hành nhiều hình thức đấu tranh, phối hợp hoạt động quân sự trên chiến trường với vận động quốc tế, nêu cao thiện chí hòa bình trước dư luận tiến bộ trên thế giới; kêu gọi các phong trào đấu tranh chính trị  ủng hộ Việt Nam. Do đó, cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam đã được đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình, ủng hộ. Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 18-10-1966), đã có 93 trong số 101 đoàn đại biểu đăng ký phát biểu về vấn đề Việt Nam; đòi chấm dứt chiến tranh và đàm phán hòa bình, làm cho âm mưu của Mỹ lôi kéo Liên hợp quốc can thiệp vào “vấn đề Việt Nam” bị thất bại. Tại các nước dân tộc chủ nghĩa, có 30 tổ chức của 20 nước lấy tên là “Ủy ban ủng hộ Việt Nam”; “Ủy ban đoàn kết với Việt Nam”... Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi đã tổ chức những cuộc mít tinh có sự tham gia của đông đảo nhân dân với chủ đề  “Tuần lễ ba châu ủng hộ Việt Nam”; nhiều hình thức tổ chức, phối hợp hành động của “Hội đoàn kết nhân dân ba châu” (châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ - Latinh) đã thể hiện tinh thần ủng hộ Việt Nam(11).

Riêng ởnước Mỹ, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên liên tục tổ chức xuống đường biểu tình phản đối việc đưa binh lính Mỹ đến chiến trường Việt Nam, làm cho phe “Diều hâu” trong chính quyền Mỹ lúng túng. Trong đó,có những hình ảnh vô cùng xúc động, gây dư luận mạnh mẽ trên thê giới, như hình ảnh của anh Noócman Morixơn, 31 tuổi, trên tay bế con gái nhỏ Êmêly yêu quý đến bên bờ sông Pôtơ mác (ở Thủ đô Oasinhtơn), sau khi đặt con gái xuống đất, Anh đã tẩm xăng và châm lửa tự thiêu ngay gần cửa sổ phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo tấm gương anh Morixơn, anh Rôgiơ Lapotơ (22 tuổi), chị Xilin Giancaoxki (người mẹ của hai con nhỏ), cụ bà Helga Alíthớt (79 tuổi)... đã lên tiếng mạnh mẽ, phản đối chiến tranh Việt Nam. Mục sư Máctin Luthơ Kinh (người sáng lập Hội nghị lãnh đạo Thiên Chúa miền Nam nước Mỹ) đã kêu gọi: “Chúng ta phải biểu tình, hội thảo và tuyên truyền cho đến khi chính những nền móng của đất nước chúng ta phải rung chuyển”.

Tính từ năm 1968 đến năm 1972, phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ phát triển đến đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú, tập hợp rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đáng chú ý là phong trào thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, chống đi lính, đảo ngũ hàng loạt; phong trào tình nguyện đi chiến đấu chống Mỹ ở Việt Nam... Tháng 10 - 1969, tại 1.200 thành phố, thị trấn, thị xã ở 53 bang của nước Mỹ nổ ra đồng loạt các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam còn có hàng trăm thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ, hơn 30 vạn viên chức và trí thức cùng nhiều binh lính Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về. Mùa Xuân năm 1971, tại Oasinhtơn lại nổ ra cuộc đấu tranh khổng lồ của hơn nửa triệu người bên thềm nhà Quốc hội Mỹ, trong đó có hàng nghìn cựu binh đã từng tham chiến ở Việt Nam tham gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận thống nhất nhân dân hai nước; mà cũng là thắng lợi chung của loài người yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình”(12).

Cùng với nhiều nhà hoạt động xã hội, những người Mỹ yêu hòa bình và công lý đã tham gia đấu tranh, làm rung chuyển nước Mỹ, Don Luce -phóng viên báo Washington Post nhận xét: “Dường như có một cuộc chiến tranh thứ hai trong lòng nước Mỹ”; nhà báo Oant Lýpmanviết: “Lương tâm người Mỹ nổi giận... cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng người nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Đó là điều kiện thuận lợi cho mặt trận ngoại giao chuyển sang giai đoạn tấn công, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ L.Giônxơn phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận điều kiện “ngừng ném bom miền Bắc” và ngồi vào bàn đàm phán.

Ngày 31-5-1968, Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán tại Hội nghị Pari, mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh ngoại giao sôi động, đạt tới đỉnh cao trong việc sử dụng nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm, giành thắng lợi từng bước”. Trong các phiên họp chính thức, cũng như trong các cuộc đàm phán “bí mật” và các cuộc đấu trí  “hành lang”... các nhà ngoại giao Việt Nam đã khiến cho kẻ địch phải kính nể về tính kiên trì, kiên quyết, khôn khéo, để cuối cùng đạt được mục tiêu chiến lược: Mỹ phải rút hết quân đội về nước, mở ra thời cơ và cục diện mới trên chiến trường miền Nam.

Có thể nói, cùng với sự chỉ đạo về đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao trở thành một trong ba mặt trận liên hoàn, tấn công trực diện vào kẻ thù. Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao “vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo ra thế và lực mới, tác động trở lại trên chiến trường, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Nghệ thuật ngoại giao “giành thắng lợi từng bước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự linh hoạt sáng tạo, mềm dẻo nhưng kiên định, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực lực và dư luận; thể hiện khôn khéo về chiến lược và sách lược, góp phần quy tụ được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (tháng 1-1973), rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Nắm bắt thời cơ thuận lợi, mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nghệ thuật ngoại giao “giành thắng lợi từng bước”, chẳng những góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, mà còn có đóng góp to lớn trong việc xây dựng những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, vì mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và tiến bộ xã hội. Những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế và tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, thực hiện từ giữa thế kỷ trước, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, đã trở thành xu thế trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay.

__________________

(1), (2), (3), (7) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.123, 20, 18, 293.

(4) Tuần báo Quốc tế, số 20, từ 18-24 -5-1995.

(5) Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, lấy danh nghĩa quân đội của Liên hợp quốc, Mỹ đã lôi kéo được quân đội của 14 nước tham gia.

(6) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.103.

(8) Ông J. B. Xibonơ nguyên là đại diện Canada trong Ủy ban quốc tế được thành lập sau Hiệp định Giơnevơ. Ông đã hai lần đến Hà Nội (lần đầu vào ngày 18-6-1964 và lần thứ hai vào sau ngày 5-8-1964) để thuyết phục Hồ Chí Minh và Chính phủ ta ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ.

(9) Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1990, tr. 17.

(10) Biên bản Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa III, Tài liệu đã dẫn, tr.56).

(11) Trần Minh Trưởng: Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954 - 1969),  Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,  2015, tr. 117.

(12) H ồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 640.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét