“Chúng con sống được là nhờ nhân dân che chở...”

Cuối tháng 12-1965, sau những ngày băng rừng, vượt suối, đơn vị chúng tôi trú quân ở khu vực rừng phía Tây Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh em chia nhau làm lán trại và bắt đầu làm quen với cuộc sống chiến trường. Một tuần sau, chỉ huy đơn vị cử tôi cùng một số đồng chí xuống vùng Đại Lộc (Quảng Nam) nắm tình hình và lấy gạo. Đây là lần đầu tiên những anh bộ đội miền Bắc của đơn vị tiếp xúc trực tiếp với đồng bào miền Nam Trung Bộ.

Buổi sáng tháng cuối năm, trời se lạnh, nghe tin bộ đội miền Bắc về làng, bà con ùa đến xem. Người thì đứng từ xa nhìn, người cầm tay sờ nắn. Có má phấn khởi nói với chúng tôi: “Kẻ địch tuyên truyền 8 thằng Việt Cộng đu một cọng đu đủ không gãy. Nay má nhìn đứa nào cũng cao to, đẹp trai thế này, vậy là bọn nó tuyên truyền sai”. Nói rồi má rưng rưng: “Má thương các con! Vì kẻ thù phá hoại hiệp định nên các con còn trẻ phải vào Nam đánh giặc”.

Cả ngày hôm ấy, bà con hỏi chuyện gia đình, chuyện quê hương ngoài Bắc. Cuối chiều, khi chia tay về đơn vị, nhân dân cho gạo, có mẹ còn gói vào lá chuối cho chúng tôi một bát đường đen để về đơn vị ăn cùng anh em. Khi ấy, chị Minh (chừng ngoài 40 tuổi) là cán bộ địa phương mới luận mấy vần thơ: “Các con ăn miếng đường đen/ Đường tình, đường nghĩa, đường quen buổi đầu”.

Buổi gặp ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động, lần đầu tiên gặp mặt nhưng nhân dân rất quý mến, yêu thương bộ đội như những người thân trong gia đình.

Một lần khác xuống địa bàn, nếu như không có nhân dân báo tin, che chở thì chúng tôi không còn sống để tiếp tục chiến đấu và trở về. Đó là lần tổ chúng tôi gồm 4 anh em được giao nhiệm vụ xuống một xã thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng ngày nay) để trinh sát trận địa và xác định nơi cất giấu vũ khí. Khi chúng tôi vừa đến làng thì địch càn vào. Nhân dân khẩn trương chia 4 anh em xuống hầm bí mật. Tôi và một đồng chí du kích địa phương ở hầm gần sông. Trong hầm, nước ngập đến ngang hông. Ngày thứ nhất trôi qua, chúng tôi đứng ngâm mình trong nước, chân tay lạnh cóng, co rúm lại. Sang ngày thứ hai thì chân tay tôi gần như mất cảm giác. May thay, cuối ngày nghe bà con nói vọng đến: Trâu về chuồng rồi!

Biết là địch đã rút quân, tôi muốn đẩy nắp hầm để vươn lên nhưng tay không thể nào cử động được. Bà con biết, vội kéo hai anh em lên. Lúc này, có một em gái đưa cho chúng tôi lọ dầu nhỏ và hai bộ quần áo khô, nói: “Ba em dặn các anh bôi dầu vào người cho cơ thể ấm lại, rồi ra sông tắm, thay quần áo cho đỡ lạnh. Xong về nhà em ăn bát cháo nóng, ba đã chuẩn bị sẵn”.

Chao ôi! Chúng tôi không ai kìm được xúc động trước sự giúp đỡ và chăm sóc ân tình của nhân dân. Ngày chia tay về đơn vị, tôi nói: “Chúng con sống được là nhờ nhân dân che chở. Ân nghĩa này chưa biết khi nào các con mới báo đáp được”.

Trân quý sự đùm bọc của nhân dân và tình yêu thương đồng đội
Bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) và điệu nhảy múa sạp truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ảnh: qdnd.vn 

 

Sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đồng đội

Vào cuối năm 1969, đầu năm 1970, đơn vị chúng tôi chứng kiến một trận đói kéo dài, khi địch tiến hành cô lập, kiểm soát chặt mọi nẻo đường liên hệ giữa bộ đội với nhân dân. Đơn vị tôi ở trong rừng, hết lương thực, anh em phải chia nhau từng tổ 3 người đi vào rừng, ra bờ suối kiếm ăn. Thời gian đầu, những cây môn thục, môn rác (như cây khoai nước ngoài miền Bắc), cây lá mắt nai (có lá giống mắt con nai) còn nhiều nhưng chỉ thời gian sau, việc tìm kiếm chúng trở nên khan hiếm vô cùng. Nhiều anh em hy sinh vì đói!

Trong hoàn cảnh ấy, lúc đó tôi là Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 575, Quân khu 5 bàn với đồng chí Nguyễn Duy Chiến, Đại đội trưởng Đại đội 11: "Chúng ta phải cử người xuyên rừng, xuống dân để lấy gạo, cứu đói cho anh em, không thì nguy cấp!".

Chúng tôi gọi đồng chí Nga là chiến sĩ liên lạc của đơn vị (vốn là người rất nhanh nhẹn và thông thạo địa hình), hỏi: "Đồng chí có dám xuyên rừng về dưới dân lấy gạo không?". Nga nói không một chút đắn đo: "Để em đi! Không thì anh em chết đói hết".

Đại đội còn vài bơ gạo, anh em quyết định nấu cho Nga một bơ mang theo, cùng một khẩu AK báng gấp. Nga rời đơn vị đi về hướng đồng bằng.

Thường thì anh em đi xuống dân một ngày là về. Thế nhưng, một ngày lặng lẽ trôi qua, không thấy Nga về. Ngày thứ hai cũng lặng lẽ trôi qua. Anh em đơn vị không còn hy vọng chờ đợi và xác định: Nga hy sinh rồi!

Nhưng một phép màu nhiệm đã xảy ra. Ngày thứ ba, cả đơn vị như vỡ òa trong niềm vui khôn xiết khi thấy Nga trở về, trên lưng gùi theo một bao thóc. Ai cũng xúm lại hỏi chuyện, nghỉ ngơi một chút, Nga nói: "Em bắt được liên lạc với dân. Bà con cho một bao thóc. Lúc về, dân làng nấu cho em hai nắm cơm to. Em ăn hết một nắm, còn một để dành cho các anh em đây!".

Nga bỏ nắm cơm ra thì đã lên mùi chua do băng rừng hơn một ngày trời trong nắng nóng. Thế nhưng, ai cũng không cầm được nước mắt! Thương đồng đội, cảm phục đồng đội!

Ngày hôm đó, đơn vị tổ chức giã thóc, gạo thì để dành. Phần cám gạo và cả nắm cơm chua Nga đem về, anh em bỏ hết vào nấu với rau môn (như cám lợn)! Anh em mỗi người một bát, húp hì hụp, bữa “cháo cám lợn” giữa những ngày đói quay đói quắt, hạnh phúc biết nhường nào!

Gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Tôi kể một vài câu chuyện trong kháng chiến đã minh chứng cho một điều, dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ thế nào, truyền thống quý báu gắn bó với nhân dân, tình thương yêu đồng chí, đồng đội vẫn luôn được bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam gìn giữ, phát huy.

Ngày nay, nhiều người cho rằng: Trong thời bình, tình cảm ấy không còn thiêng liêng như những năm trong kháng chiến nữa. Đó là cái nhìn lệch chuẩn!

Trước hết, phải khẳng định rằng: Bản chất, truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân ngày nay giữ vững và phát huy tốt. Điều đó được biểu hiện qua những hành động cụ thể, đó là: Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong mưa lũ, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu giúp nhân dân; bộ đội hóa học tham gia làm sạch môi trường; bộ đội nhận đỡ đầu các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ra rừng làm lán trại nghỉ, nhường nơi ở để nhân dân đến cách ly; tham gia cứu chữa, vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp nhân dân các địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19... Trên thế giới, hình ảnh những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Khám bệnh cho nhân dân, hướng dẫn người dân nơi phái bộ đóng quân tăng gia, sản xuất; mỗi khi có phái bộ nào đi qua, thấy trên xe gắn cờ Việt Nam nhân dân chào đón rất nồng nhiệt.... Hình ảnh ấy đẹp quá! Cao quý quá!

Trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, cùng nhau ra sức học tập, luyện rèn thành thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bất ngờ trong mọi hoàn cảnh; đồng cam, cộng khổ, sẻ chia khó khăn để cùng nhau canh giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; chắc tay súng giữ vững vùng biển, vùng trời của đất nước.

Tất cả đã nói lên sự kế tục xứng đáng của thế hệ hôm nay với truyền thống và những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.

Để những phẩm chất tiếp tục được bồi đắp, phát huy hơn nữa, ở mỗi thời kỳ, dù có những hoàn cảnh và yêu cầu khác nhau nhưng có những điều mà chúng ta không được phép bỏ qua, đó là:

Việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phải được chú trọng. Trong đó, cần nghiên cứu đổi mới hình thức giáo dục sao cho hấp dẫn, để bộ đội nắm được và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, của Đảng ta, Quân đội ta và nhân dân ta; về truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân; về tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau như ruột thịt, cùng sẻ chia gian khó, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ nhau của những quân nhân cách mạng...

Trong giáo dục, chú trọng giáo dục về kỷ luật và pháp luật cho mọi cán bộ, chiến sĩ. “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” trong bất luận hoàn cảnh nào. Từ đó, đặt ra yêu cầu cho đội ngũ cán bộ các cấp vừa phải gương mẫu chấp hành điều lệnh, điều lệ, các quy định của pháp luật, vừa phải nêu cao tình thương, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Quân đội là một xã hội thu nhỏ, cũng chịu nhiều tác động của mặt trái xã hội, nhưng Quân đội ta là một tổ chức chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta có điều kiện để hạn chế thấp nhất những tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Ở đâu duy trì nghiêm túc các chế độ, nền nếp thì ở đó sẽ hạn chế mức thấp nhất tình hình vi phạm kỷ luật và ngược lại, nơi nào, cấp nào buông lỏng quản lý thì số vụ việc vi phạm sẽ tăng lên.

Mặt khác, cần chú trọng giải quyết hài hòa giữa chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách, đặc biệt là chính sách. Đây là một vấn đề lớn, cần nghiên cứu thấu đáo nhưng tựu trung: Việc giải quyết chính sách làm sao chú trọng cả vật chất lẫn tinh thần, để chính sách thực sự tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ cống hiến, yên tâm gắn bó với đơn vị.

Làm tốt những điều trên thì nhân dân càng thêm yêu mến, gắn bó mật thiết với quân đội; tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội ngày càng thêm bền chặt. Qua đó, tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.