Cách đây ít ngày, trong chuyến công tác tới vùng biên giới tỉnh An Giang, tôi có dịp gặp đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện An Phú, được nghe anh kể về sự ủng hộ, giúp đỡ của bộ đội đối với chính quyền và nhân dân địa phương.
Trong câu chuyện, anh nhấn mạnh tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và Bộ CHQS tỉnh trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại vùng biên giới. Ngay cả những cựu chiến binh dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn gương mẫu, trở thành chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Huyện An Phú là địa bàn biên giới khó khăn, nằm ở đầu nguồn sông Hậu, tập trung khá đông đồng bào dân tộc Chăm, đời sống đồng bào còn nhiều vất vả. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện gặp không ít trở ngại do hạn chế về hạ tầng, kinh tế... Chủ trương huy động sức dân ở vùng biên giới lại càng khó hơn. Trong lúc chính quyền đang băn khoăn, trăn trở, rối như tơ vò thì những cựu chiến binh và các hộ gia đình quân nhân định cư trên địa bàn đã sốt sắng ủng hộ chủ trương, gương mẫu đi đầu, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình quân nhân và cựu chiến binh đã tự nguyện hiến đất làm đường, chặt bỏ cây xanh, tháo dỡ tường bao để tạo điều kiện cho địa phương mở đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi...
Không những thế, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện còn tiên phong, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xóa đói, giảm nghèo, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trao học bổng tặng học sinh nghèo...; tổ chức lực lượng tham gia làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, ứng cứu, khắc phục thiên tai... Những việc khó, nơi gian khổ đều có mặt cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân sự địa phương. Chính sự gương mẫu, tiên phong của bộ đội và cựu chiến binh đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, giúp chính quyền vững tâm thực hiện chủ trương huy động tổng lực xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, nhiều xã thuộc huyện An Phú đã hoàn thành mục tiêu, không còn hộ đói, giảm hẳn hộ nghèo.
Với đường biên giới dài 42,5km, tiếp giáp nước bạn Campuchia qua 8 xã, thị trấn, với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở và kênh rạch xuyên biên giới, nhiều năm trước, huyện An Phú là trọng điểm diễn ra các vụ buôn lậu qua biên giới. Lợi dụng đặc điểm địa bàn, các đối tượng buôn lậu tổ chức hoạt động rất tinh vi, đa dạng, thay đổi nhanh theo tình hình, tìm mọi cách vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Lại một lần nữa, tinh thần gương mẫu, tiên phong thực hiện việc khó của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã giúp địa phương từng bước xóa điểm đen tội phạm. Bộ đội biên phòng và cơ quan quân sự phát động phong trào giữ gìn an ninh trật tự vùng biên. Cán bộ, chiến sĩ xung phong cắm chốt, tăng cường tuần tra dọc tuyến biên giới, kiểm soát đường mòn, lối mở để ngăn chặn buôn lậu, trấn áp tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Gia đình các cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực ở khu dân cư biên giới gương mẫu chấp hành pháp luật, quy định của địa phương, tích cực tham gia vận động các hộ dân trên địa bàn không tiêu thụ hàng lậu, không tiếp tay cho kẻ xấu... Chính sự gương mẫu của cán bộ, chiến sĩ và thân nhân đã thuyết phục được nhiều đối tượng quay về nẻo sáng, lương thiện làm ăn, noi theo các anh chung sức xây dựng vùng biên yên bình, no ấm...
Điểm lại một vài ví dụ thực tế tại địa phương, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện An Phú tâm đắc: Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Bộ đội Cụ Hồ luôn gương mẫu thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tiên phong giúp đỡ nhân dân, nhất là địa bàn khó khăn, phức tạp hay những việc khó, việc khổ. Các anh là chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Đây không chỉ là sự ghi nhận của chính quyền huyện An Phú mà tại nhiều địa phương trong cả nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân luôn tin tưởng ở sự gương mẫu, tiên phong của Bộ đội Cụ Hồ. Thực tế cho thấy, ở những địa bàn có đông gia đình quân nhân cư trú, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương đều được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhờ sự gương mẫu, tiên phong-một trong những đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đặc trưng ấy đã được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương. Cũng trong nghị quyết này, Quân ủy Trung ương yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; cán bộ, đảng viên trong quân đội giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành nét đẹp lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Phẩm chất đặc trưng ấy không tự nhiên hình thành mà phải do chính cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, kế tục và phát huy.
Cho nên, cũng thật dễ hiểu khi cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương luôn tin yêu, quý mến và ngưỡng mộ tinh thần gương mẫu, tiên phong của Bộ đội Cụ Hồ, luôn ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ với địa phương nơi đóng quân hoặc nơi định cư, sinh sống.
Để tiếp tục tô thắm phẩm chất gương mẫu, tiên phong mọi nơi, mọi lúc và giữ vững niềm tin yêu của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong sáng; ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn gương mẫu về mọi mặt, vững vàng bản lĩnh trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào; đồng thời phải tích cực học tập, rèn luyện tinh thông nghiệp vụ quân sự, nắm chắc và thượng tôn pháp luật, gắn bó máu thịt với nhân dân... Sự gương mẫu, tiên phong phải thể hiện bằng việc hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao; gương mẫu trong lời nói, hành động; không đùn đẩy trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ, không dám dấn thân; thương yêu đồng đội, kính trọng, giúp đỡ nhân dân, sống có nghĩa có tình; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời, mang lại “hiệu ứng lan tỏa”, tập hợp và lôi cuốn quần chúng theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, thiết thực và phải ra sức thực hiện để không ngừng hoàn thiện bản thân, lan tỏa những việc làm tốt, góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét